07:08 22/07/2025

Ninh Bình tập trung đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trước bão Wipha

Với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, các địa phương tỉnh Ninh Bình chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Chú thích ảnh
Vị trí tâm bão số 3 lúc 4 giờ ngày 22/7 từ hệ thống giám sát thiên tai. Ảnh: TTXVN phát

Sẵn sàng xử lý các sự cố

Theo thông tin từ lãnh đạo xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình, khoảng 4h sáng 22/7, trên địa bàn xã có mưa rất to, gió mạnh. Đến 6h sáng, lượng mưa vẫn khá cao khiến khu vực canh tác hoa màu phía trong đê biển Cồn Tròn ngập nặng.

Theo dự báo, khoảng trưa 22/7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền khu vực Ninh Bình. Với đặc điểm là xã ven biển, Hải Thịnh sẽ hứng chịu cuồng phong của bão từ những giờ đầu. Hiện toàn bộ lực lượng phòng chống thiên tai của xã đang khẩn trương thực hiện các công việc được giao và túc trực 24/24 giờ đến khi bão tan. Các phương án xử lý sự cố của xã được kích hoạt và sẵn sàng thực hiện.

Xã Hải Thịnh có 3 tuyến đê là đê sông, đê cửa sông và đê biển với tổng chiều dài gần 18km, phân bổ trên địa bàn 18 xóm. Tuyến đê biển của xã dài trên 7 km đã được nâng cấp, song phần lớn nằm trên nền đất yếu, một số vị trí bị xuống cấp, mặt đê bị lún nứt, mái đê dễ bị sạt lở do mưa lớn hoặc sóng tràn qua mặt đê.

Đặc biệt là khu vực kè Hải Thịnh 2 và Hải Thịnh 3 đang được thi công mỏ kè và thềm đê. Đoạn đê khu vực mom Gót Tràng đang được thi công mặt đê và kè mái. Bờ biển nằm trong vùng biển tiến, bãi thoái. Bãi bồi phía biển bị hạ thấp, nhất là đoạn Hải Thịnh 3, kè mỏ Hải Thịnh 2, dòng chảy áp sát chân đê nên mỗi khi gặp triều cường kết hợp với gió mạnh tạo sóng lớn áp sát thân đê hoặc mưa lớn có nguy cơ gây sạt lở mái đê.

Ông Trần Minh Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thịnh cho biết, từ thực tế trên, xã xác định các trọng điểm phòng, chống thiên tai và xây dựng phương án bảo vệ các địa điểm đê, kè Hải Thịnh 3, vị trí đang thi công thuộc tuyến đê kè Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3, vị trí đang thi công thuộc tuyến đê Gót Tràng. Để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, ngoài vật tư do tỉnh hỗ trợ gần 600 m3 đá hộc, trên 30.900 m2 bạt chống tràn, 167.800 bao tải, trên 500 rọ thép, UBND xã Hải Thịnh đã chuẩn bị 20.000 cọc tre, 8 xe khách, 12 xe tải và 7 máy múc.

Đối với các vị trí đang thi công, bên cạnh việc chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai của doanh nghiệp, UBND xã cử cán bộ phối hợp với các đơn vị để kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, vật tư, phương tiện khi cần thiết.

Xã cũng đã kiện toàn Đội xung kích phòng chống thiên tai của địa phương với 231 người, là nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ khi có nhu cầu. UBND xã đã yêu cầu các thôn, xóm, tổ dân phố lên danh sách, chuẩn bị mỗi thôn, xóm 20 người sẵn sàng tham gia ứng phó với sự cố thiên tai.

Xã cũng rà soát, sẵn sàng phương án di dời khoảng 1.700 người dân tại những nơi nguy hiểm đến ở tạm tại trạm y tế, trường học trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi thời tiết diễn biến xấu. Xã đã yêu cầu các thôn, tổ dân phố chuẩn bị lương thực, thực phẩm để phục vụ cho hoạt động phòng chống thiên tai...

Đảm bảo an toàn cho nhân dân

Nhằm ứng phó với bão số 3, các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường của tỉnh Ninh Bình đã tập trung rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu trên địa bàn; tổ chức kiểm tra công tác “bốn tại chỗ”, sẵn sàng xử lý các sự cố khi có yêu cầu; tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập.

Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Ninh Bình, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh và người nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực ngoài đê đã vào nơi trú ẩn an toàn trước 10h sáng 21/7. Số tàu neo đậu trong tỉnh là 1.838 tàu với gần 5.600 lao động; neo đậu ngoại tỉnh 23 tàu với 128 lao động. Toàn tỉnh có 782 lều chòi, trên 890 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê, 45 cơ sở nuôi lồng bè với 891 lồng bè trên các sông.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 46 hồ chứa với tổng dung tích gần 49 triệu m3; 895 cống và 1.621 trạm bơm với 2.975 máy bơm. Tất cả các công trình đã sẵn sàng tích nước và vận hành tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp khi có yêu cầu. Các đơn vị Công ty cổ phần công trình đô thị Nam Định, Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Hà Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên  Khai thác công trình Thủy lợi Ninh Bình tập trung rà soát phương án tiêu thoát nước trong khu đô thị và khu công nghiệp.

Tỉnh khẩn trương rà soát, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sinh sống tại các khu nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, nhà yếu, không an toàn, chung cư cũ tại các đô thị. Trong ngày 21/7, phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình đã di dời 462 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sống ở các khu chung cư cũ xuống cấp, nhà yếu, nguy hiểm để bảo đảm an toàn trước bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng thông tin, tỉnh có khoảng 90 km bờ biển và trên 1.217 km đê các loại; trong đó có nhiều trọng điểm xung yếu. Trên địa bàn cũng còn không ít khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu, nhất là khu vực các phường trung tâm (thuộc thành phố Nam Định cũ). Toàn tỉnh còn nhiều khu nhà yếu, chung cư cũ tại các đô thị như phường Nam Định…

Trước thực tế đó, ngay khi có thông tin về cơn bão số 3 có cường độ rất mạnh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn, tỉnh tạm dừng các cuộc họp không thật cần thiết để tập trung ứng phó với bão; triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với bão tại các địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Các xã, phường duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, chủ động phòng tránh, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự, Công an sẵn sàng phương án di dời dân sinh sống tại các khu nhà yếu, nhà tạm, khu vực trũng thấp, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu đến nơi an toàn; đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân tại các điểm sơ tán; khuyến cáo người dân khi không có việc cấp thiết, không ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền, dự kiến khoảng trưa 22/7.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh kiểm tra, rà soát, triển khai giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển kiểm đếm tàu thuyền, kiên quyết không được để người dân ở lại trên tàu, thuyền trong khu neo đậu. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi, đơn vị tiêu thoát nước lên phương án vận hành tiêu, thoát nước đô thị, tiêu úng bảo vệ diện tích lúa, hoa màu trong trường hợp xảy ra mưa lớn liên tục kéo dài..

Nguyễn Lành (TTXVN)