11:13 25/11/2020

Những tia hy vọng trong đại dịch

Thế giới vừa chứng kiến ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 thứ 60 triệu chỉ hơn 1 năm kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dữ liệu của Trung Quốc, ca mắc COVID-19 đầu tiên ở nước này ghi nhận vào ngày 17/11/2019. Con số trên một phần cho thấy "virus thế kỷ" này có sức tàn phá lớn đến mức nào. Tuy nhiên, một số “điểm sáng” đã xuất hiện trong bức tranh dịch bệnh u ám, mở ra những tia hy vọng về một lối thoát cho cuộc khủng hoảng COVID-19.

Số ca mắc mới giờ đây tăng thêm 20 triệu chỉ trong hơn một tháng, so với hơn 2 tháng để tăng từ 20 triệu lên 40 triệu ca. Nếu so sánh theo mốc 10 triệu ca, thời gian cũng đang ngày một thu hẹp: mốc 30 triệu ca lên 40 triệu được ghi nhận sau khoảng 1 tháng (từ 16/9 đến 18/10), mốc 40 triệu lên 50 triệu trong 3 tuần (từ 18/10 đến 7/11), thì chỉ sau 2 tuần, số ca nhiễm toàn cầu đã tăng từ 50 triệu lên 60 triệu ca. Đáng lo ngại hơn, số bệnh nhân phải điều trị tích cực trong một ngày cũng tăng cao. Ngày 28/10, thế giới có 80.000 ca phải điều trị tích cực, đến ngày 5/11 con số này đã lên tới 90.000 ca và mốc 100.000 ghi nhận vào ngày 17/11. 

Những điểm nóng dịch bệnh vẫn là Mỹ và châu Âu, chiếm tới hơn 70% số ca mắc COVID-19 và hơn 77% số ca tử vong trên toàn thế giới. Sau thời gian dài số ca mắc mới theo ngày liên tục khoảng 200.000, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với gần 13 triệu ca. Châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới với hơn 16 triệu ca nhiễm và hơn 365.000 ca tử vong. Trong 10 nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất thế giới có tới 5 quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Italy, trong đó Pháp và Nga đều hơn 2 triệu ca. Mặc dù giới chức y tế nhận định làn sóng dịch bệnh thứ hai tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm, hiện số ca nhiễm, nhập viện và cần điều trị tích cực đều đã đồng loạt giảm, song nhiều ý kiến cảnh báo châu Âu vẫn đối mặt với nguy cơ cao khi thời điểm mua sắm, đi lại, tụ tập dịp Giáng sinh và Năm mới đang tới gần.

Diễn biến dịch tại châu Á vẫn khá phức tạp, ngay cả những nước đã khống chế được các đợt lây lan trước đó. Nhật Bản đã phải tạm ngừng chiến dịch tài trợ du lịch nội địa tại nhiều địa phương sau khi chứng kiến số ca mắc mới hằng ngày liên tục ở mức trên 2.000. Hàn Quốc đã cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ ba trong bối cảnh số ca nhiễm mới duy trì hơn 300 ca/ngày, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8, do các ổ lây nhiễm tập thể, xuất phát từ các địa điểm tư nhân, cơ sở công cộng, bệnh viện và doanh trại quân đội. Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo tình hình ngày càng nghiêm trọng, số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua, buộc nhà chức trách lần thứ ba trong năm phải đóng cửa các quán bar, hộp đêm, karaoke, vũ trường, đồng thời hạn chế số người tham gia các sự kiện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ cực kỳ quan ngại về tốc độ gia tăng số ca mắc mới tại nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước này đang "đùa với lửa" khi không thể kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, cùng với những diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh, nhiều dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, củng cố thêm hy vọng và quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19. Trước hết phải kể tới những kết quả mang tính đột phá trong bào chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ vừa thông báo vaccine thử nghiệm của hãng đã phát huy hiệu quả tới 94,5%. Trước đó, vaccine do tập đoàn Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển cũng đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90%. Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm nay và tối đa 1,3 tỷ liều năm 2021. Trong khi đó, với hiệu quả có thể đạt tới 90% chỉ với một liều sử dụng, Anh thông báo sẽ đưa vaccine do liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển vào tiêm chủng đại trà trước mùa Xuân năm tới. 

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik-V ngừa COVID-19 được giới thiệu tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới nhất, Bộ Y tế Nga cũng cho biết kết quả phân tích những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Sputnik V của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%. Trung Quốc đồng thời đang thử nghiệm giai đoạn ba 5 loại vaccine tiềm năng do nước này tự bào chế. Quá trình phát triển vaccine và thuốc điều trị tại Thái Lan hay Hàn Quốc đều đạt những tiến bộ đáng kể.

Những kết quả khả quan trên cho phép các nước tính tới kế hoạch sớm đưa vaccine vào sử dụng. Mỹ thông báo có thể phân phối vaccine sau ngày 10/12, khi liên doanh Pfizer và BioNTech đã đệ đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng. Nga, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến triển khai chương trình tiêm chủng vaccine đại trà từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Liên minh châu Âu (EU) đã đạt  thỏa thuận với công ty Moderna về việc cung cấp 160 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Quan trọng hơn, các nước trên thế giới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ hợp tác và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau đối phó với COVID-19. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu trong vấn đề này, với cam kết "nỗ lực hết sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), quan chức 21 nền kinh tế thành viên đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác luân chuyển các mặt hàng thiết yếu, như thuốc men và thiết bị y tế. Trước đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhanh chóng thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ chiến lược chung về xét nghiệm và tiêm chủng cho tới ứng dụng cảnh báo COVID-19 trên điện thoại di động hoạt động trên toàn EU. 

Cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng đã thắp sáng hy vọng, rằng mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều được hưởng lợi ích từ những thành tựu phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngay sau đó đã thúc đẩy sáng kiến COVAX - một cơ chế quốc tế do WHO điều hành nhằm đảm bảo việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 công bằng giữa các nước, với thông báo sẽ phân phối khoảng 2 tỷ liều cho các nước đang phát triển trong năm 2021. UNICEF đang làm việc cùng hơn 350 hãng hàng không và các công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp vaccine và 1 tỷ dụng cụ tiêm đến các nước nghèo như Burundi, Afghanistan và Yemen...

Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã gây quỹ được hơn 2 tỷ USD tài trợ cho việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển - vượt mục tiêu đề ra ban đầu.

Như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhiều lần khẳng định, những bước tiến nhanh chóng trong nghiên cứu và điều chế vaccine ngừa COVID-19 chỉ thực sự hữu ích và đem lại hiệu quả khi nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới không bị bỏ lại phía sau, khi "chủ nghĩa dân tộc về vaccine" không có đất để tồn tại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhận định chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch COVID-19, bởi "vaccine sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có, chứ không thay thế được những công cụ đó".

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan cảnh báo không nên coi vaccine là giải pháp "nhiệm màu" cho cuộc chiến hiện tại, bởi sẽ cần ít nhất khoảng từ 4 - 6 tháng nữa thế giới mới có thể sản xuất được số lượng vaccine đủ để phân phối tới các điểm nóng dịch bệnh. Điều đó có nghĩa thế giới vẫn tiếp tục phải cảnh giác trước dịch bệnh, áp dụng nghiêm túc các biện pháp đã phát huy tác dụng như các giãn cách xã hội, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Quan trọng hơn cả, theo Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, "ý thức của người dân chính là liều vaccine thực sự" phòng ngừa dịch bệnh.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví những tiến bộ đột phá trong phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 vừa qua như "ánh sáng ở phía cuối đường hầm dài u tối" mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Hơn 1 năm chống chọi với COVID-19, thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vaccine và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả thời gian qua, cùng với tinh thần "chung sức, đồng lòng", không để ai bị lãng quên.

Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa Đông và mùa Xuân sắp tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.

Bạch Dương (TTXVN)