06:06 23/06/2020

Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai Luật Cảnh sát biển

Luật Cảnh sát biển Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân Việt Nam làm ăn hợp pháp trên biển; đồng hành cùng ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.

Việc quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tư cách thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam trong 20 năm qua bảo đảm phù hợp với xu thế chung của thế giới về tính dân sự của lực lượng thực thi pháp luật trên biển; tương đồng với quy định pháp luật một số nước như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… tạo điều kiện thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Luật. Đầu tiên là Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rộng; vị trí, chức năng, nhiệm vụ nặng nề đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại cũng là khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, là việc thực hiện công tác phối hợp hoạt động đồng bộ, hiệu quả giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng chức năng thuộc bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố...

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Tin, ảnh: V.T/Báo Tin tức