07:17 20/07/2020

Những số liệu 'làm khó' châu Phi trong cuộc chiến chống COVID-19

Bác sĩ Bilal Endris đếm những đồng Birr đã cũ nát đưa cho người quản trang và mấy nhân công làm nghề đào huyệt trong một nghĩa trang tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Endris dặn họ rằng nếu thấy số lượng mai táng tại nghĩa trang tăng đột biến thì gọi điện báo cho ông.

Chú thích ảnh
Nhân viên vệ sinh làm việc tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Addis Ababa, Ethiopia, ngày 17/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cưỡi chiếc xe máy cà tàng, Endris đến một nghĩa trang khác để tiến hành công việc tương tự. Hiện tại, ông đang phối hợp với ít nhất 73 nghĩa trang tại thủ đô để lấy thông tin về số lượng người mới được chôn cất. Các số liệu sau đó sẽ được gửi cho Đại học Tổng hợp Addis Ababa, đơn vị đang tài trợ cho dự án này của ông, để tìm hiểu khả năng xem những ca tử vong liệu có liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay không.   

Mặc dù có dân số lên tới 115 triệu người, đứng thứ hai tại châu Phi sau Nigeria, nhưng chỉ 2% tổng số người qua đời tại quốc gia Đông Bắc Phi Etiopia được lưu vào số liệu chính thức. Thực tế này đang gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng, không chỉ trong công tác thống kê về quy mô dân số thông thường, mà còn trong việc thực hiện công việc điều tra về nguyên nhân tử vong, đặc biệt trong bối cảnh các ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19 đang ngày một gia tăng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, nhiều nước châu Phi hiện không đưa ra được số liệu đáng tin cậy về diễn biến của dịch bệnh, trong khi một số chính phủ không coi đây là đại dịch do muốn che giấu tình trạng tồi tệ của hệ thống y tế sở tại. Cụ thể hơn, hiện chỉ có 8 nước trong 54 quốc gia châu Phi có khả năng thống kê khoảng 75% tổng số người tử vong, bao gồm Nam Phi, Algeria, Cape Verde, Djibouti, Ai Cập, Mauritius, Namibia và Seychelles. Do phần lớn các quốc gia còn lại đều không có số liệu đáng tin cậy về số ca tử vong, các nhà khoa học sở tại thường phải trông chờ vào thông tin về sự gia tăng đột biến số người tử vong rồi mới có thể tiến hành tìm hiểu xem có liên quan đến COVID-19 hay không.

Hai tháng gần đây, trên mạng xã hội tại Ethiopia, người ta bắt đầu bàn tán về những cái chết bất thường và không rõ nguyên nhân. Còn theo số liệu từ Chính phủ Ethiopia, tính đến ngày 20/7, nước này mới chỉ ghi nhận 9.147 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 163 ca tử vong. Tuy nhiên, những người có chuyên môn như bác sĩ Endris luôn hoài nghi về con số này, đặc biệt trong bối cảnh chỉ 20% tổng số ca tử vong vì bệnh lý ở Ethiopia là tại các bệnh viện và cơ sở y tế.

Nhiều dự án tương tự như của bác sĩ Endris đang được xúc tiến tại một loạt nước châu Phi. Tổ chức Y tế cộng đồng "Resolve to Save Lives" có trụ sở tại Mỹ hiện đang tài trợ cho 5 nước châu Phi, trong đó có Rwanda và Senegal, để tiến hành thống kê số người tử vong bất thường qua thông tin từ các nghĩa trang hay thậm chí từ các tù trưởng, người nắm rõ nhiều thông tin của cộng đồng dân cư.

Số liệu cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đến hết ngày 19/7 cho thấy số ca mắc COVID-19 ở "lục địa Đen" là 703.572 trường hợp, trong đó có 14.956 ca tử vong.

Tại Nam Phi, quốc gia hiện chiếm tới hơn 50% tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn, mặc dù luôn được coi là nước có trình độ phát triển y học cao nhất châu lục. Tính đến hết ngày 19/7, nước này ghi nhận 5.033 ca tử vong trong số 364.328 trường hợp nhiễm bệnh.

Trong khi đó, theo số liệu từ Hội đồng nghiên cứu Y khoa Nam Phi, chỉ trong tháng 5 và tháng 6, nước này đã chứng kiến số lượng ca tử vong tăng đột biến lên tới gần 11.000 ca (không tính những ca tử vong do COVID-19), đặc biệt tại hai ổ dịch  gồm tỉnh Gauteng và Eastern Cape với số ca tử vong tăng lần lượt là 71% và 90%.

Theo các nhà khoa học Nam Phi, về lý thuyết, sự gia tăng đột biến của các ca tử vong trong một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp giới y khoa lượng hóa được quy mô ảnh hưởng của COVID-19, bao gồm việc phân loại giữa những ca tử vong nhưng trước đó nằm trong diện nghi nhiễm, và những người chết vì những nguyên nhân khác do không được nhập viện. Tuy nhiên, theo ông Ian Sanne, Giám đốc "Right to Care", một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, với Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung, lý thuyết y khoa trên không phải lúc nào cũng phù hợp do tính đặc thù về sự phân bố dân cư và điều kiện sinh hoạt. Có hiện tượng số ca tử vong đang tăng đột biến tại các thị trấn nhỏ và các vùng nông thôn hẻo lánh mà không được thống kê cũng như tìm hiểu nguyên nhân.

Trên thực tế, với hơn 360.000 ca nhiễm virus SARS-Cov-2 tính đến hết ngày 19/7, Nam Phi hiện xếp thứ năm trong số những nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, bất chấp nước này trong nhiều tháng qua kiên trì áp dụng những biện pháp phong tỏa và hạn chế được đánh giá là nghiêm ngặt và nhất quán nhất thế giới.

Trong khi ghi nhận đến hơn 100.000 ca nhiễm mới chỉ trong tuần đầu tháng 7, theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi, nước này hiện là một trong những quốc gia có số ca tử vong thấp nhất thế giới với khoảng 5.000 ca, chiếm 1,5% tổng số ca nhiễm. Trong khi đó, Mexico, quốc gia có số ca nhiễm tương đương đã ghi nhận tới hơn 39.000 người tử vong.

Nhận định về số liệu trên, ông Richard Lessells, chuyên gia nổi tiếng về bệnh lây nhiễm tại Học viện Krisp, thành phố Durban, Nam Phi khẳng định rằng số liệu thống kê số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là "không đáng tin cậy" vì có sự chênh lệnh khá lớn giữa số ca tử vong do COVID-19 được công bố và số người chết đột biến trong thời gian vừa qua.

Phản bác ý kiến của chuyên gia Lessells, Phó Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Anban Pillay cho rằng việc so sánh giữa số ca tử vong do COVID-19 và số người chết trong cùng một giai đoạn thời gian là "thiếu căn cứ khoa học".

Tuy nhiên, trước cả khi cuộc tranh luận trên nổ ra, chính quyền một số tỉnh tại Nam Phi đã bắt đầu chuẩn bị diện tích đất cho những nấm mộ tập thể để chôn cất các bệnh nhân tử vong do COVID-19. Cách đó hơn 5.000km về phía Bắc, tại thủ đô Addis Abba của Ethiopia, bác sĩ Bilal Endris vẫn tiếp tục đi đến từng nghĩa trang để tìm hiểu xem dưới những nấm mộ mới lấp, ai là những người có thể đã qua đời vì mắc COVID-19.

Phi Hùng (Phóng viên TTXVN tại châu Phi)