09:14 26/09/2020

Ninh Bình nghiên cứu bảo tồn giá trị di tích khảo cổ vùng đất Gia Thủy

Tháng 7/2020, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thành lập Đoàn công tác để thực hiện Đề tài "Nghiên cứu lịch sử vùng đất thuộc xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt" nhằm tìm hiểu rõ hơn về 10 thế kỷ đầu Công nguyên, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ chung bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại tỉnh Ninh Bình.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác nghiên cứu di tích nền móng xuất lộ tại Đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 

Xã Gia Thủy là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Đây là một trong những xã của tỉnh Ninh Bình có nhiều sự tích, truyền thuyết liên quan đến thân thế và hành trạng của vua Đinh Tiên Hoàng lúc thiếu thời. Đặc biệt, từ năm 2002, tại xã Gia Thủy đã phát hiện dấu hiệu di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ. Từ những di tích, di vật thu được, các nhà nghiên cứu tham gia khảo sát đã dự đoán về một trị sở của một khu vực liên quan tới các triều đại phong kiến thống trị phương Bắc.  

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: Theo ghi chép, 10 thế kỷ đầu Công nguyên (thời kỳ Bắc thuộc), vùng đất Ninh Bình được xác định thuộc về huyện Võ Công, quận Cửu Chân đời Hán và là đất Trường Châu đời Đường, nhưng cho đến gần đây vẫn chưa tìm thấy những chứng cứ xác minh.

Đề tài được thực hiện xuất phát từ nguyên nhân: Trước đây Ninh Bình đã là vùng đất cổ và là vùng đất có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, xã Gia Thủy là một trong những vùng đất có rất nhiều di tích liên quan đến thế kỷ X, thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đặc biệt, tháng 12/2019, một kiến trúc gạch cổ được phát hiện khi đào móng xây dựng phòng học trong khuôn viên trường Tiểu học Gia Thủy.

Qua kết quả nghiên cứu, đây là một ngôi mộ gạch có từ thế kỷ III sau Công nguyên. Mộ có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có mái vòm, kích thước phủ bì dài hơn 7,5 m và rộng trên 2 m, lòng mộ chia làm 2 gian tiền thất và hậu thất. Di vật trong mộ gồm có gương đồng, chậu đồng mủn nát, 1 hạt cườm bằng vàng, 3 hạt cườm bằng đá ngọc và nhiều đồ gốm men, đồ sành đã bị vỡ nát. Mộ đã nhiều lần bị xâm phạm bởi dân đào đồ cổ. Từ đây, xuất hiện những lời đồn đoán trong nhân dân địa phương cho rằng, khu vực này có mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Vì vậy, từ tháng 7/2020, ngành Văn hóa tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280 m2 tại các địa điểm trường Tiểu học, Trung học cơ sở Gia Thủy và đình Mỹ Hạ xã Gia Thủy.

Kết quả, tại trường Tiểu học Gia Thủy, các nhà khoa học đã thăm dò, khai quật khảo cổ và phát hiện thêm 1 mộ gạch có niên đại thời Bắc thuộc và một nền móng kiến trúc gạch đầu thế kỷ XX. Mộ có cấu trúc hình cũi chữ nhật có mái vòm, chia thành ba gian tiền, trung và hậu thất. Tường mộ được xếp hai lớp gạch xếp dạng tráo đầu đuôi để tạo thành mặt phẳng. Một cạnh của các viên gạch có trang trí hoa văn với các mô típ khác nhau dạng xương cá, ô trám đơn, ô trám lồng, ô trám kết hợp, hoa văn đồng tiền. Quá trình khai quật cũng ghi nhận mộ đã bị đào phá nhiều lần, toàn bộ lòng mộ đã bị xáo trộn. Đồ tùy táng bằng gốm men và sành bị đập vỡ nát nằm rải rác lẫn lộn trong lớp đất đào mộ. Qua nghiên cứu quy mô xây dựng và đồ tùy táng còn lại, các nhà khoa học dự đoán chủ nhân của ngôi mộ là quan lại cấp cao trong xã hội đương thời; đây là một minh chứng cho sự tồn tại và phát triển lâu đời của vùng đất này. Ngôi mộ đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện nền móng kiến trúc gạch nằm ngay bên dưới mặt sân trường Tiểu học Gia Thủy. Qua nghiên cứu, Đoàn công tác cho rằng nền móng kiến trúc này thuộc về một ngôi miếu được tái dựng ở đầu thế kỷ XX và bị phá hủy trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp.

Tại đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy), là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu 0,5 m so với mặt đất hiện tại. Quan sát mặt bằng kiến trúc, có thể nhận diện hai đơn nguyên kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật được xây dựng nối tiếp nhau tạo thành mặt bằng hình chữ Nhị. Tổng diện tích mặt bằng kiến trúc là 156 m2, phía trước đại đình ở hai bên có hai trụ biểu, phía trên đắp hình con lân ngồi chầu. Dựa vào vật liệu và cách thức xây dựng, bước đầu các nhà khoa học nhận định ngôi đình là một di tích lịch sử được quan tâm tu sửa liên tục và lần tu sửa gần nhất là ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.  

Chú thích ảnh
Tường mộ được xếp hai lớp gạch xếp dạng tráo đầu đuôi để tạo thành mặt phẳng. 

Bên cạnh việc khai quật nghiên cứu khảo cổ học, Đoàn công tác còn tiến hành điều tra điền dã để thu thập tư liệu lịch sử văn hóa - nhân học - Hán Nôm tại 6 xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (huyện Nho Quan), Gia Hưng và Liên Sơn (huyện Gia Viễn). Kết quả điều tra đã ghi nhận những chứng tích lịch sử và văn hóa dân gian liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và nhà Đinh.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, Chủ trì Đoàn công tác cho biết, sau gần 3 tháng thực hiện, kết quả nghiên cứu khảo cổ lịch sử văn hóa - nhân học - Hán Nôm ở vùng đất Gia Thủy đã góp phần làm rõ lịch sử văn hóa của một vùng đất ở thời điểm 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Vùng đất mà ở đó, trên một tầng văn hóa bản địa sâu đậm của các cư dân Việt cổ, hình thành nên một nền tảng văn hóa bản địa vững chắc, là bệ phóng để sứ quân Đinh Bộ Lĩnh vươn mình thống nhất đất nước.

Ông Quý chia sẻ, "Chúng tôi đã nghiên cứu toàn bộ những di tích lịch sử ở vùng đất Gia Thủy dọc sông Bôi và đã phát hiện ra những dấu tích của một trung tâm hành chính có quy mô tương đối lớn tại vùng đất Gia Thủy này. Từ kết quả nghiên cứu vừa qua, Đoàn công tác đề xuất với UBND tỉnh Ninh Bình và Sở Văn Hóa và Thể thao tỉnh cho phép tiếp tục triển khai Đề án nghiên cứu lịch sử văn hóa cả vùng ngã 3 sông Bôi để phác dựng lên bối cảnh lịch sử văn hóa trong khu vực nhằm hiểu kỹ hơn về thế kỷ thứ X, thế kỷ mà đất nước ta giành lại độc lập và thống nhất dân tộc".

Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, các di tích đã thăm dò, khai quật tại xã Gia Thủy đang đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai. Trước mắt, tỉnh cần khoanh vùng, lấp bảo tồn di tích tạm thời đối với mộ gạch cổ và nền móng kiến trúc tại đình Mỹ Hạ, giúp bảo quản di tích trong lòng đất, tránh tình trạng bị xâm hại bởi quá trình xây dựng các công trình dân dụng của người dân hoặc nạn đào trộm cổ vật. Về phương án lấp bảo tồn di tích, Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung kiến nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Ninh Bình cần xây dựng chỉ dẫn, các phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Bài và ảnh: Hải Yến (TTXVN)