06:18 04/06/2015

Niềm tin từ bên kia chiến tuyến

Hơn ba mươi phút đã trôi qua, hai ly cà phê đen đặc quánh trong cái quán nhỏ ven đường vẫn còn nguyên. Hai người đàn ông mái tóc bạc trắng ngồi yên bất động. Đôi tròng kiếng nhạt nhòa vì những giọt nước mắt pha lẫn những giọt mồ hôi cứ lăn dài.

(Nhân kỷ niệm 7 năm ngày mất cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 11/6/2008 – 11/6/2015)

Hơn ba mươi phút đã trôi qua, hai ly cà phê đen đặc quánh trong cái quán nhỏ ven đường vẫn còn nguyên. Hai người đàn ông mái tóc bạc trắng ngồi yên bất động. Đôi tròng kiếng nhạt nhòa vì những giọt nước mắt pha lẫn những giọt mồ hôi cứ lăn dài. Những tiếng thở dài thỉnh thoảng lại cất lên nghe não ruột. Bất giác chú Hai Kỉnh lên tiếng trước như phá tan bầu không khí ngột ngạt, u uất đang bao trùm.

- Ông thấy thế nào? Giọng chú hỏi khẽ khàng:

- Thấy cái gì? Chú Năm Thạnh trả lời chậm rãi.

- Thì cái vụ ông “Sáu Dân” từ trần, ông đừng hỏi cắc cớ tui à nghen.

- Biết rồi, tui buồn quá ông ạ, cả đời tui đi theo cách mạng, chết sống là lẽ thường tình, nhưng chưa thấy ai như vậy. Khi mất cả nước đều tiếc thương như chính người thân trong gia đình mình vậy, còn ông?

- Buồn lắm, người hiền lại không được sống lâu, mà…mà…

Minh họa: Trần Thắng



Nói đến đó, chú Hai Kỉnh lặng im không nói lời nào, mà có nói cũng chẳng biết nói gì cho phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Chú là một sỹ quan ngụy quyền đã qua những tháng ngày học tập cải tạo, gia đình đang định cư ở nước ngoài, chỉ riêng mỗi mình chú còn lại Việt Nam với bao tâm trạng ngổn ngang. Nhiều lần chú đã làm thủ tục xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình, nhưng rồi cũng như những lần trước chú lại tự nguyện rút đơn bất chấp sự phản đối của vợ con đang sống một cuộc đời vương giả nơi đất khách quê người.

Thuyết phục mãi không được, gia đình chú không còn thường xuyên gửi tiền về như trước đây. Cả thư từ cũng bặt vô âm tín. Hai đứa con trai bên đó nghe đâu đã cưới vợ Mỹ hết rồi. Đám cưới mà chúng nó cũng không thèm mời chú một tiếng mà chỉ gửi hình ảnh tiệc tùng linh đình ở nhà hàng về cho chú như một sự thách thức, một sự giễu cợt với một sĩ quan cũ “gàn” như chú. Mặc. Chú đã tự sống bằng niềm tin vào một đất nước dù khó khăn, nhưng cũng biết vươn lên đổi mới. Và đó cũng là cách để chú chuộc lại những suy nghĩ sai lầm trước đây về những người cộng sản. Mà suy cho cùng hoàn cảnh ai như chú lúc bấy giờ cũng không còn có sự lựa chọn nào khác.

Một sinh viên trường y mới ra trường bị bắt lính do nhà nghèo không có tiền lo lót, cũng may là ngày 30 tháng 4 đến sớm nếu không thì giờ này sự thể cũng chưa biết sẽ ra sao? Chú ngẫm nghĩ về cuộc đời mình.

Sau ngày học tập trở về quê, chú mới biết vợ con mình đã vượt biên sang Mỹ. Tài sản đã bán sạch, chỉ còn lại căn nhà do Nhà nước quản lý. Từ đó chú trở thành bợm nhậu say xỉn be bét tối ngày. Lớp thì mặc cảm với hàng xóm về sự phá sản, tan nhà nát cửa của gia đình, lớp thì mặc cảm với chính quyền địa phương vì chú luôn xem mình như một tội đồ chiến tranh không thể hòa nhập. Vài ba tháng chú được mời lên phường răn đe giáo dục đủ điều. Uất ức nhất là “ngài” chủ tịch phường mặt búng ra sữa tuổi độ con chú nhưng nói năng thô lỗ kênh kiệu, hống hách, nhìn chú bằng nửa con mắt mỗi khi tiếp xúc.

Cạnh bên nhà chú là một “ông” sỹ quan quân đội về hưu cũng trạc độ tuổi chú. Cách nhau một tấm vách nhưng mấy năm trời chú không hề lai vãng bước sang nhà hàng xóm vì xấu hổ, vì mặc cảm… Nhiều lần người hàng xóm bên ấy sang gõ cửa nhà nhưng chú không mở, cố tình lẩn tránh. Qua khung cửa nhỏ chú thấy người ấy thật buồn rồi quay đi vội vã.

- Kiếm mình chắc có chuyện chẳng lành, không quan hệ thì tốt nhất - Bao giờ chú cũng tự nhủ lòng mình như vậy.

Cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn. Nhiều lần chú đã định bán căn nhà thênh thang đang ở do Nhà nước vừa trả lại, có người trả đến vài tỷ đồng nhưng rồi chú lại thôi. Sĩ diện của một người đàn ông không cho phép chú làm như vậy. Và trong thâm tâm chú vẫn còn le lói niềm hy vọng dù rất mong manh, những người thân sẽ trở về mái nhà xưa.

Trời xui đất khiến thế nào mà trong một đêm mưa gió, chú chạy xe hon đa ôm về gần đến nhà thì đột quỵ bất tỉnh. Chú đã bị “hạ gục” bởi những tháng ngày vất vả lo toan miếng cơm manh áo, trong sự cô đơn trống vắng bị ruồng bỏ của gia đình.

Tỉnh dậy chú thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Người ngồi bên cạnh là ông già “Việt cộng” cạnh nhà đang lau trán cho ông với nụ cười thân thiện. Chú thấy xấu hổ quá, thẹn thùng quá trước tình huống bất ngờ này, bất giác chú hỏi khẽ:

- Đây là đâu vậy ông?

- Là bệnh viện chứ đâu, thôi nghỉ ngơi cho khỏe, đừng suy nghĩ lung tung...

- Nhưng tôi… tôi đâu có… có...

- Có tiền chớ gì? Thôi mọi chuyện để tôi lo. Đừng ngại, hàng xóm với nhau cả mà, ông sống đơn độc quá, cũng như tôi. Nói tới đó người sỹ quan già ấy nín bặt rồi bất giác cất tiếng thở dài. Đôi mắt cả hai người cứ đăm đăm nhìn ra bầu trời trong xanh ngoài cửa sổ. Những sợi tóc bạc trắng cứ rung lên theo cơn gió ầm ập báo hiệu cơn bão số năm sắp tràn vào thành phố.

Sau lần ấy, đôi bạn già trở nên thân thiết. Hai Kỉnh dần dà mới biết Năm Thạnh nhỏ hơn mình một tưổi, vẫn sống đơn độc vì vợ con đã chết do bom đạn chiến tranh ở quê nhà. Chú đi thêm bước nữa với một phụ nữ đứng tuổi cùng cơ quan, họa vô đơn chí hai mẹ con cũng vĩnh viễn ra đi do di chứng chất độc màu da cam. Giờ đây trong căn nhà nghĩa tình đồng đội, người đại tá già vẫn lặng lẽ một bóng một hình. Khi đêm về chú lại quay quắt nhớ thương bóng dáng những người thân yêu trong nỗi đau đớn xé lòng.

Chiến tranh là thế. Những người lính ở hai đầu cuộc chiến tranh có những nỗi khổ riêng mà không phải ai cũng thấu đáo được. Hôm qua họ cầm súng đối đầu nhau để bảo vệ lý tưởng của chính mình. Hôm nay họ trở thành những người hàng xóm đồng cảnh ngộ, lạc lõng cô đơn khi chiến tranh đã lùi xa trên ba mươi năm.

- Nè, uống đi hai chú, cà phê lạnh ngắt hết rồi. Tiếng cô chủ quán trẻ đưa cả hai trở về thực tại.

- Ờ, cứ để đó cho hai chú. Chú Hai Kỉnh trả lời qua loa, mắt cứ đăm đăm nhìn vào ly cà phê đặc quánh như người vô hồn.

Hôm qua vô tình xem trên báo chú đọc được mẩu chuyện Thủ tướng Sáu Dân cảm hóa một tay anh chị khét tiếng ở Sài Gòn. Người ấy đã trở thành một chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra chân chính, đang làm nhiều việc thiện giúp đỡ người khốn khó. Hay chuyện Thủ tướng đi thị sát việc làm gạch ở Vĩnh Long, biết dân khổ ông chỉ đạo giúp vốn, làm đường vận chuyển thuận tiện, nhờ đó hàng trăm lò gạch mới sống được cho đến hôm nay. Nước mắt chú đã rơi thật nhiều khi bắt gặp hình ảnh chú Sáu Dân đốt nhang trước mộ phần vợ và con. Những người thân đã hy sinh do bom đạn Mỹ tại địa đạo Củ Chi.

Chú đã cắn chặt môi vì quá xúc động, và cảm thấy có lỗi thật nhiều về những cái chết bi thương ấy. Dù rằng chú chưa một lần đặt chân đến nơi này. Bao nhiêu mặc cảm giữa lằn ranh giới chế độ cũ và mới vụt chốc biến đi. Cách mạng không hẹp hòi như chú nghĩ. Nhiều lần chú đã bán tín bán nghi trước những lời nói của Năm Thạnh về những gì tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của địa phương tham gia công tác khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở địa phương. Dù việc ấy trong tầm tay của một bác sỹ quân đội nhiều năm kinh nghiệm như chú. Giờ đây chú day dứt đến tái tê lòng.

- Nè, tôi nhờ ông chuyện này có được không?

- Có gì nói đại đi, cứ úp mở hoài làm chi cho mệt.

- Mai ông lên phường đăng ký cho tôi tham gia đội tình nguyện khám bệnh miễn phí cho người nghèo, được không ?

- Trời đất, ông nói thiệt hay nói chơi vậy? Sao mấy lần trước ông né tránh, thậm chí còn quát mắng ầm lên.

- Tôi nói thiệt, tôi suy nghĩ kỹ lắm rồi. Làm được gì tốt cho xã hội thì cứ làm, tôi thấy mình nhỏ nhoi trước ông “Sáu Dân” quá. Tám mươi mấy tuổi mà có được nghỉ ngơi thanh thản gì đâu, còn tôi... thời gian qua thiệt bậy bạ hết sức…

Chú Năm Thạnh tần ngần im lặng thật lâu, mắt chú chằm chằm nhìn vào đôi mắt ươn ướt của người bạn già đang ánh lên những tia sáng niềm tin rất lạ kỳ.

- Tôi hiểu rồi, và rất mừng trước những quyết định “kỳ lạ” của ông. Giọng chú Năm Thạnh phấn khởi hẳn lên.

- Chưa hết đâu, tôi sẽ cho phường mượn căn nhà mình để làm nơi chăm sóc nuôi dưỡng người già neo đơn như tôi với ông, trẻ em bất hạnh lang thang. Để không khéo tụi nhỏ bị lợi dụng hư hỏng hết, ông tính có được không?

- Sao lại không? Bữa nay ông làm sao vậy?

- Không làm sao hết. Tôi thấy mình phải làm vậy cho vơi nhẹ cõi lòng và để…

- Để làm gì ?

- Để xứng đáng là con em ông “Sáu Dân” ông ạ.

Đôi bạn già khoác vai nhau rời khỏi quán trong niềm vui bất tận, quên cả việc trả tiền cà phê. Cô chủ quán cứ tủm tỉm cười và ngạc nhiên đến tột cùng. Hai ông già hôm nay có chuyện gì vui đây mà quên đầu quên đuôi đến như vậy?

Cả khu phố sôi động hẳn lên trước cái tin ông Hai “bác sỹ” cho mượn nhà làm nơi nuôi dưỡng người già và trẻ em khốn khó, “Ổng” còn tham gia trong đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo nữa chứ. Chuyện thật lạ mấy mười năm mới gặp nên luôn là đề tài bàn tán xôn xao. Người khen cũng có, người chê bai dè bỉu cũng có. Nhưng mấy người thấu hiểu được niềm vui của một người chợt nhận ra ánh sáng của con đường bấy lâu từ bỏ, dửng dưng. Một người đã thực sự bước qua ranh giới quá khứ chiến tranh. Chỉ có một người biết chuyện, đồng cảm, sẻ chia. Đó là người bạn già hàng xóm - ông Năm Thạnh.
Phương Anh