05:10 07/05/2011

Những vấn nạn đáng báo động

Ngày nay, các phương tiện đa truyền thông như báo, đài phát thanh, truyền hình, điện thoại di động, Internet, game online... mang đến rất nhiều tiện ích cho con người.

Ngày nay, các phương tiện đa truyền thông như báo, đài phát thanh, truyền hình, điện thoại di động, Internet, game online... mang đến rất nhiều tiện ích cho con người. Nhưng bên cạnh đó, chúng cũng đem lại những tác động tiêu cực, nhất là đối với thanh, thiếu niên. Do vậy, muốn khai thác được tối đa những mặt tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện đa truyền thông, đòi hỏi bản thân người sử dụng phải nâng cao tính tự chủ của mình.

Bạo lực học đường; nhiều tội phạm là thanh, thiếu niên; nghiện Internet..., đây là những vấn nạn mà "nghi can" chính là các phương tiện truyền thông.

Bạo lực học đường

"Không phải vô cớ mà gần đây nhiều trào lưu mới của thanh, thiếu niên đã bùng nổ và gây xôn xao cho toàn xã hội như trào lưu quay phim cảnh bạo lực, trào lưu khoe thân thể, bạo lực học đường… Đó là hệ quả của việc thanh, thiếu niên bị tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng về cơ bản, các phương tiện truyền thông có vai trò là tác nhân quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ", bà Nguyễn Thị Lê Uyên, Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hằng Phương, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện, cho biết: “Qua tiếp xúc với các cán bộ và các em học sinh ở trường giáo dưỡng trong những đợt đi công tác, tôi nhận thấy nhiều em trong số học sinh khi đưa vào các trường đều có một hoặc nhiều hành vi trộm cắp, đánh đập người khác, thậm chí cưỡng hiếp, giết người. Khi trò chuyện, một em cho biết: “Nhiều lúc em cũng không hiểu vì sao làm như vậy, cảm giác đánh nhau cứ như trong phim và em thích có được những hành động “đẹp mắt” như các diễn viên...”.

Game online lôi cuốn một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên (chụp tại một cửa hàng trong khu vực Đại học Bách khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Nhiều đề tài nghiên cứu về hiện tượng bạo lực ở thanh, thiếu niên đã chứng minh, nếu một nhóm trẻ được xem chương trình ti vi có bạo lực cũng sẽ dẫn tới những hành vi tương tự như trên phim. Những đứa trẻ vừa xem phim bạo lực sẽ có hành vi mạnh mẽ, lấn át các trẻ khác hơn so với những trẻ không xem phim bạo lực. Các trẻ này có xu hướng tái tạo lại hình ảnh mà chúng quan sát được khi xem phim trong khi chơi với bạn. Thậm chí có những đứa trẻ nhút nhát nhưng sau khi xem phim thì hành vi gây hấn còn mạnh mẽ hơn những trẻ năng động.

Ngoài phương tiện thông tin giải trí đa chiều như ti vi, việc thường xuyên nhìn thấy hình ảnh bạo lực từ các trò chơi trực tuyến trên Internet cũng vô tình cung cấp cho giới trẻ niềm tin về việc có thể giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều em còn có ý tưởng nếu mình là thủ lĩnh, mình là người có uy quyền thì khả năng giải quyết mọi việc càng nhanh chóng. Vì thế, các em càng muốn khẳng định mình là “đại ca”, là “bậc đàn anh, đàn chị”… Ngược lại, khi tiếp xúc với nhiều hình ảnh bạo lực cũng gây cho các em cảm giác không an toàn, bất cứ khi nào ra đường cũng phải cảnh giác và những điều nho nhỏ cũng có thể là mối họa mà các em cần phản ứng trước để phòng trừ. Cũng có thể vì vậy mà nhiều vụ án mạng xảy ra đôi khi chỉ vì cảm giác “bị nhìn đểu”.

Nghiện Internet

Theo nhà tâm lý lâm sàng Lê Minh Công, BV Tâm thần TƯ II, Đồng Nai: "Internet ngày càng tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề của cuộc sống con người. Kết quả từ nhiều nghiên cứu đã cho thấy Internet liên quan đến một số rối loạn cả về cơ thể lẫn tâm thần của người sử dụng, làm thay đổi tiêu cực đến các mối quan hệ trong cuộc sống gia đình, học tập, công việc... Việc sử dụng Internet thường xuyên với các chức năng chat room và xem các website "người lớn" còn tạo cho một bộ phận thanh, thiếu niên có những nhận thức sai lệch về giới, hành vi tình dục và các mối quan hệ".

Thời gian qua, BS Công và đồng nghiệp của mình đã điều trị cho không ít bệnh nhân sa sút cảm xúc, thay đổi lối sống và có những vấn đề về giới tính do nghiện Internet. Bệnh nhân gần nhất mà nhà tâm lý Công điều trị là nữ sinh Q.A, học cấp 3 tại TP Biên Hòa. Lý do mà Q.A được cha mẹ đưa đến tham vấn tâm lý là tình trạng thay đổi về hành vi giới tính của em. Trước đây Q.A là một cô gái bình thường, sống vui vẻ, hòa đồng nhưng gần đây lại ăn mặc như con trai, có xu hướng hung tính, cáu gắt...

“Trao đổi với Q.A cho thấy, bắt đầu từ khi học lớp 10, em thường xuyên sử dụng Internet, khoảng 6-8giờ/ngày. Đặc biệt, cách đây 1 năm, Q.A tham gia các phòng chat room trên Internet và làm quen với một số bạn gái đồng tính từ TP.HCM. Việc offline xảy ra thường xuyên, ban đầu chỉ là đi uống cà phê, đi chơi. Dần dần, các em cặp thành các đôi và chia sẻ cảm xúc với nhau như những cặp yêu nhau thực sự”, BS Công chia sẻ.

Q.A còn cho biết, đã từng có những hành vi biểu lộ tình cảm với người bạn gái kia như hôn, ve vãn... và những hành vi này đều mang lại cảm xúc. Chính vì điều đó mà em đang rất băn khoăn rằng không biết mình có phải là người ở “giới tính thứ 3” hay không? Nhưng qua khai thác tiền sử cho thấy rằng em phát triển bình thường từ nhỏ đến lớn và chỉ gần đây mới có những biểu hiện bất thường như trên.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị nam và nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần TW (Hà Nội) cũng cho biết, nghiện Internet khiến không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái hoang tưởng, nghĩ và hành động như nhân vật trong thế giới ảo ngay trong thế giới hiện tại. Đau lòng nhất là vì quá đam mê game sex nên đã xảy ra tình trạng loạn luân giữa anh và em ruột trong gia đình.

Điều đáng nói là những ví dụ nêu trên chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân mà các nhà tâm lý đã và đang tìm cách điều trị. Và rõ ràng, truyền hình, game online, Internet đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành vi và nhận dạng giới của một bộ phận thanh, thiếu niên. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, vì giới trẻ vốn có ít kinh nghiệm sống, ý thức cá nhân của các em còn đang trong quá trình trau dồi bởi gia đình và nhà trường nên sẽ gặp nhiều thách thức khi tiếp nhận nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông. Nếu các em không được định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức thì sẽ dễ dàng mất tự chủ hoặc tự chủ không tích cực trước một thế giới thông tin ngày càng đa dạng, phong phú.

Phương Liên