11:10 23/11/2010

Những sắc màu tình yêu

Không phải thi viết về chủ đề quê hương, đất nước, gia đình, tình yêu, hay HIV/AIDS… như thông lệ, mà là về một cây cầu - đó là điều đặc biệt thứ nhất.

Không phải thi viết về chủ đề quê hương, đất nước, gia đình, tình yêu, hay HIV/AIDS… như thông lệ, mà là về một cây cầu - đó là điều đặc biệt thứ nhất.

Cây cầu ấy như một biểu tượng của lịch sử, của Hà Nội, gắn với những thăng trầm của Thăng Long ngàn năm tuổi, nơi ấy có cả những phút giây hào hùng của ngày những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, lại cũng có cả giây phút lãng mạn của thời khắc gần đây, khi "cầu Rồng" thành nơi ghi dấu những tình yêu của tuổi mới lớn... đó là sự đặc biệt thứ hai... Nhiều sự đặc biệt khiến lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác Entry "Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm" do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức, diễn ra chiều 21/11/2010, ngay dưới chân cây cầu Long Biên "cầu Rồng", càng thêm có ý nghĩa...

Lễ trao giải cuộc thi "Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm". Ảnh: Thể thao Văn hóa

Chỉ trong 2 tháng phát động cuộc thi (từ ngày 8/7/2010), BTC đã nhận được khoảng 200 bài dự thi gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Gần 100 bài chất lượng đã được đưa lên website của cuộc thi, trong đó có hàng trăm bức ảnh và video clip. Sự phong phú của những "sắc màu tình yêu" được gửi gắm trong đó đã khiến BTC thật sự bất ngờ. Bên cạnh bài viết của những người đã đổ cả máu mình để bảo vệ cầu Long Biên, lại có cả người ở bên kia chiến tuyến, vì tình cờ "nhìn thấy" ảnh chụp cầu Long Biên trên một trang báo Mỹ mà đã "phải lòng" nó, để rồi tự nguyện gắn bó cả sự nghiệp và hạnh phúc của mình với cây cầu này (nhà nhiếp ảnh người Mỹ Douglas Jardine, người đã đoạt giải nhì với chùm tác phẩm ảnh "Cầu Long Biên - không gian hoang sơ, trầm lắng" và bài viết "Cuộc đời tôi và cây cầu Long Biên")... Và trong những bài viết dự thi ấy, cũng có muôn vàn tình cảm của người dân sống ở ngay chân cầu Long Biên, gắn bó với nó vì mưu sinh. Lại cũng là kỷ niệm của người chỉ đi qua cầu Long Biên lần duy nhất trong đời, nhưng còn nhớ mãi (tác giả Ama Trung với bài viết "Nhớ mãi lần đến thăm cầu Long Biên duy nhất trong đời"). Có người vì quá yêu cầu Long Biên mà viết hàng chục bài dự thi trong đó có thơ, đó là Nguyễn Đăng Minh. Đặc biệt BTC cuộc thi còn nhận được bài của Nguyễn Huy Sửu - kỹ sư cầu hầm đường sắt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt. Ông dự thi bằng một bài thơ rất đỗi thân thương: "Hướng đông, tây, bắc gần xa/ Đổ về Hà Nội, đều qua cây cầu".

Hơn 100 năm bắc qua sông Hồng, cầu Long Biên đã trở thành niềm tự hào của những người thợ Việt đã đổ xương máu ra để thi công hơn 1.200 ngày đêm. Hơn 50 năm sau, cây cầu đã chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Và trong 20 năm tiếp theo, cây cầu là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt với không quân Mỹ. Cầu đứt, sập lại được nối liền. Các vết thương được hàn gắn. Cây cầu vẫn trụ vững, hiên ngang băng qua sông Hồng... Nhiều bài dự thi đã ôn lại những trang sử hào hùng này của cầu Long Biên. Trong "Dấu ấn tuổi thơ" nhà điêu khắc Tuyết Thủy đã kể một chuyện nhầm mẹ nhầm con của hai gia đình bên cầu Long Biên. Khi máy bay Mỹ ập đến, đèn vụt tắt, hoảng loạn trong tranh tối, tranh sáng, hai bà mẹ đã bế nhầm hai đứa trẻ sơ sinh của nhau mà không biết. 7 năm sau, khi nhận ra sự nhầm lẫn này, thì tình cảm với đứa "con nuôi' đã không thể dứt được nữa. Hai gia đình cách nhau có cái đường ray tàu điện nên giải pháp là hai đứa trẻ nay ở nhà mẹ nuôi một tuần mai về nhà mẹ đẻ một tuần. Không ngờ máy bay Mỹ lại ập đến nữa, họ phải sơ tán về quê. Trong cảnh náo loạn những ông bố, bà mẹ buộc phải lựa chọn và họ phải mang theo con đẻ....

Như một gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình là bài viết kèm bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Douglas Jardine (Người Mỹ). Cây cầu Long Biên đã làm thay đổi cuộc đời anh kể từ khi là một cậu bé, lần đầu tiên thấy cây cầu này vào những năm đầu thập niên 1970, trên bìa của tạp chí Times cũ. Bức ảnh như một minh chứng cho cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và qua bức ảnh này anh được kể về những người Hà Nội đã chiến đấu anh hùng để bảo vệ cầu Long Biên và thành phố thân yêu của họ, chống lại sức mạnh không quân Mỹ. "Tôi đã nhìn chằm chằm vào bức ảnh hàng giờ - như thể tôi có thể đi vào trong bức ảnh vậy" - anh viết. Số phận đã đưa anh đến với cầu Long Biên và nhiều năm nay anh đã chụp hàng ngàn bức ảnh về cây cầu này, trong đó có bộ ảnh panorama (toàn cảnh) cầu Long Biên khổ lớn. Không những thế, anh còn quyết định địa điểm diễn ra sự kiện của đời mình là trên cầu Long Biên: "Tôi vừa mới làm đám cưới tại Hà Nội hồi đầu năm 2010. Ngày trước khi đám cưới diễn ra, tôi đã đề nghị vợ tôi mặc bộ váy cưới và để tôi chụp ảnh cô ấy trong làn gió nhẹ giữa dòng xe cộ đang qua lại ngược xuôi trên cây cầu trăm tuổi".

Cầu Long Biên đã trở thành một phần cuộc sống của người Hà Nội. Người ta không chỉ đi lại trên đó, mà còn sống trên đó. Cây cầu trở thành địa điểm để người ta mưu sinh (buôn bán, chợ búa), thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày lao động nặng nhọc, thành nơi hò hẹn, yêu đương... Những người chiến đấu hay bảo vệ cây cầu còn gắn bó với nó một cách máu thịt hơn. Rồi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, cầu Long Biên dần trở thành cây cầu của người nghèo, thậm chí còn bị lãng quên trong cuộc sống hối hả. Nhưng hình như chính vì thế mà những người từng gắn bó với cầu Long Biên lại càng da diết nhớ về nó hơn...

Với giới trẻ ngày nay lại gắn bó với cầu Long Biên theo cách khác. Không gian thơ mộng và lãng mạn trên cây cầu trở thành địa điểm lý tưởng để họ thể hiện tình cảm: Treo những ổ khóa tình yêu. Họ muốn cây cầu trở thành chứng nhân vĩnh cửu cho mối tình đang nồng thắm của họ...

Cuộc thi đã khép lại, và những người tổ chức đã thực sự hạnh phúc với thành công của mình, bởi như một đại diện BTC đã khẳng định: "Còn nhớ khi phát động cuộc thi, nhiều người nói với chúng tôi rằng, họ chẳng thấy ở nơi nào lại tổ chức cuộc thi chỉ viết về một cây cầu, và rằng một cây cầu bằng sắt thép với chức năng giao thông thì chẳng thể trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho tất cả mọi người như khi chọn đề tài quê hương, đất nước, con người, tình yêu… Nhưng kết quả cuộc thi đã nói lên một điều ngược lại. Có thể một cây cầu bình thường không thể trở thành đề tài cuộc thi, nhưng với cầu Long Biên thì khác. Trong đề tài về cầu Long Biên có tất cả: Tình yêu quê hương, đất nước, gia đình…, có Thăng Long - Hà Nội nghìn năm và có cả hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Bởi cầu Long Biên chính là "cây cầu chuyên chở quá khứ", cây cầu của những "nhịp yêu"…".

Danh sách các tác phẩm đoạt giải

- Giải nhất: Không có

- Giải nhì (trị giá 8 triệu đồng):
+ Bài viết "Cây cầu chuyên chở quá khứ"- Phạm Hương Thủy.
+ Chùm tác phẩm ảnh "Cầu Long Biên - không gian hoang sơ, trầm lắng" và bài viết "Cuộc đời tôi và cây cầu Long Biên" - Douglas Jardine (Nhà nhiếp ảnh người Mỹ).
+ Bài viết "Chúng tôi đã bảo vệ cây cầu Long Biên như thế" - Trần Công Huyền.

- Giải ba (trị giá 5 triệu đồng):
+Bài viết "Câu cầu và những chiếc đinh khuy"- Hoàng Việt Hằng.
+Chùm ảnh "Cầu Long Biên - Góc nhìn từ bóng bay" - Trương Anh Đức.
+ Bài viết "Nhớ mãi lần đến thăm cầu Long Biên duy nhất trong đời" - Ama Trung

- Giải khuyến khích (trị giá 2 triệu đồng): Có 10 giải.


Ánh Tuyết