05:22 20/05/2014

Những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông-Kỳ cuối: Các thủ đoạn chính

Những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc: Tuyên truyền tạo dựng hành lang pháp lý; ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế của nước khác; thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của nước khác; hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam; chiếm bãi cạn trong trường hợp không có người chốt giữ...

Có thể tóm gọn những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc như sau: Đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng hành lang pháp lý với quốc tế; đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của các nước trong khu vực; đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống; thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của Việt Nam và một số nước khác có tranh chấp; hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam; chiếm bãi cạn trong trường hợp không có người chốt giữ và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.

Tạo ra sự mơ hồ pháp lý

Năm 2009, Malaysia và Việt Nam thống nhất nộp lên Liên hợp quốc một thỏa thuận chung về giới hạn thềm lục địa tại Biển Đông mà hai nước đã đạt được theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Ngay ngày hôm sau Trung Quốc tuyên bố không công nhận thỏa thuận chung trên và đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn” hay còn gọi là "đường lưỡi bò" chiếm gần 80% diện tích Biển Đông. Trung Quốc đã chấp nhận sự mơ hồ như một trụ cột quan trọng trong chiến lược pháp lý của mình.

Đây là một sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia bị ràng buộc bởi nguyên tắc "đất thống trị biển”. Phù hợp với nguyên tắc này, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép các quốc gia kiểm soát vùng biển mở rộng theo một khoảng cách nhất định từ lãnh thổ có chủ quyền của họ. Dù diễn giải UNCLOS dưới bất cứ hình thức nào, Bắc Kinh không có quyền kiểm soát phần lớn vùng nước được bao bọc bởi “đường 9 đoạn”.

Bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc.


Đặc biệt là tại Mỹ, rất nhiều nhà bình luận đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về tuyên bố trên. Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức làm rõ vấn đề này. Việc từ chối như vậy là rất đáng lưu ý khi mà gần như tất cả các nhà bình luận về vấn đề Biển Đông, trong đó có cả một số học giả Trung Quốc, đã thúc giục Trung Quốc làm rõ khiếu nại pháp lý không rõ ràng của mình. Cụ thể, Giáo sư Trương Kỷ Phạm – Học viện Pháp luật Đại học Bắc Kinh nói: “Chúng ta vẽ đường 9 đoạn mà không có một kinh độ, vĩ độ cụ thể nào, không có căn cứ pháp luật, đường 9 đoạn chiếm hơn 80% Biển Đông là do Trung Quốc tự đặt ra”. Lý Lệnh Hoa – nhà nghiên cứu của Trung Quốc, Trung tâm tin tức Hải dương học Trung Quốc thì trình bày trong một cuộc hội thảo về Biển Đông: “Là con người phải biết giữ tình người, chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người không chỉ biết yêu bản thân mình mà nhất định phải tính cả những lợi ích của người khác”.

Chính phủ Trung Quốc đã cố tình áp dụng chính sách mơ hồ về phạm vi tuyên bố của mình. Sự “mơ hồ pháp lý" này chỉ là một phần của chiến lược trì hoãn lớn hơn của Trung Quốc. “Đường 9 đoạn” tạo ra không gian pháp lý cho cách giải thích mở rộng về các yêu sách của Trung Quốc trong tương lai, nhằm duy trì tính linh hoạt trong thời gian dài trong khi tránh được những tổn thất ngắn hạn về các tuyên bố không thực tế của họ.

Theo đó, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách tránh thúc đẩy COC, trong khi cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp “hòa bình”. Trên thực tế, Bắc Kinh đã không ngừng ủng hộ cho một chính sách "cùng phát triển", nhằm trì hoãn giải quyết các tranh chấp chủ quyền cho đến khi điều kiện "chín muồi". Nghĩa là, Bắc Kinh có thể khai thác nguồn tài nguyên Biển Đông, trong khi vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền của mình.

Những thủ đoạn chủ yếu

Một chiến thuật khác mà Bắc Kinh đang áp dụng đó là yêu cầu giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Với chiến thuật “khôn lỏi” này, một mặt, Trung Quốc muốn tạo áp lực và chiếm ưu thế áp đảo trong đàm phán khi chia nhỏ được "bó đũa". Mặt khác, quan trọng hơn, nó cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốc độ đàm phán. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tiếp tục mở rộng và tăng cường khả năng hải quân của mình nhằm mục đích răn đe, tạo ra "hai gọng kìm" của Trung Quốc: tăng cường các lực lượng hải giám và kiểm soát hiệu quả những nơi đã chiếm được; vươn xa hơn để khẳng định "đường 9 đoạn" và kích động sai lầm của những nước khác.

Tuy nhiên, do Bắc Kinh không đủ khả năng kiểm soát và thực thi luật pháp của họ trên một vùng biển đang tranh chấp lớn như vậy nên chỉ chứng tỏ chủ quyền một cách biểu tượng. Tháng 1/2014, một tàu đổ bộ tấn công và 2 tàu khu trục Trung Quốc đã tuần tra bãi chìm James (cực Nam của "đường 9 đoạn"), cách Malaysia 80km, và tổ chức một buổi lễ thề bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một bãi đá chìm hoàn toàn dưới biển nên nó khiến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trở nên nực cười và chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng ngoài việc gửi một thông điệp tới khu vực, Bắc Kinh dường như đang thực hiện những hành động tương tự với hy vọng có thể khiến các nước có cùng tuyên bố chủ quyền có những hành động sai lầm, từ đó làm lợi cho Bắc Kinh, như những gì đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham; Philippines gọi là Panatag) hồi tháng 4/2012 và việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hồi tháng 9/2012.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái) đeo bám, ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam tại khu vực Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: TTXVN


Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tìm cách "né tránh" luật pháp quốc tế bằng việc tăng cường sự kiểm soát hiệu quả và từng bước thay đổi thực trạng. Cuối cùng, Bắc Kinh cho rằng các nước cùng tuyên bố chủ quyền sẽ buộc phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc. Từ nay cho đến lúc đó, sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với sự bất hợp pháp trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là ít có tác dụng. Một khi Bắc Kinh vẫn từ chối trọng tài, tránh các tòa án quốc tế và xâm lược một cách thẳng thừng, dường như họ sẽ giành chiến thắng cuối cùng trong một "canh bạc kéo dài".

Như vậy, có thể tóm gọn những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc như sau: Một là họ đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng hành lang pháp lý với quốc tế. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thứ ba là ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của các nước trong khu vực. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống. Thứ năm, thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của Việt Nam và một số nước khác có tranh chấp. Thứ sáu, hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam. Thứ bảy là chiếm bãi cạn trong trường hợp không có người chốt giữ. Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.

Dường như các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thức tỉnh trước nguy cơ này. Trong những tuần gần đây, Malaysia có vẻ xích lại gần hơn với các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Indonesia cũng đã lên án tuyên bố “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh. Philippines thì đưa vấn đề Scarborough ra tòa án trọng tài quốc tế, khuyến khích các nước láng giềng cùng "vạch trần" chính sách của Bắc Kinh: vừa né tránh luật pháp quốc tế, vừa thay đổi thực tế trên thực địa.

Trung Quốc vẫn ở trong giai đoạn cơ hội chiến lược, không thể tùy tiện phát động chiến tranh. Chính phủ Trung Quốc cần phải thay đổi quan niệm, chấp nhận tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng, đồng thời học hỏi tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, nhận thức lại chính xác các vấn đề do lịch sử để lại. Việc giữ bình tĩnh, vận dụng trí tuệ, sự khôn ngoan, tìm kiếm phương thức văn minh hơn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mới là lối thoát duy nhất hiện nay đối với Trung Quốc.

Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình nhưng quyết tâm mang toàn bộ sức mạnh của dân tộc để bảo vệ toàn bộ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không bao giờ để mất chủ quyền và quyền chủ quyền, trong khi kiên trì ưu tiên môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Xem Kỳ 1 "Mâu thuẫn chiến lược" tại đây

Công Thuận