11:06 20/11/2013

Những vũ khí “độc” trong Thế chiến 2 (Tiếp theo và hết)

Khi nói về những khẩu đại bác, ắt hẳn phải nhắc tới hai “quái vật” khổng lồ cỡ nòng 800 mm của Đức Quốc xã - được xem là những khẩu đại bác lớn nhất thế giới cho đến nay.

Đại bác "quái vật"

 


Khi nói về những khẩu đại bác, ắt hẳn phải nhắc tới hai “quái vật” khổng lồ cỡ nòng 800 mm của Đức Quốc xã - được xem là những khẩu đại bác lớn nhất thế giới cho đến nay. Chúng lớn đến mức Đức Quốc xã phải cho vận chuyển từng bộ phận, lắp ráp lại và gắn trên một ụ súng chuẩn bị sẵn. Quá trình này đã phải cần tới gần 4.000 người tham gia. Đức Quốc xã đã bố trí hẳn một trung đoàn phòng không và lực lượng đặc biệt để bảo vệ những khẩu đại bác này khỏi máy bay “địch” và quân du kích.


Trong số 2 khẩu pháo được chế tạo, chỉ có khẩu Gustav được đưa vào hoạt động. Nó đã bắn 42 phát đạn trong chiến dịch vây hãm Sebastopol, và sức công phá của quả đạn khổng lồ nặng tới 4,8 tấn này đủ để hủy diệt một kho đạn ngầm với lớp đá bảo vệ dày tới 30 mét.


Quân Đức đã có kế hoạch trang bị đạn hỏa tiễn cho khẩu đại bác này để tăng tầm bắn của nó lên tới 145 km. Chuyên gia vũ khí Alexander Ludeke đã gọi những khẩu đại bác này là “kiệt tác về công nghệ” nhưng “về cơ bản là sự lãng phí vật liệu, chuyên môn kỹ thuật và nhân lực.”

 


Bom điều khiển Fritz X

 


Loại vũ khí mang tên “Fritz X” này là loại bom điều khiển vô tuyến phóng từ máy bay của quân Đức. Chức năng chính của nó là phá hủy tàu thuyền có lớp vỏ dày. Loại vũ khí này được dựa trên bom xuyên giáp SD 1400 tiêu chuẩn, tuy nhiên nó có đặc điểm khí động học vượt trội với 4 cánh nhỏ và phần đuôi. Để thả được quả bom này, phi công phải bay trực tiếp trên mục tiêu, khiến cho anh ta trở thành “miếng mồi ngon” cho hệ thống phòng không của đối phương.


Bom điều khiển Fritz X đã chứng tỏ là một loại vũ khí kinh hoàng đối với quân Đồng minh. Tháng 9/1943, quân Đức thả vài quả bom xuống tàu chiến Roma, đánh đắm con tàu này cùng với 1.455 thủy thủ trên boong. Fritz X cũng đã đánh chìm tàu tuần dương Spartan, tàu khu trục Janus, tàu quân y Newfoundland và gây thiệt hại cho nhiều tàu khác.


Quân Đức đã chế tạo hơn 2.000 quả bom Fritz-X, nhưng chỉ thả xuống 200 quả. Lý do là loại bom này không thể chuyển hướng đột ngột nên phi đội đánh bom thường bị thiệt hại nặng nề.


Bom bay điều khiển HS 293

 


Loại bom bay điều khiển vô tuyến này là thứ vũ khí dẫn đường hiệu quả nhất trong Chiến tranh thế giới thứ 2, khi nó đã phá hủy rất nhiều tàu khu trục và tàu buôn.


Sau khi được thả từ máy bay Đức, động cơ tên lửa của quả bom sẽ kích hoạt trong 10 giây, sau đó quả bom lướt nhanh như tên bắn tới mục tiêu.


Quả bom HS 293 còn được lắp đặt một đèn tín hiệu để phi công có thể dễ dàng quan sát cả ban đêm lẫn ban ngày. Loại bom này được triển khai lần đầu tiên vào tháng 8/1943 và đã đánh đắm tàu hộ tống Egret của Anh. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, phe Đồng minh đã tìm ra cách can thiệp vào tần số vô tuyến để ngăn chặn và giảm thiểu hiệu quả của bom bay điều khiển HS 293.

 

Tên lửa phòng không tầm ngắn

 


Đây là một trong những ý tưởng nghe rất hay về mặt lý thuyết nhưng lại tỏ ra tệ hại trong thực tiễn. Loại vũ khí do người Anh nghĩ ra này là một loại tên lửa phòng không tầm ngắn được gắn kèm với dây nhợ và dù nhằm tạo ra một bãi mìn trên không.


Khi những quả tên lửa này chầm chậm rơi xuống bằng dù, bất cứ máy bay nào bay qua khu vực đó sẽ có nguy cơ vướng vào sợi dây và kéo tên lửa về phía mình, gây ra một vụ nổ. Nhưng vấn đề ở chỗ chỉ cần hướng gió thay đổi là những quả tên lửa này có thể dạt về phía con tàu đã phóng chúng lên. Tuy vậy, loại vũ khí này vẫn được sử dụng rất rộng rãi trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ 2.


Mìn di động Goliath

 


Mìn di động Goliath, thường nặng khoảng 75 kg, là một phương tiện hủy diệt điều khiển từ xa của quân Đức, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1942. Mục tiêu của Goliath thường là xe tăng, đội hình bộ binh tập trung, cầu đường và các tòa nhà.


Những quả mìn di động Goliath được điều khiển hữu tuyến và sẽ phát nổ khi va chạm với mục tiêu. Khoảng 4.600 quả mình loại này đã được quân Đức chế tạo, trong đó có một phiên bản lớn hơn nặng gần 100 kg.


Tuy nhiên, thật không may cho quân Đức, những quả mìn di động này lại rất chậm chạp, khó điều khiển và tải trọng quá nhỏ. Ý tưởng của loại vũ khí này rõ ràng là đi trước thời đại, tuy nhiên công nghệ lại chưa đủ tân tiến để hoạt động hiệu quả như những robot ngày nay.


Công Thuận