12:19 03/12/2014

Những vấn đề làm 'nóng' Bắc Cực

Trong vài năm lại đây, Bắc Cực đã nổi lên như một vấn đề nóng bỏng do sự cần thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho khu vực. Bắc Cực không phải là "một vùng trắng" về luật pháp.

Trong thập kỷ qua, một loạt sự kiện quan trọng đã định hình tương lai của Bắc Cực. Đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra sự chú ý mới của quốc tế đối với các vấn đề của khu vực này.

Thứ nhất, việc Mỹ công bố các báo cáo khảo sát địa chất hồi năm 2008 đã cho thấy sự đánh giá lại tiềm năng về năng lượng của Bắc Cực. Các ước tính về những nguồn tài nguyên chưa được khai thác trong khu vực đã được các phương tiện truyền thông quốc tế thổi phồng, làm dấy lên một loạt kế hoạch và dự án đầu tư mới ở khu vực vẫn chưa được khảo sát kỹ lưỡng.

Thứ hai, các dữ liệu liên quan đến biến đổi khí hậu và sự suy giảm chỏm băng mùa hè đã "đóng góp" vào nhận thức cho rằng Bắc Cực sẽ nhanh chóng biến thành một đại dương có thể đi lại được, mở ra những khả năng cho tàu bè đi xuyên Bắc Cực.

Một đội tàu Nga hướng về Bắc Cực năm 2013.


Theo Ủy ban Nghiên cứu Bắc Cực của Mỹ, chỏm băng của Bắc Băng Dương đã tụt xuống mức thấp nhất vào năm 2012, kể từ khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) lần đầu tiên quan sát nó vào năm 1979. Tính đến tháng 9/2012, 40% băng biển ở miền Trung Bắc Băng Dương đã tan chảy, mở ra những tuyến hàng hải nối liền Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.

Cuối cùng, Bắc Cực cũng phải đối mặt với những áp lực gia tăng về chính trị. Ví dụ, trong chuyến thám hiểm Bắc Cực vào năm 2007, nhà thám hiểm Nga Chilingarov đã cắm một lá cờ Nga trên thềm lục địa thuộc Bắc Cực, một cử chỉ được nhiều người coi là một mối đe dọa đối với chủ quyền của các quốc gia Bắc Cực khác, từ đó làm bùng nổ một "cuộc đua toàn cầu tới Bắc Cực".

Trong vài năm lại đây, Bắc Cực đã nổi lên như một vấn đề nóng bỏng do sự cần thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho khu vực. Bắc Cực không phải là "một vùng trắng" về luật pháp.

Những quy định trong Luật Biển được áp dụng đối với cả vùng biển Bắc Cực, bởi chúng được xác định cho mọi môi trường biển. Điều này cũng đúng đối với các vùng biển bị băng bao phủ nhưng đã tan chảy. Cuối cùng, ranh giới chủ quyền quốc gia trên biển được quy định bởi khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tranh chấp liên quan đến ranh giới và chủ quyền đã hoặc đang được giải quyết bởi các quốc gia Bắc Cực, theo tinh thần tập thể. Những khoảng trống trong các văn bản pháp luật và trong việc thực hiện ở các cấp độ thấp là thách thức thực sự đối với việc quản lý châu lục này.

Trong năm 2014 đã xảy ra một loạt sự cố chưa từng có giữa các quốc gia Bắc Cực. Đặc biệt, Nga - một quốc gia lớn ở Bắc Cực - và các nước phương Tây, trong đó có các nước Bắc Cực khác, đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quan hệ do hệ quả của các sự kiện ở Ukraine. Bất chấp những căng thẳng này, các quốc gia đã có thái độ tích cực để duy trì các cuộc đối thoại về Bắc Cực.

Băng biển suy giảm đồng nghĩa với sự gia tăng các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí, vận chuyển hàng hải... Trong khi biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến nhiều khu vực trên thế giới thì với Bắc Cực, tình trạng này lại mở ra những cơ hội mới về kinh tế. Vì thế, trong những thách thức đặt ra có việc ứng phó với những thay đổi và biến chúng thành cơ hội cho cả thế hệ hiện nay lẫn các thế hệ mai sau.


Minh Đức (Theo mạng tin "Quan hệ Quốc tế và An ninh")