07:14 10/07/2025

Niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Lần đầu tiên, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng cao hơn 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là hơn 1.957,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Những kết quả trên đã cho thấy hiệu quả bước đầu của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời cũng phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua, như tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp; việc sửa 4 luật về đầu tư, 9 luật trong lĩnh vực tài chính; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân khởi nghiệp…, đã có những tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2025. Đây dấu hiệu tích cực, thể hiện sự thích nghi và niềm tin của doanh nghiệp đối với các chính sách phát triển kinh tế. Khi doanh nghiệp sẵn sàng tăng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, cũng đồng nghĩa họ đã nhìn thấy cơ hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Sự gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp thành lập mới là tín hiệu tích cực, phản ánh những động lực kinh tế nội tại đang từng bước được khơi thông. Nhiều lĩnh vực như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, dịch vụ, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đều ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Cùng với đó, các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát và giải ngân đầu tư công cũng đạt kết quả khả quan.

Chú thích ảnh
Sản xuất ô tô tại nhà máy Vinfast thuộc Tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup ở Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đặc biệt, Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã bắt đầu đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Tiếp đó là Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt là bước đi mang tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đủ mạnh thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đang chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Những kết quả nêu trên thật đáng khích lệ, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân ở nước ta có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị hạn chế. Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp lớn và vừa, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế; chưa có các dự án quy mô tầm cỡ, nhất là trong các lĩnh vực mới, có tính chủ đạo để tạo động lực bứt phá, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn nhiều hạn chế.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Với quan điểm phát triển đột phá, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về kỷ nguyên phát triển mới. Đây là áp lực rất lớn, nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có sự thay đổi lớn với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhất là rủi ro về “cuộc chiến thương mại” toàn cầu đang hiện hữu.

Để tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bứt phá như Nghị quyết 68/NQ-TW đã đề ra, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp hết sức quan trọng và cần sự vào cuộc khẩn trương mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với sự nỗ lực, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; cùng với đó, tăng cường giám sát việc các cấp, các ngành thực thi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục có những cải cách đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, an toàn, bình đẳng; xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả; có cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng… Đây là trợ lực hết sức quan trọng để doanh nghiệp bứt phá, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Yến Nhi