11:16 13/11/2020

Những thách thức pháp lý trong bầu cử 2020 khác năm 2000 như thế nào?

Các chuyên gia pháp lý nhận định những gì đã xảy ra cách đây hai thập kỷ khác xa với vụ kiện tụng pháp lý trong cuộc bầu cử năm 2020.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông cầm các bản in của tờ Chicago Sun-Times với tiêu đề kiểm phiếu lại năm 2000. Ảnh: AP

Vào 2h30 sáng 8/11/2000, ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Al Gore kêu gọi đối thủ đảng Cộng hòa là George W. Bush thừa nhận thất bại và chuẩn bị hướng về Đài tưởng niệm Chiến tranh ở Nashville (bang Tennessee) để gửi bài phát biểu chiến thắng tới người ủng hộ.

Tuy nhiên, chỉ 1 tiếng sau đó, các hãng truyền thông lớn rút lại dự đoán, cho rằng ứng viên Bush mới là người đã giành được 25 phiếu đại cử tri ở bang quyết định Florida. Cho đến ngày hôm sau, kết quả bầu cử vẫn chưa được phân định. Tại bang chiến địa Florida, ứng viên Bush chỉ hơn ông Al Gore 1.784 phiếu bầu trong tổng số khoảng  triệu cử tri đi bỏ phiếu – một biên độ chênh lệch rất sít sao đã tự động kích hoạt quá trình kiểm phiếu lại.

Những gì diễn ra tiếp theo là năm tuần đầy hỗn loạn với các cuộc tranh chấp pháp lý và sự việc đã được đưa lên Tòa án Tối cao. Ứng viên Gore ủng hộ việc kiểm phiếu lại thực hiện thủ công tại một số hạt nhất định, trong khi ứng viên Bush lại phản đối. 

Ekip phụ trách chiến dịch của hai ứng viên Bush và Gore đã cử các luật sư đến Florida. Cả hai nhóm pháp lý tranh cãi về việc kiểm những lá phiếu bị lỗi. 

Cách đây 20 năm, các hạt tại Florida sử dụng máy bỏ phiếu cơ học kiểu đục lỗ. Các cử tri sử dụng một chiếc bút đục lỗ trên lá phiếu giấy để bỏ phiếu cho ứng cử viên mình chọn. Nếu các lỗ bị đục bỏ hoàn toàn, máy sẽ đếm những phiếu bầu đó. Tuy nhiên, mỗi hạt lại có quy định khác nhau về việc kiểm lá phiếu trong trường hợp chưa đục thủng hoàn toàn. Những lá phiếu này không được máy nhận diện và đếm vào kết quả. Theo ông David Becke - Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử - cho biết vào thời điểm đó, mỗi bên đều phải chiến đấu để giành giật từng lá phiếu một.

Mặc dù Toà án Tối cao Florida yêu cầu kiểm lại hơn 70.000 phiếu bấm lỗ đã bị máy loại từ trước song quyết định này cuối cùng bị Toà Tối cao liên bang bác bỏ.

Đến tháng 12, Tòa án Tối cao Liên bang ra phán quyết (5-4) dừng việc kiểm phiếu lại thủ công bằng tay. Cuộc kiểm phiếu lại vẫn cho ra kết quả ông Bush dẫn đầu với 537 phiếu.

Theo tờ USA Today, các chuyên gia pháp lý nhận định những gì đã xảy ra cách đây hai thập kỷ khác xa với vụ kiện tụng pháp lý trong cuộc bầu cử năm 2020.

Chú thích ảnh
Luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, ông Rudy Giuliani, dẫn đầu cuộc đấu pháp lý của nhà lãnh đạo Mỹ. Ảnh: AFP

Năm 2000, kết quả cần kiểm phiếu lại chỉ có ở một bang là Florida. Một chiến thắng tại bang chiến địa này sẽ đem lại chiến thắng chung cuộc cho bất kỳ ứng viên nào trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Tình trạng chênh lệch chỉ vài trăm phiếu bầu là chìa khóa để quyết định ai sẽ chủ nhân trong 4 năm tiếp theo của Nhà Trắng, và mức chênh lệch sít sao này cho phép cả hai bên đấu tranh quyết liệt trong việc giành giật mỗi lá phiếu.

Tuy nhiên, với năm 2020, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hơn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hàng nghìn phiếu tại 5 bang chiến địa – những nơi mà đội ngũ phụ trách chiến dịch của Tổng thống Trump đang tiến hành các cuộc chiến pháp lý. 

Ngày 11/11, Thư ký bang Georgia ông Brad Raffenperger tuyên bố chưa có dấu hiệu cho thấy có gian lận trong công tác kiểm phiếu tại bang này, nơi ông Biden hiện dẫn trước đương kim Tổng thống Trump 14.000 phiếu.

Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Raffenperger thuộc đảng Cộng hòa cho biết ông đã chỉ thị kiểm lại toàn bộ số phiếu tại bang Georgia bằng tay do tỷ lệ cách biệt quá sít sao, song ông tin rằng cho tới nay, số phiếu đã được kiểm chính xác. 

Trong khi đó, theo Trung tâm nghiên cứu Edison, với 98% số phiếu đã được kiểm tại bang Pennsylvania, hiện ông Biden đang dẫn trước tại bang này với 49,7% số phiếu trong khi Tổng thống Trump có trong tay 49% số phiếu. Số liệu cho thấy, tỷ lệ cách biệt không đủ để kích hoạt việc kiểm lại phiếu tại bang Pennsylvania.

Chú thích ảnh
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania ngày 4/11/2020. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Giới chuyên gia pháp lý cho rằng một cuộc kiểm phiếu lại rất có thể không thay đổi kết quả tại các bang với mức chênh lệch hiện nay. Các cáo buộc gian lận bầu cử cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng xác thực. Gian lận bầu cử rất hiếm khi xảy ra và trong trường hợp thực sự có điều đó, nó cũng chỉ ảnh hưởng một số lượng nhỏ phiếu bầu. 

"Về cơ bản, có thể nói cuộc bầu cử đã kết thúc. Không có bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến kết quả", David Boies - người dẫn đầu nhóm pháp lý của ứng viên Al Gore vào năm 2000 - chia sẻ.

Ông Boies thừa nhận chiến dịch của Tổng thống Trump có quyền kiểm phiếu lại. Tuy nhiên, ông nói "việc kiểm phiếu lại có thể chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm phiếu bầu nhưng sẽ không ảnh hưởng đến hàng nghìn phiếu bầu”.

Luật sư Boies cũng cho rằng khả năng nhờ đến Tòa án Tối cao phân xử cũng rất hy hữu trong trường hợp năm nay. “Để có sự tham gia của Tòa án Tối cao, cần phải có vấn đề cấp liên bang hoặc hiến pháp. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là các cáo buộc gian lận cử tri đều là các vấn đề địa phương hoặc tiểu bang mà Tòa án Tối cao không có thẩm quyền xử lý”, ông Boise giải thích.

Barry Richard, người đại diện cho ứng viên Bush vào năm 2000 cùng ý kiến với luật sư Boises, cho rằng tình hình hiện nay rất khó có thể thuyết phục Tòa án Tối cao can thiệp.

"Tôi nghĩ rằng Tòa án Tối cao không muốn tham gia vào việc lựa chọn tổng thống năm nay. Trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến, người dân Mỹ đã chỉ ra rằng trong ba cơ quan của chính phủ, Tòa án Tối cao là lựa chọn mà công chúng dành sự tôn trọng cao nhất. Tôi không nghĩ rằng tòa án sẽ thụ lý việc này trừ khi họ bắt buộc phải làm."

Để tranh tụng về cuộc bầu cử năm 2020 đến được Tòa án Tối cao, kịch bản sẽ phải lặp lại năm 2000: một kết quả cực sít sao tại một bang dao động. Bên cạnh đó, cũng sẽ phải có những nghi vấn về tính hợp pháp theo hiến pháp.

Năm 2000, Tòa án Tối cao xem xét vấn đề bảo vệ sự bình đẳng, yêu cầu chính phủ phải đối xử với mọi cá nhân như nhau. Tuy nhiên, vấn đề này không hề xảy ra trong năm 2020. Theo ông Richard, “nếu các quan chức bầu cử địa phương cho phép những người giám sát của một đảng theo dõi việc kiểm phiếu nhưng lại không làm điều tương tự đối với những người của đảng kia, vấn đề mới nảy sinh. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy người giám sát tại hai đảng được đối xử khác nhau. Cũng không có bằng chứng cho thấy các lá phiếu được đếm một cách không xác đáng và có lợi cho một ứng cử viên”.

"Tôi chỉ nghĩ đó là hai tình huống hoàn toàn khác nhau. Và tôi nghĩ rằng các tòa án liên bang đã học được từ kinh nghiệm của năm 2000 rằng tòa án liên bang không nên can thiệp vào các cuộc bầu cử. Tổng thống nên được xác định bởi các lá phiếu của cử tri, chứ không phải trên tòa án”, luật sư Boises kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức