01:12 02/01/2018

Những vấn đề khiến 'chảo lửa' Trung Đông năm 2018 vẫn nóng

Dù tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại nhưng Trung Đông vẫn đối mặt với nhiều mối đe dọa trong năm 2018.

Chiến dịch chống tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng đang dần đi đến hồi kết trong khi cuộc xung đột tại Syria đã giảm leo thang căng thẳng. Trung Đông hiện đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ chiến tranh sang xử lý hậu quả xung đột.

Trong khi đó, hai quốc gia “không ưa nhau ra mặt” là Iran và Saudi Arabia đều bước sang năm mới với luồng gió đổi thay. Ảnh hưởng của Iran trong khu vực tiếp tục tăng đồng thời thỏa thuận hạt nhân của quốc gia này với phương Tây vẫn được duy trì. Về phần Saudi Arabia, một lãnh đạo trẻ mới được dự đoán sẽ mang lại cải cách tại quê nhà.

Một người đàn ông tại địa điểm bị tàn phá ở Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters

Ai Cập, quốc gia từng là tâm điểm chú ý sau các cuộc biểu tình và vụ lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, được đánh giá đã đi vào quỹ đạo ổn định, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng và du lịch phục hồi. Trong cuộc bầu cử năm 2018, Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi có khả năng sẽ giành ưu thế.

Tuy nhiên, vẫn có những ngọn lửa khác đang âm ỉ tại Trung Đông, đó là Libya đang nghiêng theo chiều hướng hỗn loạn, trong khi chiến tranh tại Yemen chuyển thành khủng hoảng nhân đạo.

Dưới đây, hãng thông tấn AP đã nêu viễn cảnh có thể xảy ra trong năm 2018 tại những điểm nóng ở "chảo lửa" Trung Đông.

Mặt trận Syria yên tĩnh?

Cuộc chiến tại Syria dường như đang đi đến hồi kết, quân đội ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã kiểm soát những khu vực then chốt. Trong khi đó, IS đã bị đánh bật khỏi các khu vực chúng xâm chiếm trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, thương vong vẫn có thể xảy ra nếu có tranh chấp tại khu vực lực lượng nổi dậy tại Syria chiếm đóng như tỉnh Idlib…

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chung tay vun đắp đã có nhiều ảnh hưởng, góp phần giảm thiểu “tin xấu” xảy ra tại Syria.

Tuy nhiên, hậu quả từ nhiều năm xung đột không yên tại Syria vẫn là khá lớn với gần nửa triệu người thiệt mạng, hàng chục ngàn người mất tích…

Nỗi thấp thỏm ở Iraq


Cuộc chiến chống lại IS được cho đã kết thúc tại Iraq sau 4 năm biến động. Các chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu diễn ra căng thẳng và gây ảnh hưởng nhiều đến Fallujah, Ramadi, Hawija, Tal Afar và Mosul. Hơn hơn 70% diện tích Ramadi đã bị tàn phá. Câu hỏi quan trọng là liệu Iraq có thể tái thiết lại trong năm 2018 hay không. Chính phủ Iraq khi đó cần nắm trong tay 100 tỉ USD và chưa rõ phía nào sẽ đứng lên giúp đỡ.

Những căn nhà đổ nát tại Ramadi. Ảnh: Reuters

Trong khi có gần 2,7 triệu người dân Iraq đã quay trở về quê nhà tại những nơi IS từng chiếm đóng thì hơn 3 triệu người khác lại không may mắn như vậy, trong đó có 600.000 người dân Mosul.

Trọng tâm của vấn đề vẫn là sự chia rẽ giáo phái, không chỉ xảy ra tại Iraq mà còn cả ở Syria, Lebanon và nhiều quốc gia khác tại Trung Đông. Những khu vực bị tàn phá nặng nề tại Iraq đều có phần đông dân số là người Hồi giáo theo dòng Sunni trong khi phần lớn thành viên chính phủ lại là người theo dòng Shiite. Do vậy, nếu nỗ lực tái thiết thất bại, người Sunni tại những khu vực này có thể bất bình và phản kháng.

Hai cực đối lập tại Saudi Arabia

Hầu hết những vương triều tại Trung Đông, từ Morocco tới Jordan, đều bị ảnh hưởng bởi Mùa xuân Arab. Tuy nhiên, hoàng gia Saudi Arabia lại có vẻ vẫn vững chắc sau phong trào này.

Nhưng luồng gió thay đổi đang được thổi tới, và nhân vật tiên phong là vị Thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman – người được cho sẽ kế vị ngai vàng từ phụ thân là Quốc vương Salman trong năm 2018. Thái tử Mohammed bin Salman là nhà thiết kế của những “cái đầu tiên” tại Saudi Arabia trong năm qua như phụ nữ được phép lái xe, mở rạp chiếu phim…

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: AFP

Trong năm 2017, hoàng gia Saudi Arabia đã xảy ra biến động lớn khi hơn 17 hoàng tử và các quan chức Saudi Arabia bị bắt với cáo buộc tham nhũng. Cơ quan tiến hành động thái gây sốc trên là Ủy ban chống tham nhũng mới thành lập do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu.

Tờ Guardian (Anh) cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman - người được phong phong tước vào ngày 21/6 - đang thể hiện ý chí sẵn sàng đối đầu với các nhân vật quyền lực nhất tại Saudi Arabia để tiến hành cải cách. Thái tử Mohammed bin Salman đã khẳng định quyết tâm loại trừ tham nhũng làm tiền đề cho nền kinh tế cởi mở hơn.

Thỏa thuận nào cho Israel và Palestine?

Có nhiều ý kiến tại Palestine đang đề xuất loại bỏ giải pháp 2 nhà nước và thay vào đó là yêu cầu về quyền bình đẳng.

AP lại cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách đạt được các thỏa thuận từng phần, theo đó một nhà nước Palestine sẽ chỉ sở hữu những lãnh thổ họ mong muốn trong khi Jerusalem sẽ để dành lại cho các cuộc thương thuyết sau đó. Mỹ có thể mong nhận được sự ủng hộ từ Saudi Arabia hoặc Ai Cập để gây áp lực Palestine liên quan đến vấn đề này.

Trong khi đó, tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải đối mặt với cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng có thể dẫn tới hậu quả chính trị gia này bị phết truất. Trong trường hợp này, người kế nhiệm ông Netanyahu có thể là cá nhân không cảm tình với Palestine hoặc là người thuộc phái trung tả có thể mở ra nhiều cơ hội mới.

Hà Linh/Báo Tin tức