05:14 20/05/2014

Những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông-Kỳ 1

Thay vì tìm cách để thiết lập một “bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông" (COC), Bắc Kinh đã lảng tránh và thực hiện chiến lược trì hoãn. Mục đích của chiến lược này là nhằm dần mở rộng quyền kiểm soát của mình và kéo dài chuỗi tăng trưởng, đồng thời duy trì sự linh hoạt tối đa cho tương lai.

Mâu thuẫn chiến lược

Tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng cao độ sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trang mạng Stratfor của Mỹ nhận định rằng, dựa vào công nghệ để tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển là chiến lược mà Trung Quốc sẽ sử dụng để mở rộng biên giới biển, vì điều này cho phép Bắc Kinh uy hiếp và làm suy yếu yêu sách của các bên mà không gây ra những xung đột về mặt quân sự.


Nhiều thế kỷ trước, ngư dân Trung Quốc gọi các đảo ở Biển Đông là "những bãi đá ma" - ám chỉ đến những chiếc tàu không may mắn bị va vào các bãi đá ngầm này. Tuy nhiên, ngày nay, Biển Đông là nơi tập trung của rất nhiều vấn đề. Nhưng trong 6 thập kỷ qua, Biển Đông là tâm điểm của dòng xoáy địa chính trị trong khu vực.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

Trước thế kỷ 17, Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là hai quần đảo không có chủ. Đầu thế kỷ 17 thì chúa Nguyễn cử một đội ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản và đi tìm hải sản ở trong các tàu biển bị đánh chìm mang về dâng nộp triều đình. Giữa thế kỷ 17, chúa Nguyễn tiếp tục phái thêm một đội ra Trường Sa. Như vậy có thể khẳng định rằng từ đầu thế kỷ 17 đến về sau này, các quần đảo trên là do các triều đại phong kiến đình nhà Nguyễn của Việt Nam quản lý. Sau này, người Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 thì người Pháp ra tiếp nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng từ tay triều đại nhà Nguyễn.

Tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" thời nhà Thanh cho thấy cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến hết đảo Hải Nam.


Các hoạt động của nhà Nguyễn ở tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ lưu trong tài liệu của nhà Nguyễn mà hiện nay đã lưu ở trong tài liệu Viện bảo tàng Hoàng Gia của nước Anh. Thời đó tất cả các vua chúa, các tàu thuyền của nhà nước Đại Thanh đi qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng phải đóng thuế cho triều đại nhà Nguyễn. Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được trao cho Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam ngày 25/7/2012 càng khẳng định điều đó. Đây là tấm bản đồ do nhà nước Đại Thanh xuất bản năm 1904 tại Bắc Kinh và tái bản tại Thượng Hải năm 1910, khẳng định rằng đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc.

Biển Đông được cho là có nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên đáng kể và quốc gia nào kiểm soát các đảo và rạn san hô sẽ có quyền khai thác hydrocarbon và nguồn thủy hải sản ở các vùng nước xung quanh chúng. Biển Đông có bốn nhóm đảo chính: Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền); Quần đảo Pratas (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng Đài Loan hiện đang chiếm giữ); Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền; Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố một phần chủ quyền); và rạn san hô Macclesfield Bank/Scarborough Reef hiện chưa có ai kiểm soát nhưng nhiều bên tuyên bố chủ quyền). Vấn đề là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được đưa ra dựa trên cái gọi là "bản đồ đường chín đoạn”, trong khi tính pháp lý của “đường chín đoạn” này hoàn toàn không rõ ràng, không có căn cứ và không có bên tranh chấp liên quan nào thừa nhận nó.

Trong số các bên tuyên bố trên, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất và tuyên bố chủ quyền rộng lớn nhất. Tuy nhiên, chiến lược của Bắc Kinh cũng phức tạp nhất, thể hiện qua việc Bắc Kinh tuyên bố mong muốn duy trì hòa bình và ổn định khu vực để phát triển kinh tế nhưng trên thực tế lại thúc đẩy yêu sách bành trướng, kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.

Tham vọng này dẫn đến việc Trung Quốc luôn muốn trì hoãn đưa ra các giải pháp để giải quyết các tranh chấp, cụ thể là trì hoãn việc thúc đẩy một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Chiến lược trên cũng là con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh. Các nước trong khu vực cũng đã nhận ra ý đồ của Trung Quốc, vì vậy họ đã tìm cách chống lại. Mặc dù vậy Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng như việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến cho các bên phải thay đổi tính toán mình.

Xung đột lợi ích của Trung Quốc

Để hiểu rõ sự mân thuẫn trong chiến lược của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, chúng ta nên xem xét những lợi ích chiến lược xung đột của nước này. Một mặt, Trung Quốc muốn tìm cách kéo dài chuỗi tăng trưởng như trong vài thập kỷ qua của mình. Số liệu thống kê cho thấy: nền kinh tế của quốc gia này đã bùng nổ với tốc độ trung bình hàng năm gần 10% trong vòng 35 năm qua, mới đây đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới tiếp tục biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN


Để tiếp tục phát triển, Trung Quốc cần một môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng họ muốn "trỗi dậy hòa bình" hay "phát triển hòa bình".  Trong ngắn hạn, Trung Quốc đã cố gắng là một hình mẫu của khu vực, tất cả nhằm phục vụ cho tham vọng kinh tế.

Nhưng trong khi những tham vọng dài hạn mách bảo cần phải kiềm chế, thì mục tiêu trước mắt là độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh luôn trỗi dậy. Hiện Trung Quốc đang có sự quan tâm rất lớn đối với nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông. Biển Đông này có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 và nếu nói về nguồn lợi thì Biển Đông có thể xét về 3 lĩnh vực. Một là giao thông, hai là kinh tế và ba là quốc phòng an ninh. Biển Đông là biển lớn thứ tư trên thế giới. Về giao thông là biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới sau Địa Trung Hải. Mỗi ngày có 200 đến 300 lượt tàu khoảng 5000 tấn trở lên hoạt động. Về kinh tế thì 90% Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương đều phải tiếp tế hậu cần kỹ thuật qua Biển Đông, 70% các loại hàng hóa của Nhật Bản được chuyên chở qua Biển Đông, và 70% đến 80% hàng hóa của Trung Quốc đi qua vùng biển này. Do đó, Biển Đông có giá trị về mặt giao thông và kinh tế rất lớn.

Theo đánh giá của Mỹ, Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ 50 tỷ tấn, chiếm 19% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Về quốc phòng an ninh, toàn bộ hoạt động của khu vực của Mỹ ở Thái Bình Dương này là phải tùy thuộc vào Biển Đông. Đặc biệt đối với Trung Quốc, Biển Đông nằm trong chiến lược "một trục hai cánh", trục là Bắc - Nam tức là Bắc đến Nam, và cánh cửa đông là Thái Bình Dương, và cửa tây là Ấn Độ Dương. Trung Quốc có thể chưa có chiến lược toàn cầu nhưng đang có chiến lược một trục hai cánh. Ngoài ra, khu vực Biển Đông có Philippines và Thái Lan, hai quốc gia đều nằm trong liên minh quân sự song phương với Mỹ, và là nơi tranh chấp rất quyết liệt của rất nhiều lực lượng ảnh hưởng đến khu vực này.

Do đó, các vùng biển liền kề được Bắc Kinh coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh của họ. Trung Quốc là cường quốc thương mại biển, với hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu bằng đường biển. Không bằng lòng với tình hình hiện nay khi tuyến đường cung cấp dầu từ Trung Đông có thể bị một đối thủ nào đó làm gián đoạn, Bắc Kinh muốn nắm quyền kiểm soát thượng phong ở vùng nước xung quanh các đảo.

Vì vậy, thay vì tìm cách để thiết lập một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) trên Biển Đông, Bắc Kinh đã lảng tránh và thực hiện chiến lược trì hoãn. Mục đích của chiến lược này là nhằm dần mở rộng quyền kiểm soát của mình và kéo dài chuỗi tăng trưởng, đồng thời duy trì sự linh hoạt tối đa cho tương lai.


Công Thuận (còn tiếp)

Xem Kỳ cuối: "Các thủ đoạn chính"
tại đây