02:09 22/02/2015

Niềm tin sức trẻ

Năm 2015, thể thao Việt Nam sẽ có nhiều thử thách ở những giải đấu quan trọng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và niềm tin vào lớp VĐV trẻ.

Để lại dấu ấn đậm nét trong một năm bận rộn của Thể thao Việt Nam chính là sự tỏa sáng của các gương mặt trẻ tài năng. Năm 2015, thể thao Việt Nam sẽ có nhiều thử thách ở những giải đấu quan trọng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và niềm tin vào lớp VĐV trẻ.
 
Ánh Viên vẫn là niềm hy vọng số 1

Ánh Viên giành HCĐ ở nội dung 400m hỗn hợp nữ tại Asiad 2014.


Cái tên đầu tiên đáng được nhắc đến nhất không ai khác là nữ kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên. Hai năm liên tiếp, kình ngư trẻ này được bình chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc. Điều đó đã thể hiện tài năng cũng như sự trân trọng mà thể thao nước nhà dành cho tài năng trẻ này. Năm 2014 là năm mà Ánh Viên chinh phục đẳng cấp châu Á bằng những tấm huy chương ở Asiad, trở thành người đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam đoạt huy chương tại Á vận hội. Năm 2014 cũng là năm mà Ánh Viên chứng minh mình không có đối thủ trên đường đua xanh ở sân chơi trong nước, khi thâu tóm gần hết HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 ở những nội dung mà cô tham dự.

Hiện tại Ánh Viên đã giành chuẩn A Olympic ở 2 nội dung 200m ngửa và 400m hỗn hợp. Trong năm nay, mục tiêu lớn nhất của Ánh Viên là lọt vào tốp 8 thế giới tại Giải vô địch Bơi lội thế giới và giành thêm chuẩn ở các nội dung khác để dự Olympic Brazil 2016. Ánh Viên cũng đã lọt vào tốp 10 VĐV trẻ xuất sắc nhất của Bơi lội thế giới nhưng để tranh tài tại các đấu trường lớn như Olympic, cô sẽ gặp phải những khó khăn không nhỏ. Bên cạnh đó, SEA Games 2015 cũng là nơi mà Ánh Viên được kì vọng sẽ tỏa sáng.

Thạch Kim Tuấn (cử tạ)


Giống như Ánh Viên trong môn bơi, Thạch Kim Tuấn đang là VĐV được đầu tư trọng điểm trong môn cử tạ. Năm 2014 cũng là năm mà Thạch Kim Tuấn có HCB Á vận hội, cùng 1 HCV thế giới. Với thành tích ấn tượng này, Kim Tuấn đã đứng thứ 3 trong danh sách VĐV tiêu biểu năm vừa qua. Ở đấu trường Olympic, Thạch Kim Tuấn vẫn là niềm hy vọng số 1 của cử tạ Việt Nam. Tuy nhiên, xét về thành tích thì Kim Tuấn còn phải cạnh tranh với đương kim vô địch Olympic và thế giới Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên), do đối thủ rất mạnh ở nội dung cử đẩy.

Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh)

Năm 2014 là năm đầy bất ngờ với Thu Thảo. Bất ngờ nhất, ngọt ngào nhất chính là việc VĐV 22 tuổi này giành HCB Asiad 17 ở nội dung nhảy xa. Thậm chí, Thu Thảo còn có thể đoạt HCV ở giải đấu ấy, nếu như thời tiết ngày hôm đó thuận lợi. Nhiệm vụ của Thu Thảo không khác với Ánh Viên hay Thạch Kim Tuấn, đó là giành suất dự Olympic 2016, cũng như tỏa sáng ở SEA Games 28, nhằm giữ vững sức mạnh của điền kinh Việt Nam ở Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Quách Thị Lan (điền kinh)

Một cái tên đáng chú ý khác ở môn thể thao “nữ hoàng”, đó là Quách Thị Lan. Cô gái 20 tuổi này đã có một năm thi đấu rất xuất sắc. Thành tích ấn tượng nhất của cô trong năm qua chính là tấm HCB ở nội dung 400m nữ tại Asiad 17. Dù chưa khỏi hẳn chấn thương nhưng Lan chỉ chịu thua một VĐV người Bahrain gốc Nigeria. Cùng với Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan chính là những đại diện cho thế hệ mới của điền kinh Việt Nam.

Đội U19 Việt Nam.


Hy vọng vàng bóng đá nam từ U19

Năm 2014, đội tuyển bóng đá U19 tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ với những trận đấu gây ấn tượng mạnh tại Giải U19 Đông Nam Á mở rộng, Cúp Nhà vua Brunei, VCK giải U19 châu Á tại Myanmar và Giải U21 quốc tế Báo Thanh niên (Cần Thơ). Với lối chơi đậm chất cống hiến, U19 đã thực sự lôi kéo người hâm mộ tới sân cỏ và trở thành niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần. Sân chơi quan trọng nhất trong năm 2015 chính là SEA Games 28, nơi mà bóng đá Việt Nam quyết tâm hoàn thành “giấc mơ vàng” của mình. Một thuận lợi là trước khi SEA Games diễn ra, đội tuyển U22 sẽ đá vòng loại U23 châu Á vào tháng 3/2015. Đây cũng là một đấu trường quan trọng để những ngôi sao của U19 Việt Nam có thể xuất hiện trong màu áo U22 quốc gia. Nằm cùng bảng vòng loại với Nhật Bản, Malaysia, Macau, đội bóng trẻ của HLV Miura có nhiều cơ hội để giành 1 trong 15 tấm vé dự VCK vào đầu năm 2016 (tranh 3 suất dự Olympic 2016). Đây cũng là cơ hội để rèn giũa lực lượng cho SEA Games 28 với mục tiêu là tấm HCV.

Thử thách SEA Games 28

SEA Games 28 sẽ diễn ra từ 5 - 16/6 tại Singapore và có đến 34/36 môn thuộc hệ thi đấu của Olympic và Asiad. Với việc rất nhiều môn thế mạnh không được đưa vào chương trình, thể thao Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thử thách cho mục tiêu duy trì vị trí trong tốp 3. Những “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam như vật, karate, vovinam, cử tạ, cờ vua… đều không được tổ chức. Tại các kỳ SEA Games trước đây, thể thao Việt Nam thường giành được hơn 70 HCV. Tại SEA Games 27, Việt Nam giành được 73 HCV, trong đó riêng môn vật đã đóng góp đến 10 HCV, vovinam 7 HCV, karate 3 HCV, cờ vua 2 HCV, cử tạ 1 HCV…

Những thách thức tại SEA Games lần này cũng sẽ là cơ hội để thể thao Việt Nam tập trung hơn vào việc đầu tư những môn trọng điểm bởi năm 2015 cũng là thời điểm diễn ra các cuộc tranh tài tranh vé dự Olympic tại Rio De Janiero 2016.


Minh Đăng