03:00 16/03/2020

Niềm tin - Giữa một châu Âu bất an vì COVID-19

20 giờ tối, sau giờ làm việc như thường lệ, tôi rảo bước ra trung tâm hệ thống tàu điện để trở về nhà. Vắng lặng đến hoang mang, chưa bao giờ sự sống lại bất an và mong manh đến như thế trên nước Đức.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Một không khí bao trùm căng thẳng, đường phố vắng tanh, hồ như sự thoáng đãng mà sao tôi thấy ngột ngạt quá đỗi. Sự sống bị đảo lộn hoàn toàn trong mùa dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là có thật.

Hai làn xe ô tô tấp nập của ngày hôm qua biến đâu mất, không còn tiếng phanh gấp gìm bánh lái rít trên bề mặt đường nhựa, thoảng mới có chiếc xe lao vút đi trong ánh đèn điện vàng đục tối đêm. Hầu như các cửa hàng nhỏ và vừa trên đường phố đã đóng cửa hết, sự nghiêm túc thực thi phong tỏa các tiểu bang càng làm cho khung cảnh tối đêm thêm ma mị, hình như nó bị nhường sức sống bằng màu của ảm đạm, bất an.

Cảnh người nối người hối hả lên xuống ngược xuôi trên các ngả của phương tiện công cộng không còn nữa, sự phồn thịnh bị tê liệt ngay trong buổi sáng Thứ Sáu, ngày 13. Khi chính phủ thông báo đóng trường học và các trụ sở hành chính của thủ đô Berlin. Berlin, quê hương thứ hai của tôi chính thức thất thủ vì COVID-19.

Kỳ thực dịch bệnh COVID-19 được báo động toàn cầu, dịch bệnh được truyền thông phổ cập trong những diễn biến từng ngày, thế giới nói chung và người châu Á nói riêng dịch bệnh luôn là đề tài nóng của các giới bình luận, nó được truyền tải và lan tỏa thông tin rất nhanh trên báo trí.

Tất cả những người nước ngoài sống trên nước Đức, như tôi, đều trang bị cho mình một kiến thức cũng như ý thức cơ bản của dịch bệnh để phòng thân cho gia đình, cũng có thể phụ nữ Châu Á được giới hạn trong sự hướng nội hơn từ bà, từ mẹ, từ chị nên chúng tôi lan truyền nhau tích trữ những thứ cần thiết cho nhu cầu gia đình và con cái từ cả tháng nay, trong nỗi phập phồng lo sợ, bất an.

Chưa bao giờ tôi thấy những người sống quanh tôi đều sợ hãi mà không biết sợ điều gì trước, ai trong chúng ta đều lo lắng nhưng lại chẳng biết lo điều gì trước. Và người dân Đức thực sự hoảng loạn sau thông cáo của chính phủ, trên truyền thông, trên báo, trên sóng phát thanh ở Berlin.

Tất cả những người khách hàng hỏi tôi: "Cô có thể giải thích giúp tôi, tại sao giấy vệ sinh luôn ở tình trạng hết, không có để mà mua?" Trời đất ơi, họ thờ ơ trước thông tin để hiểu đúng về thể trạng khi nhiễm bệnh, họ vẫn chỉ tin rằng dịch COVID-19 là sự cảm cúm thông thường. Họ ngạc nhiên vô cùng khi tôi giải thích, cộng dồn cả tiêu chảy cùng với sốt cao khi nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Thế đấy, con trai tôi cũng không tin vào sự giải thích của mẹ, người Đức nói riêng, người châu Âu nói chung, họ chỉ chữa khi có bệnh mà không phòng và chống như Việt Nam. Và chỉ sau khi con trai tôi được bạn thân chia sẻ thông tin, con mới hốt hoảng.

9 giờ 23 phút đầu giờ sáng, con trai tôi đã gọi điện nói: "Bạn của con, mẹ bạn ấy làm ở sở y tế nói rằng cần phải mua thức ăn khô và đồ giữ trữ, ngay ngày mai của hàng có thể đóng cửa hoặc thứ hai mẹ nhé. Sáu tiểu bang trên nước Đức đóng cửa trường học, trụ sở hành chính, các nhà hàng, quán bar v.v... Mẹ nhớ nhìn kỹ hạn sử dụng dài ngày mẹ nhé".

Hai hôm trước con trai tôi còn quả quyết giải thích mẹ mua nhiều đồ không cần thiết như vậy đâu. Con trai tôi và người dân Đức vẫn tin vào nền y học Đức, tin vào các nhà khoa học đang nghiên cứu, bào chế thuốc chống virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp với các thủ hiến bang để tìm biện pháp đối phó với dịch bệnh COVID-19 ở Berlin, Đức, ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế đấy, một châu Âu chủ quan đến không tưởng, không khẩu trang, không cách ly người từ vùng dịch từ Italy trở về. Tất cả các đường biên được thông thương với nhau, trở thành mối họa không thể kiểm soát của Liên minh châu Âu.

Sự tự do đi lại lúc này là bất cập nhất, Đức hay nhiều nước châu Âu không hề khoanh vùng hay cách ly như ở Việt Nam và các nước đang làm. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt vì sự an toàn của người dân, điều đó quả thật rất hữu ích trong mùa dịch. Tính đến lúc này, thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, cho dù vẫn còn một vài cá nhân thiếu ý thức cộng đồng, bất chấp việc họ giao tiếp, đi lại nước ngoài như cơm bữa.

Thật buồn biết bao, khi sự sống của con người đang rất mong manh trước đại dịch, vậy mà vẫn có những người đầy ích kỷ, làm hoang mang cả một cộng đồng đang chung tay góp sức. Thói ích kỷ, gian dối kéo theo bao hệ lụy. Bao nhiêu công sức ngăn chặn dịch bệnh bị ném xuống sông biển.

Trong khi đó, nước Đức chưa có biện pháp nào cụ thể về phòng chống dịch bệnh, chính phủ chỉ khuyến cáo nên dự trữ lương thực cho nhiều ngày tiếp theo, tạo nên sự hỗn loạn mua bán. Tôi, một bà mẹ thời @, chinh chiến bao thăng trầm của cuộc đời, cũng thực sự hoang mang trước cuộc biến chống dịch bệnh COVID-19 với thông tin truyền miệng nhau từ tháng trước, đã âm thầm tích góp dự trữ đồ ăn lương thực.

Tất cả những người khách hàng của tôi đều một nỗi thắc mắc, dịch bệnh COVID-19 có từ 3 tháng trước tại sao Chính phủ Đức không chủ động phòng chống, để đến 7 ngày vỡ trận không kiểm soát được, thủ tướng mới thông cáo nước Đức có thể nhiễm bệnh đến 70% dân số. Tuyên bố ấy như một trái bom nguyên tử dội vào sự hùng mạnh của nước Đức, con chim sắt đầu đàn của châu Âu có thể “gãy cánh” bất kỳ lúc nào.

Tôi từng nhiều lần tuyệt vọng. Phiêu bạt xứ người, không tiền bạc, tùy thân chỉ 2 bộ quần áo, và bằng niềm tin tôi vẫn sống đến bây giờ. Tôi từng khóc như mưa, như trời sập khi bà luật sư già của tôi đột tử. Bà ra đi mang theo niềm hi vọng sau cùng 98% tôi sẽ thắng kiện trong một vụ vu oan. Nhưng chỉ cần niềm tin còn, tôi vẫn thấy mình tồn tại không gục ngã.

Nhiều lắm sự thất vọng song hành với niềm tin của tôi. Có lúc tôi mòn mỏi trong tuyệt vọng chờ đợi 2 năm vừa đi làm vừa lên sở ngoại kiều tại Đức xin cấp giấy phép được kinh doanh. Một buổi trưa mưa như thác trên con đường trở về nhà trong nỗi tuyệt vọng, khi xe ô tô dừng lại chờ đèn đỏ.

Cảm giác như không bóng người, chỉ duy nhất một người phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn không có hai chân, cô ấy điều khiển xe bằng hai cánh tay teo quắt vì dị tật. Tôi lặng người, dõi mắt theo mãi cái bóng có sức sống mãnh liệt đến phi thường ấy, cứ mờ dần mà khắc sâu đậm nét trong tâm khảm tôi một niềm tin bất diệt.

Niềm tin là thứ tuyệt đối, vạn năng nhất giữa lúc đại dịch thế giới bùng phát cùng sự chủ quan đến hoảng loạn của châu Âu.

Cầu nguyện cho người. Cho tôi. Cho tất cả chúng ta.

Niềm tin của tôi thắp sáng cùng niềm tin của bạn.

Trần Thảo Vi (Từ Berlin, Đức)