06:22 21/06/2015

Niềm vui người trồng vải

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm nay giá vải quả bình quân cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Sự đầu tư cho khoa học kỹ thuật và quy trình chăm sóc để quả vải được xuất ngoại đang hứa hẹn những mùa bội thu cho nông dân trồng vải.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm nay giá vải quả bình quân cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Sự đầu tư cho khoa học kỹ thuật và quy trình chăm sóc để quả vải được xuất ngoại đang hứa hẹn những mùa bội thu cho nông dân trồng vải.

Vải thiều được giá


Hải Dương hiện có gần 11.000 ha vải, tập trung tại huyện Thanh Hà (gần 4.000 ha) và thị xã Chí Linh (gần 4.300 ha), trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu VietGap và GlobalGap chiếm khoảng 250 ha. Sản lượng vải quả của Hải Dương vụ năm nay ước tính khoảng 50.000 tấn, giá vải cao hơn năm trước khoảng 20% nên lợi nhuận của người dân tăng lên đáng kể. Riêng vải VietGap và GlobalGap có quy trình trồng và giám sát chặt chẽ hơn nên đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, có năng suất quả cao hơn (khoảng 7 đến 8 tấn/ha) và có giá cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg vải trồng theo phương pháp truyền thống.

Hoạt động thu mua vải thiều tại cơ sở Nguyễn Thị Hường, xã Thanh Xá bổ sung địa danh. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN



Năm nay, công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại cho quả vải được làm tốt hơn, nhất là vải thiều Hải Dương đã được phía Mỹ cấp mã số vùng trồng cho 20 ha ở thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà. Nhờ đó, vải thiều Hải Dương đã đặt được những bước chân đầu tiên vào các thị trường khó tính như Australia , EU, Mỹ và đã được người tiêu dùng ở các thị trường này trả giá cao. Trên thị trường, vải quả Hải Dương đang được thương lái thu mua với giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Ngay cả khi chính vụ giá bán cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg.

Thêm diện tích trồng tiêu chuẩn


Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Để đảm bảo đầu ra cho quả vải, tránh tình trạng "được mùa rớt giá, mất mùa được giá", đối với những vùng trồng vải trọng điểm như Thanh Hà, Chí Linh tỉnh đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn quy trình để nông dân sản xuất vải đáp ứng các tiêu chí vào các thị trường Mỹ và châu Âu, đồng thời khuyến khích tăng diện tích trồng vải sản xuất theo quy trìnhVietGap, Global Gap. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua đầu tư kho lạnh, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh) có gần 2 ha trồng vải trong đó 1,5 ha vải thiều đang sản xuất đúng quy trình VietGAP để xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết: Nông dân rất vui vì quả vải quê nhà giờ đây không còn dừng lại ở thị trường trong nước. Gia đình bà nói riêng và nhiều hộ nông dân khác đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp từ việc chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt không phun những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục phía Mỹ không cho phép.

“Đây là vụ đầu tiên vải thiều Hải Dương sang Mỹ, nhưng sau này, khi đã được thị trường Mỹ, Australia và nhiều nước chấp nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ đúng các quy trình này để hy vọng quả vải quê mình sẽ ngày càng vươn xa và thu nhập từ cây vải cho người nông dân sẽ ngày càng tốt hơn”, bà Nụ chia sẻ.

Những tín hiệu mừng ở vụ vải này là cơ sở để người nông dân Hải Dương giữ nguyên diện tích trồng vải, đồng thời mở rộng thêm các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng nhu cầu lớn khi có thị trường mới trong các vụ vải tiếp theo. Cây vải thiều sẽ không còn là cây xóa đói giảm nghèo mà là cây trồng chủ lực giúp người dân làm giàu.


Mạnh Tú