09:18 19/09/2022

Ninh Bình: Trên 547.870 lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách

Ngày 19/9, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Chú thích ảnh
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Gia Lâm (ảnh tư liệu).

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết, sau 20 năm hoạt động, mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội tại tỉnh Ninh Bình được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn và hiệu quả, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. 

Hiện tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 235 thành viên; trong đó, cấp tỉnh 12 thành viên, cấp huyện 223 thành viên, trông số này có 143 thành viên là chủ tịch UBND cấp xã. 4 tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia quản lý gần 3.140 tỷ đồng.

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã giải ngân cho 547.871 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt trên 9.840 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 6.800 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phần lớn tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những kết quả đạt được thể hiện vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là đặc biệt quan trọng, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo, có tính nhân văn sâu sắc.

Từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; dư nợ tăng bình quân hàng năm từ 8%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%...

Để thực hiện các mục tiêu chủ yếu kể trên, Ngân hàng Chính sách xã hội  tiếp tục thực hiện các văn bản của Trung ương về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách UBND các cấp ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch xã, xem đây là hình ảnh và là thương hiệu đặc trưng riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng đánh giá cao những kết quả đạt được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. 

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình cần chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận tín dụng chính sách xã hội.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong đó có giải pháp về tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ hiện thực hó chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tại lễ tổng kết, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát động tháng "Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo" tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thu hút được gần 700 tập thể, cá nhân tham gia gửi và đăng ký gửi tiền tiết kiệm với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Đức Phương (TTXVN)