01:09 05/01/2016

Những thách thức đối ngoại của Đức trong năm 2016

Những thách thức đối ngoại đối với Berlin trong năm 2016 sẽ còn lớn hơn nữa khi một số cuộc khủng hoảng có thể bước vào giai đoạn bước ngoặt cần những hàng động mang tính quyết định.

Năm 2015 đã đi qua cùng với việc Đức ngày càng khẳng định vị thế đầu tàu trong việc giải quyết các điểm nóng khu vực và một số vấn đề nóng của thế giới.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen và Thủ tướng Angela Merkel trước cuộc họp nội các ở thủ đô Berlin ngày 1/12/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Thách thức lớn nhất về đối ngoại (và cả đối nội) của Đức năm 2016 tiếp tục là cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn. Trong năm qua, Đức đã bước đầu thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này khi tiếp nhận tới 1 triệu người nhập cư, chiếm 2/3 tổng số người vào châu Âu, mà vẫn giữ được ổn định tình hình chính trị - xã hội. Mặc dù vậy, những kết quả mà Đức đạt được mới chỉ là tạm thời và khó khăn vẫn đang ở phía trước.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, tất cả các nước Scandinavia đều đồng loạt tuyên bố các biện pháp kiểm soát biên giới ngăn dòng người di cư. Từ ngày 4/1/2016, Phần Lan đã kiểm tra thị thực trên những chuyến phà đến từ Đức. Cùng ngày, Thụy Điển tiến hành kiểm soát biên giới với Đan Mạch còn Đan Mạch cũng kiểm soát biên giới với Đức.

Hiệu ứng "domino“ này một lần nữa đặt khu vực Shengen trước nguy cơ đổ vỡ và tạo thêm thách thức cho Đức. Một khi các nước Scandinavia thắt chặt đường biên giới, dòng người di cư sẽ không còn nhiều đích đến ngoài Đức và áp lực sẽ tiếp tục đổ dồn lên quốc gia ở trung tâm châu Âu này.

Bài toán của Berlin là làm thế nào để thể hiện được vai trò điều phối ở châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư không hề có dấu hiệu lắng dịu. Nếu Thủ tướng Angela Merkel không dung hòa được chính sách di cư với các nước láng giềng Liên minh châu Âu (EU) xung quanh, Đức sẽ trở thành nước duy nhất "chịu trận“ khi dòng người di cư vẫn đang trên các con đường tiến về châu Âu.

Điều nguy hiểm hiện nay là EU đang ngày càng chia rẽ trong cách thức tiếp cận và xử lý cuộc khủng hoảng này. Xu hướng đơn phương hành động và chủ nghĩa dân tộc làm các nước trong khối ngày càng xa rời nhau trong việc triển khai các biện pháp chung.

Sự nắm quyền của các đảng phái trung hữu cứng rắn ở Hungary, Ba Lan, CH Séc cùng với phong trào cánh hữu đang lớn mạnh ở Đức, Pháp, Anh càng làm cho việc tìm được đồng thuận trong chia sẻ gánh nặng người nhập cư trở nên khó khăn hơn.

Trong lúc đó, nguồn gốc chính của cuộc khủng hoảng là những bất ổn chính trị và xung đột ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi vẫn đang bế tắc. Do đó, nhiệm vụ đối ngoại của Đức không chỉ là khắc phục các tồn tại trong nội bộ EU về vấn đề người nhập cư mà còn là tính toán xa hơn tới một lộ trình hòa bình cho những điểm nóng ở Trung Cận Đông.

Một thách thức đối ngoại lớn khác của Đức trong năm 2016 sẽ là cách thức duy trì quan hệ với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Với cương vị là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Đức sẽ có nhiều điều kiện để thúc đẩy đối thoại với Nga nhằm làm giảm căng thẳng quan hệ EU - Nga.

Sự ổn định của lục địa Á - Âu là lợi ích chung của tất cả các bên, song để đạt được mục tiêu khó khăn này cần có những tính toán chiến lược khôn ngoan và linh hoạt từ cả Moscow và Brüssels, trong đó về phía châu Âu không thể không kể đến vai trò kiến tạo chính sách của Berlin.

Giảm bớt những mâu thuẫn giữa EU và Nga, giữa NATO và Nga, đặc biệt là của các nước ở Đông Âu như Ba Lan, CH Séc với Nga sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng của Thủ tướng Merkel trong năm 2016.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, với tư cách là một trong bốn bên của nhóm Normandie, Đức sẽ tiếp tục hối thúc các bên là chính phủ Ukraine, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine thực hiện đúng những nội dung của thỏa thuận Minsk II, điều kiện căn bản cho một lối thoát hòa bình ở quốc gia này.

Nhìn chung, quan hệ EU - Nga được cải thiện sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài hơn 2 năm ở Ukraine. Do Mỹ "nhường sân khấu“ cho các nước châu Âu trong tiến trình đàm phán về tương lai Ukraine nên Đức sẽ duy trì vai trò dẫn dắt của mình trong "bàn cờ Ukraine“.

Bước sang năm 2016, Đức còn phải đối mặt với thách lớn lớn nữa là cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cuối năm 2015, Berlin đã quyết định sẽ triển khai máy bay và lực lượng hơn 1.000 quân tới chiến trường Syria để tham gia cuộc chiến chống IS.

Kế hoạch này sẽ được triển khai cụ thể ra sao và mức độ can dự của Đức đến đâu trong vấn đề Syria là điều được dư luận quốc tế quan tâm. Cuộc chiến chống IS của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong hơn một năm qua cho thấy hiệu quả của việc chỉ sử dụng không quân còn rất hạn chế và IS vẫn giữ được tiềm lực đáng kể.

Nếu các biện pháp quân sự bằng không kích là không đủ, nhiều khả năng Mỹ và Pháp sẽ tính tới một bước đi quyết đoán hơn là triển khai bộ binh tới chiến trường Syria, nhất là trong trường hợp ứng cử viên của đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống Mỹ.

Khi đó, Berlin sẽ phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn là có tham gia cùng vào một chiến dịch tấn công trên bộ hay không. Nếu không tham gia, độ tin cậy chính trị của Đức sẽ bị suy giảm đối với các nước đồng minh trong bối cảnh Đức đã tuyên bố sẽ chủ động và tích cực hơn trong việc can dự vào các điểm nóng quốc tế. Ngược lại, nếu đồng ý tham gia, chính phủ cầm quyền ở Berlin sẽ phải đối mặt với áp lực dư luận rất lớn ở trong nước.

Như vậy, 2016 sẽ là một năm không dễ dàng cho Đức khi phải tiếp tục đứng trước những thách thức đối ngoại có áp lực ngày càng lớn. Quan trọng hơn, những thách thức này còn có mối liên hệ qua lại, tác động lẫn nhau, ví dụ vấn đề khủng hoảng người di cư và tình hình bạo lực ở Syria.

Điều này đỏi hỏi chính phủ của Thủ tướng Merkel không chỉ cần giải pháp cho từng vấn đề mà còn phải có một chiến lược mang tính toàn diện và cân bằng. Ngoài ra, Berlin cũng sẽ cần một chính sách đối ngoại chủ động trong bối cảnh tình hình khu vực châu Âu và quốc tế đang diễn biến phức tạp, có thể phát sinh thêm những thách thức mới.

Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)