11:07 04/11/2013

Những tiết lộ mới về vụ ám sát Kennedy - Kỳ 1

50 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra sự kiện Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát... song những nghi vấn về một âm mưu đã được lên kế hoạch từ trước xung quanh cái chết của vị tổng thống thứ 35 của Mỹ vẫn thôi thúc các nhà điều tra độc lập theo đuổi vụ việc đến cùng.

50 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra sự kiện Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Cho dù những cuộc điều tra chính thức đã khép lại từ lâu và kẻ thủ ác “duy nhất và hành động một mình” được xác định ngay sau đó là Lee Harvey Oswald, song những nghi vấn về một âm mưu đã được lên kế hoạch từ trước xung quanh cái chết của vị tổng thống thứ 35 của Mỹ vẫn thôi thúc các nhà điều tra độc lập theo đuổi vụ việc đến cùng. Mới đây, nhà văn - nhà báo nổi tiếng Anthony Summers, người đã dành nhiều năm để tự điều tra về vụ án này, đã đưa ra những bằng chứng mới để giải đáp ẩn số xung quanh cái chết của Kennedy…

 

Kỳ 1: Hé lộ danh tính tay súng thứ hai


Trong bản cập nhật mới đây của cuốn sách về vụ ám sát Kennedy dưới tựa đề “Not in your lifetime”, tác giả Anthony Summers đã đưa ra một loạt những bằng chứng mới mà ông thu thập được trong quá trình điều tra vụ ám sát, theo đó phát súng thứ ba cướp đi sinh mạng của Tổng thống Kennedy vào ngày định mệnh 22/11/1960 không phải do Lee Harvey Oswald thực hiện, mà do một sát thủ người Cuba có tên là Herminio Diaz siết cò.

 

Herminio Diaz.


Theo tài liệu do tác giả tiết lộ, Diaz là một tên giết người thuê từng nhiều năm làm việc cho trùm mafia khét tiếng Santo Trafficante Jr. tại Cuba trong thời kỳ chế độ độc tài Fulgencio Batista nắm quyền tại quốc đảo này trước năm 1959. Cho tới trước khi tham gia vào vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Diaz đã từng thực hiện hơn 20 vụ sát hại các chính khách tại cả Cuba và Mỹ. Tên này cũng được xác định là có mối quan hệ mật thiết với các nhóm mafia gốc Cuba tại Mỹ và với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).


Diaz đến Mỹ vào khoảng giữa năm 1963, chỉ ít tháng trước khi xảy ra vụ ám sát Kennedy và trong thời gian đó, tên này đã tham gia tích cực vào phong trào “chống Castro”. Tác giả Summers khẳng định, rất nhiều người trong phong trào này lúc đó nghĩ rằng Tổng thống Kennedy đã phản bội lại họ trong chiến dịch đổ bộ lên Vịnh Con Lợn năm 1961 của lực lượng phản động lưu vong Cuba do CIA hậu thuẫn và cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, và những người này có lý do để “loại Kennedy ra khỏi cuộc chơi”.

 

Ít phút sau khi tiếng súng nổ, Tổng thống Kennedy trúng đạn nằm nghiêng về bên trái, trong khi phu nhân Jacqueline bật người lao ra phía cốp xe.


Sau khi tham gia vào vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Diaz đã biến mất và không tham gia bất cứ một phi vụ nào cho tới năm 1966, khi hắn được giao nhiệm vụ cũng với một sát thủ khác có tên là Tony Cuesta xâm nhập vào Cuba bằng đường biển để ám sát Tổng thống Cuba lúc bấy giờ, Osvaldo Dorticos. Trên con tàu hướng vào bờ biển Cuba, Diaz đã kể lại cho Cuesta việc hắn đã tham gia vào vụ sát hại Kennedy như thế nào và tại sao hắn lại phải án binh bất động trong suốt những năm sau đó. Vụ xâm nhập thất bại, Diaz bị lực lượng biên phòng Cuba tiêu diệt trước khi đặt chân tới đất liền, trong khi Cuesta bị thương và bị bắt giữ. Trong thời gian dưỡng thương tại nhà tù La Cabaña ở La Habana, Cuesta đã tiết lộ câu chuyện của Diaz liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ năm 1963 cho Reinaldo Martinez, một tên phản cách mạng bị giam giữ cùng phòng.


Sau khi ra tù, Martinez đã trốn sang Miami và giữ kín câu chuyện được bạn tù kể lại và cho tới năm 2007, khi biết mình ốm nặng khó qua khỏi, Martinez đã liên lạc với Robert Blakey, nguyên cố vấn của Ủy ban điều tra các vụ ám sát của Hạ viện Mỹ (HSCA) để thuật lại những bí mật mà hắn vẫn lưu giữ bấy lâu nay. Martinez cũng thừa nhận đã từng liên hệ với FBI để khai báo, nhưng cơ quan này trả lời rằng hồ sơ vụ án đã khép lại nên hắn buộc phải tìm đến các nhà điều tra độc lập vì không muốn câu chuyện rơi vào quên lãng. Tác giả Summers sau đó cũng có dịp được phỏng vấn Martinez trong hai ngày để tìm hiểu về câu chuyện của tên này và sau đó, ông nhận định rằng những gì Martinez tiết lộ là hoàn toàn đáng tin cậy.


Những bằng chứng liên quan đến vụ ám sát, do HSCA thu thập được từ trước khi tập trung hướng điều tra vào những vết thương trên người Tổng thống Kennedy, cũng đã từng đặt nghi vấn về sự tham gia của một tay súng thứ hai. Trong khi vết đạn ở cổ được kết luận là được bắn từ phía sau, phù hợp với những nhận định của các cơ quan điều tra trước đó để buộc tội Oswald, thì những bằng chứng về vết đạn trên đầu gây ra cái chết của Kennedy lại có những chứng cứ hoàn toàn khác. Theo lời khai của các y bác sỹ làm việc tại bệnh viên Parkland ở Dallas vào buổi trưa 22/11 định mệnh khi Kennedy được đưa tới cấp cứu, thì Tổng thống bị một vết thương rất nặng ở phía sau bên phải đầu. Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu vết thương ở phía sau đầu của Kennedy lớn hơn như lời xác nhận của các bác sỹ bệnh viện Parkland, thì kẻ thủ ác phải bắn viên đạn đó từ một vị trí ở phía trước đoàn xe của Tổng thống, bởi vì theo nguyên lý vết thương do viên đạn tạo ra khi xuyên vào sẽ nhỏ hơn khi đi ra khỏi cơ thể.


Những bằng chứng này cũng trùng khớp với những tài liệu điều tra của thẩm phán ở bang New Orleans, Jim Garrison. Ông này dựa vào một đoạn phim do một người đi đường có tên là Abraham Zapruder quay khi phái đoàn của Tổng thống đi qua, trong đó chộp được thời điểm khi Tổng thống Kennedy bị bắn. Trong đoạn phim ngắn này, người ta nhìn thấy đầu của Kennedy lật ngửa về đằng sau và nghiêng sang bên trái khi bị trúng đạn. Theo nguyên lý, khi phát đạn được bắn ra từ một khẩu súng có độ sát thương cao chạm vào mục tiêu thì vật cản đó sẽ tiếp tục bị đẩy đi theo đường đạn. Trong trường hợp này, nếu quả thực Kennedy bị bắn vào đầu từ phía sau thì ông phải đổ về phía trước chứ không thể lật ngửa ra phía sau như trong đoạn phim trên được.


Từ những bằng chứng trên và câu chuyện của Martinez, tác giả Summers cho rằng những nghi vấn về việc Lee Harvey Oswald không phải là thủ phạm duy nhất là hoàn toàn có cơ sở, và rõ ràng vụ ám sát Tổng thống Kennedy là một âm mưu, trong đó Herminio Diaz là tay súng thứ hai tham gia vào vụ việc. Trong khi đó, ông Blakey cũng nhấn mạnh HSCA có đầy đủ bằng chứng, chỉ thiếu duy nhất danh tính của những nhân vật liên quan tới âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy, và câu chuyện của Martinez đã giải đáp những nghi vấn về sự tham gia của hai tay súng trong vụ việc này.



Hoài Nam (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ cuối: Sự dính líu của CIA và mafia Cuba