10:01 25/10/2018

Những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý góp mặt tại Hội chợ ‘Đặc sản vùng miền Việt Nam’

Lần đầu tiên Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam” (Vietnam Local Specialities Fair) và Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” (One Village One Product) được tổ chức cùng thời gian và địa điểm, với quy mô trên 400 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng được chọn lọc của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

Chú thích ảnh
Giới thiệu sản phẩm chè tại Hội chợ "Đặc sản vùng miền Việt Nam" năm 2017. Ảnh: Lê Phú

Chương trình diễn ra từ ngày 21 - 25/11/2018, tại Quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall, Royal City - 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tại hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018”, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các phẩm chỉ dẫn địa lý, được đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu biểu có thể kể tới nước mắm Phú Quốc, đặc trưng với màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, mùi thơm nhẹ, không tanh nhờ sản xuất từ cá tươi, với vị mặn, ngọt đậm kèm vị béo tự nhiên của đạm và mỡ cá.

Hay gạo Điện Biên với hạt gạo trắng đục, sáng bóng, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm và dẻo; chè Shan Tuyết với vị thơm đặc trưng, không chát xít và rõ ngọt hậu nhờ được chế biến từ búp chè tươi 1 tôm 2 lá non.

Ngoài ra, các sản phẩm như chè Tân Cương, sâm Ngọc Linh, chả mực Hạ Long, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn...cũng sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng tại hội chợ.

“Khi nói đến sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là người ta nói đến những sản phẩm ngon nhất, sản phẩm tốt nhất đã được bảo hộ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, truyền thống văn hóa đa dạng, sự cần cù, khéo léo và kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ của người dân, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, gắn với danh tiếng, chất lượng cũng như đặc thù văn hóa sản xuất của nhân dân. Nhiều sản phẩm trong số đó trở thành các mặt hàng chủ lực của địa phương, được biết đên rộng rãi trong nước và phát triển thành sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý với khoảng 1.000 sản vật, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Ban tổ chức hy vọng Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018” sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá các sản phẩm cũng như hình ảnh chỉ dẫn địa lý Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, đại diện BTC cho biết.