05:22 05/05/2016

Những "sự cố" đe dọa TTIP

Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ khó thành hiện thực, nhất là sau khi thông tin về đàm phán bị rò rỉ hôm 2/5.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace (Hòa bình Xanh) đã giáng một đòn nặng nề vào TTIP khi tiết lộ nhiều chi tiết xung quanh các cuộc thương lượng kín giữa Mỹ và châu Âu. Tổ chức này đã công bố một tài liệu hàng trăm trang, phơi bày bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và EU sau gần 3 năm đàm phán. Mỹ và EU đã ngay lập tức phản bác thông tin từ Greenpeace, cho rằng tổ chức này đã cung cấp những tài liệu gây “hiểu nhầm” và “sai lệch”. Tuy nhiên, dù không có vụ rò rỉ trên thì khả năng thành công của hiệp định này dường như ngày một xa vời vì nhiều lý do.

Mỹ và khối EU gồm 28 nước muốn xây dựng TTIP để dỡ bỏ các rào cản thủ tục và thuế quan nhằm tự do hóa hoạt động thương mại và đầu tư. Hai bên phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ việc tiếp cận thị trường cho tới khai thác lĩnh vực dịch vụ của EU và cải thiện khả năng tiếp cận của EU đối với các dự án mua sắm công của Mỹ. Các nhà đàm phán đã kết thúc vòng đàm phán thứ 13 tại New York hôm 29/4, và như thường lệ, họ khẳng định rằng đã đạt được tiến triển qua các cuộc đàm phán.

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney (phải) và trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia trong cuộc họp báo ở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) ngày 29/4.

Tuy nhiên, phía châu Âu lại tỏ ra tức giận trước việc Mỹ từ chối cho phép các đối tác châu Âu tiếp cận hoạt động mua sắm chính phủ của nước này. Ngày 3/5, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Xúc tiến Du lịch và Người Pháp ở nước ngoài Mattias Fekl, người đại diện cho Pháp tại các cuộc đàm phán, đã quy trách nhiệm cho Mỹ về việc để hiệp định rơi vào bế tắc, và cho rằng khả năng dễ xảy ra nhất là các bên tạm ngừng đàm phán hiệp định này. Ông nhấn mạnh, với ảnh hưởng của Pháp trong EU, “không thể có một thỏa thuận mà không có Pháp, và càng không có khả năng diễn ra một thỏa thuận chống lại Pháp”.

Giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo Pháp dường như cũng đang bắt đầu có những nghi ngại về hiệp định thương mại tự do này, nhất là sau khi cả Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Fancois Hollande đều cam kết phản đối mọi thỏa thuận không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sức khỏe, môi trường và quy định của ngành nông nghiệp Pháp.

Đức cũng gia tăng các áp lực của mình, cho rằng thỏa thuận có thể “sẽ thất bại” nếu Mỹ vẫn không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán kéo dài. Không chỉ vậy, khả năng Anh rời EU sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 cũng đang đe dọa thành công của các cuộc đàm phán về TTIP.

Trong khi đó, châu Âu cũng phải đối mặt với những rào cản chính trị nhạy cảm do dư luận cho rằng thỏa thuận có thể có lợi cho các tập đoàn kinh doanh lớn mà phớt lờ nguyên tắc về sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Giáo sư luật thuộc Đại học Harvard, ông Mark Wu, một cựu quan chức của cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, nói: “Nếu không được ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, việc định đoạt thỏa thuận có thể sẽ bị hoãn lại tới sau các cuộc bầu cử khác ở châu Âu trong năm 2017”. Trong năm 2017, cả Đức và Pháp đều tổng tuyển cử và các cuộc tranh cãi về TTIP đang rất nóng, tới mức nhiều người cho là các ứng cử viên sẽ tận dụng đây làm một đề tài trong chiến dịch tranh cử của mình.

Về phía Mỹ, Tổng thống Obama, người quyết tâm bảo vệ TTIP, sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 và người kế nhiệm ông, sẽ được bầu ra vào tháng 11/2016, có thể kém hào hứng hơn trong việc thúc đẩy hoạt động tự do thương mại.

Có ý kiến cho rằng các bên đàm phán có thể giảm bớt tham vọng đối với thỏa thuận. Tuy nhiên, với Mỹ và EU, một TTIP ít tham vọng hơn cũng đồng nghĩa việc đàm phán thất bại. 
TTK