02:21 25/02/2022

Những 'thiên thần áo trắng' nơi 'đầu sóng ngọn gió'

Bác sĩ Nguyễn Thành Bích Thảo và Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du xứng đáng với tên gọi “thiên thần áo trắng” khi họ không quản ngại nguy hiểm, hy sinh thời gian dành cho gia đình, ngày đêm túc trực, giúp bệnh nhân thoát cửa tử của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Nguyễn Thành Bích Thảo (thứ 2 từ phải qua) nhận Quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngay dịp Lễ Kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022.

Ngày 8/7/2021, Cần Thơ ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, liên tiếp sau đó, ngành Y tế Cần Thơ, với vai trò ngành chuyên môn, phải gồng mình chống dịch khi thành phố ở đỉnh dịch giai đoạn từ ngày 11/11/2021 đến ngày 29/11/2021, có ngày ghi nhận gần 500 ca mắc mới. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ là hai đơn vị có sứ mạng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân F0 tầng 3 - bệnh nhân nặng nhất trong tháp điều trị, thông qua mô hình Trung tâm hồi sức điều trị COVID. Các bác sĩ tại đây đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh thời gian dành cho gia đình, ngày đêm túc trực, giúp bệnh nhân thoát cửa tử, trở về xum họp với người thân, họ thực sự xứng đáng với tên gọi “thiên thần áo trắng” mà xã hội dành cho họ. Bác sĩ Nguyễn Thành Bích Thảo và Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du là những “thiên thần áo trắng” đó.

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Cần Thơ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ trở thành nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID nguy kịch. Trưởng khoa đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ nhà nước, Bác sĩ Nguyễn Thành Bích Thảo (sinh năm 1976), với kinh nghiệm hoạt động trong ngành hơn 20 năm, đang đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng khoa tiếp quản.

Chia sẻ về giai đoạn khó khăn ấy, Bác sĩ Thảo cho biết: Đó là thời điểm “trăm ngàn khó khăn” bủa vây, cùng việc thiếu kinh nghiệm trước một căn bệnh quá mới, các phác đồ điều trị được triển khai theo hướng dẫn của Bộ Y tế và rút kinh nghiệm, điều chỉnh liên tục nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Cơ chế hoạt động và vận hành của Trung tâm hồi sức điều trị COVID cũng hoàn toàn mới, với sự tham gia hỗ trợ của hơn 100 bác sĩ ở mọi miền đất nước, nên việc quản lý nhân sự cũng là một bài toán nan giải…

Bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ gồm 50 giường. Thời điểm đỉnh dịch, các giường này luôn chật kín bệnh nhân nguy kịch, các máy móc, phương pháp điều trị kỹ thuật cao như máy lọc máu liên tục, kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo - tuần hoàn ngoài cơ thể) được thực hiện với cường độ cao, có lúc quá tải. Các bác sĩ tại khoa luôn phải túc trực 24/24 ở bệnh viện, trong tâm thế luôn sẵn sàng, vì bệnh nhân tại khoa lúc nào cũng có nguy cơ tử vong.

Là bác sĩ nữ, mẹ của hai bé 5 tuổi và 7 tuổi, có những thời điểm Bác sĩ Thảo phải ở bệnh viện cả tuần lễ không về nhà, mọi gánh nặng đổ lên vai ông xã. Thật may mắn, vì làm cùng ngành (dược sĩ tại Đại học Y Dược Cần Thơ), nên anh thấu hiểu những trách nhiệm và áp lực công việc mà vợ mình đang phải đương đầu, do đó anh đã chủ động, tình nguyện cáng đáng hết việc nhà và chăm sóc con cái, để vợ yên tâm điều trị cho các bệnh nhân COVID nguy kịch.

Chia sẻ về một kỷ niệm khó quên trong thời điểm cả đơn vị gồng mình chống dịch, Bác sĩ Thảo kể: Ca bệnh COVID đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận là một sản phụ mổ bắt con. Sản phụ sức khỏe yếu, phải đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục, tiên lượng xấu. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, sản phụ ứa nước mắt nhìn bác sĩ, nói khó nhọc “bác ơi cứu em với, con em còn nhỏ quá…”. Câu nói ấy như chạm đến tâm can Bác sĩ Thảo, vì chị cũng là mẹ nên vô cùng đồng cảm… Rồi chuỗi ngày bác sĩ và bệnh nhân cùng vật lộn chống chọi với bệnh, sản phụ ấy đã hồi phục diệu kỳ. Người nhà sản phụ đã gửi thư cảm ơn đến bệnh viện và cá nhân Bác sĩ Thảo, với nội dung: "sự hồi phục ấy có lẽ đến từ tình yêu thiêng liêng của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng mới chào đời, và trên hết, đến từ những nỗ lực gấp hàng trăm lần của các bác sĩ để giành lại sự sống cho chị…"

Nhận định về đồng nghiệp, Bác sĩ Trần Quốc Luận cho biết, Bác sĩ Nguyễn Thành Bích Thảo là một người hết mình với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn luôn cầu tiến và nỗ lực. Trong tâm dịch, chị vừa gánh trách nhiệm quản lý nhân sự trên 150 bác sĩ, vừa tham gia công tác điều trị bệnh nhân nặng. Hơn thế nữa, chị còn tích cực tham gia các buổi tập huấn nghiệp vụ, nhất là tập huấn và hỗ trợ các bác sĩ ở những bệnh viện tuyến dưới kỹ thuật ECMO… Với những cống hiến ấy, tập thể lãnh đạo Bệnh viện đã đề xuất lên Sở Y tế thành phố, bổ nhiệm Bác sĩ Thảo vào vị trí Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, ngay dịp Lễ Kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du thăm khám cho bệnh nhân nguy kịch tại Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. 

Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị các bệnh lý nặng cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được chỉ định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID. Đây là một trong 12 Trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước, có quy mô 200 giường được xây dựng khẩn cấp trên cơ sở của Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến của bệnh viện nằm biệt lập với các khu vực điều trị khác. 32 bác sĩ, cùng 50 điều dưỡng chủ chốt ở các khoa đã được huy động để phục vụ cho trung tâm này. Họ đã cống hiến hết mình, góp phần đưa Cần Thơ từ “vùng cam” về “vùng xanh” một cách ngoạn mục. Trong đó, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du là một trong những tấm gương tiêu biểu, cống hiến hết mình cho cộng đồng, được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến, cảm phục…  

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du sinh năm 1988, công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ năm 2012. Giai đoạn Bệnh viện mới thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID, dù có con nhỏ mới 5 tuổi nhưng Bác sĩ Du vẫn xung phong vào “tâm dịch”, trực chiến tại bệnh viện để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thời điểm đó, con trai Bác sĩ Du bị gãy chân phải bó bột, rồi lại bị COVID, nhưng bà xã và gia đình vẫn động viên để Bác sĩ Du yên tâm công tác. Vượt qua những khó khăn về hoàn cảnh gia đình riêng, Bác sĩ Du đã ngày đêm túc trực tại Trung tâm, đảm nhiệm vị trí bác sĩ thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục và ECMO.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên mà Trung tâm tiếp nhận điều trị là một thai phụ đang ở 3 tháng cuối thai kỳ, được chuyển lên từ bệnh viện Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, tiên lượng nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con. Là một trong những thành viên chính trong ê kíp điều trị, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du đã cùng cộng sự ngay lập tức tiến hành hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, quyết định mổ cấp cứu bắt con. Đồng thời, đặt ECMO cho người mẹ. Sau 2 tháng điều trị tích cực, hai mẹ con đã được xuất viện khỏe mạnh. “Đây có lẽ là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong sự nghiệp bác sĩ của tôi” - Bác sĩ Du chia sẻ.  

Với sự dấn thân cống hiến hết mình, năm 2021, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Thời gian tới, Ban Giám đốc Bệnh viện định hướng cử Bác sĩ Du đi học thêm chuyên sâu về kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bác sĩ Du cũng sẽ đứng lớp các khóa đào tạo kỹ thuật lọc máu liên tục cho các bác sĩ ở các bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bác sĩ Du tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng là một tấm gương sáng về tinh thần học hỏi, dấn thân, cống hiến cho cộng đồng” - Bác sĩ Dương Thiện Phước nhận xét về thuộc cấp, người đồng nghiệp trẻ của mình…

Bài và ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)