02:10 16/02/2012

Những phong tục chỉ có ở bản Tày

Từ lâu, đồng bào Tày ở Lào Cai cư ngụ quanh những con suối dưới chân những ngọn núi cao sừng sững. Trong cuộc “ăn đời ở kiếp” với mảnh đất nơi họ đã sinh ra và lớn lên, người dân ở các bản Tày trên dải đất Lào Cai đã tạo cho mình những phong tục tập quán mang bản sắc riêng.

Từ lâu, đồng bào Tày ở Lào Cai cư ngụ quanh những con suối dưới chân những ngọn núi cao sừng sững. Trong cuộc “ăn đời ở kiếp” với mảnh đất nơi họ đã sinh ra và lớn lên, người dân ở các bản Tày trên dải đất Lào Cai đã tạo cho mình những phong tục tập quán mang bản sắc riêng. Những phong tục mà người dân Tày nơi đây vẫn tự hào mỗi khi nhắc đến.

Tiếng trống gọi dân bản

Ngược đường lên Tây Bắc Lào Cai, chúng tôi đến được thôn 3, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Cũng như bao thôn bản khác của xã Dương Quỳ, thôn 3 có 57 hộ dân với 327 khẩu của hai dân tộc Tày và Thái cùng chung sống. Trong những năm qua, các dân tộc anh em của thôn đã đoàn kết thống nhất xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, đói nghèo đã dần được đẩy lùi. Một trong những phong tục đã in sâu vào tiềm thức của người dân thôn 3 đó là âm vang tiếng trống đoàn kết đã ngàn đời là phương thức cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc ở mảnh đất còn nhiều gian khó này.

Nhà sàn của người Tày Nghĩa Đô, nơi có những câu chuyện phong tục của người bản Tày.

Hôm đó chúng tôi được chứng kiến một gia đình người Tày ở thôn 3, xã Dương Quỳ tổ chức dựng nhà sàn sau nhiều năm chuẩn bị. Buổi chiều hôm trước, ông Trưởng bản đã đánh một hồi trống báo cho dân trong bản biết ngày mai trong bản có hộ dựng nhà. Và cứ như thể được nhờ, được mời từ trước, sáng hôm sau, người dân trong bản kéo đến từ rất sớm để làm giúp. Khi đi, họ mang theo lá cọ, theo đục, cưa, lạt buộc... có người còn giúp theo đôi gà và chai rượu. Thật bất ngờ, người dân trong bản không ai bảo ai, ai nấy đều đến rất đông đủ, mỗi hộ cử một người, nhà đông thì có đến hai người. Họ làm việc rất hăng say cho đến hàng tuần, khi nào căn nhà được hoàn thiện mới thôi.

Khu dân cư thôn 3, xã Dương Quỳ nằm bình yên dưới chân núi.


Trong bản nếu có người chết, Trưởng bản cũng ra đánh một hồi trống dài. Tất nhiên số tiếng trống khác so với tiếng trống dựng nhà và đã được người dân trong bản nhớ số tiếng trống của mỗi sự việc. Đánh hồi trống để báo cho dân bản biết trong bản có người chết và mọi người đến để chia buồn và giúp đỡ. Nghĩa tử là nghĩa tận, tình làng nghĩa xóm đã thôi thúc mọi người dân trong bản. Khi nghe thấy tiếng trống, dù ở xóm trên làng dưới, dù đang làm gì, người dân trong bản cũng đến để chia buồn và phân công nhau làm giúp công việc tang ma trong gia đình. Khi đến, người dân trong bản cũng không quên mang theo gà, gạo, rượu để giúp đỡ gia đình tang chủ.

Như thông lệ, trong thôn 3, thường xuyên diễn ra những buổi sinh hoạt văn hóa khu dân cư, trong đó nòng cốt là những người dân trong bản với những hoạt động như vui chơi, hát then tại nhà văn hóa. Khi ấy, ông Trưởng bản cũng đánh hồi trống báo hiệu thời gian tiến hành buổi sinh hoạt của thôn bản và các hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng. Khi nghe hồi trống, mọi người trong bản đến rất đông và nhiệt tình tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa của bản.

Ông Lư Văn Chế - Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dương Quỳ cho biết, tiếng trống đoàn kết đã có từ rất lâu đời và trở thành truyền thống trong mỗi thôn bản ở Dương Quỳ, trong đó thôn 3 là thôn lưu giữ và phát huy tích cực nhất truyền thống ấy. Thật vậy, dù là một phong tục của truyền thống nhưng tiếng trống ở thôn 3, xã Dương Quỳ vẫn phát huy tác dụng của nó trong đời sống hiện tại của mỗi người dân. Nó là tiếng trống thúc giục, kêu gọi và triệu tập tinh thần đoàn kết của dân bản. Chính vì vậy, trong những năm qua, thôn 3 là một trong những thôn có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển mạnh mẽ của xã Dương Quỳ. Với tổng diện tích trồng lúa nước là 14 ha cho thu hoạch 55 tạ/ha, công tác xóa đói giảm nghèo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm sát sao của cấp ủy địa phương, sự nỗ lực, đoàn kết của người dân trong thôn nên đến nay, số hộ khá ngày càng tăng lên. Với phương châm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và đời sống văn hóa, đến nay có 100% số hộ có điện lưới quốc gia, 95% số hộ được xem ti vi, thôn 3 cũng là thôn văn hóa và không có người nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội. Trong sự đi lên của đời sống nơi thôn 3, tiếng trống đoàn kết luôn là một truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây.

Lễ cúng thần bếp

Đối với người dân bản Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên- Lào Cai), bếp lửa được coi là linh hồn của cuộc sống và cũng là tâm điểm trên mỗi căn nhà sàn. Người Tày ở đây có tục giữ lửa bằng thân cây gỗ khô để giữa nhà và mọi chuyện sinh hoạt đều diễn ra quanh bếp lửa. Từ đó, người dân Tày có tục cúng lễ thần bếp, vị thần giữ lửa làm nên sự ấm áp của cuộc sống.

Lễ cúng thần bếp ngay tại căn nhà sàn.

Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi ở Nghĩa Đô thì tục cúng thần bếp có từ lâu đời ở bản Tày và đến nay vẫn được giữ gìn. Chọn ngày lành, tháng tốt, gia chủ tổ chức lễ vào nhà mới. Đến giờ hoàng đạo, chủ nhà rước tổ tiên lên vị trí thờ, thắp hương cắm vào các ống nhang, bày mâm cúng gia tiên. Khi cúng tổ tiên xong, người lập khuôn bếp cắm ba que hương vào hai ống nhang trên và góc trong phía dưới mỗi ống một que hương, còn ba que nữa cắm vào ống góc dưới phía ngoài. Vì khi làm lễ cúng thần bếp thì mời cả thổ công lên cùng hưởng. Mâm cỗ cúng thần bếp làm hai tầng (hai mâm chồng lên nhau), mâm trên cúng thần lửa, mâm dưới cúng thần thổ công, trên cùng mâm để một tảng thịt lợn luộc cắt đôi. Khi cúng xong, mâm trên và tảng thịt lợn luộc đưa hai người lập khuôn bếp gói về nhà cho vợ con hưởng, mâm dưới bày ra cho người làm bếp và bốn người nữa vào cùng ăn ngày vào nhà mới.

Theo một số cụ cao niên trong bản Tày, người được chọn lập khuôn bếp phải là đàn ông ngoài 40 tuổi. Ngoài ra, gia đình người này phải có cuộc sống ấm no, hòa thuận và đặc biệt hơn cả là từ trước tới nay nhà chưa từng xảy ra hỏa hoạn, như thế, lập khuôn bếp xong thì gia chủ mới gặp điều may mắn. Lúc vào nhà mới, gia chủ giao cho người lập khuôn bếp cúng thần lửa, nhưng tôn thờ thần lửa trong các dòng họ lại có nét khác nhau. Có họ cúng thần cả vào Tết tháng bảy và Tết tất niên, cắt giấy đỏ làm ba hình đàn ông và đàn bà dán trên vách bếp, tượng trưng cho thần bếp hai chồng. Có họ chỉ cúng một lần lúc vào nhà mới là xong.

Đồng bào Tày cho rằng, thần lửa mỗi ngày được hai lần hưởng cỗ rồi, vì khi các gia đình nấu ăn, khi thức ăn chín chính là lúc thần bếp được hưởng thức ăn trước người. Vì vậy, không phải làm mâm cỗ cúng nhiều.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng