06:09 14/06/2011

Những pháo đài điên - Kỳ 1: Đối phó với thủy lôi

Ngay từ khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hải quân Đức đã thành công trong việc điểm vào yếu huyệt của quốc đảo Anh, đó là việc vận tải biển.

Ngay từ khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hải quân Đức đã thành công trong việc điểm vào yếu huyệt của quốc đảo Anh, đó là việc vận tải biển. Khi đó, hàng ngày có tới 2.500 chiếc tàu hàng qua lại trên biển để chuyên chở hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới tới nước Anh. Việc vận chuyển hàng hóa trong nước Anh cũng chủ yếu được thực hiện bằng đường biển. Tuyến đường có đông tàu bè qua lại nhất chạy dọc theo bờ biển phía đông của nước Anh, một con đường huyết mạch mà chỉ sau vài tuần chiến tranh, đối phương đã đe dọa cắt đứt.

Kỳ 1: Đối phó với thủy lôi

Tàu khu trục Đức liên tục thả thủy lôi ngoài bờ biển phía đông và cửa sông Thames. Trong những tháng chiến tranh đầu tiên, trên 100 con tàu với những hàng hóa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và cuộc chiến trên đảo đã bị đánh đắm. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, khi từ giữa tháng 11/1939, quân Đức cho máy bay thả thủy lôi từ trên không xuống biển. Những chuyến tàu thương mại dường như bị đình trệ.

Pháo đài trên biển của hải quân ở cửa sông Thames.


Các đội tìm kiếm thủy lôi liên tục hoạt động, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Nhiều con tàu bị đắm mà người ta không giải thích được nguyên nhân. Xem chừng quân đội Đức đã phát triển được những loại thủy lôi mà quân đội Anh không thể nào phát hiện được. Winston Churchill, vào thời gian này là Bộ trưởng Hải quân, ra lệnh phải kiếm được một vũ khí loại này bằng bất kỳ giá nào để nghiên cứu.

Quân đội Anh đã gặp may: Đêm 21 rạng sáng 22/11/1939, đèn pha của quân đội Anh đã chiếu trúng một chiếc máy bay ném bom Đức loại Heinkel, khi nó ném một chiếc dù mang theo một vật lạ bên ngoài bờ biển phía đông. Các chuyên gia đã tìm kiếm, nghiên cứu và phát hiện ra rằng đây là một quả thủy lôi từ trường.

Với phát hiện mới, người Anh đã có thể cải tiến máy móc tìm kiếm thủy lôi của mình cho phù hợp, nhưng nguy hiểm đối với ngành hàng hải chưa phải đã hết: Giữa những người thả thủy lôi và những người tìm kiếm thủy lôi đã bùng nổ một cuộc chạy đua, cũng như giữa những nhà khoa học và kỹ sư của cả hai bên. Người thì tìm cách phát minh những loại thủy lôi mới và bên kia thì tìm những biện pháp mới để chống trả. Giới tướng lĩnh Anh cho rằng cơ hội để giải thoát khỏi những quả thủy lôi chết người chỉ là phải bắn hạ những máy bay thả thủy lôi hoặc ít nhất là đe dọa chúng.

Kỹ sư xây dựng Guy Maunsell, người đề xướng việc xây dựng các pháo đài trên biển.

Trong Bộ Hải quân, người ta lưu ý tới đề xuất của một kỹ sư xây dựng là Guy Maunsell: Ông đề nghị xây dựng những công trình ở ngoài khơi có hình dáng và kích thước giống như Khải hoàn môn ở Pari để chống lại máy bay hoặc tàu thả thủy lôi ở cửa sông Thames. Sau khi sửa đổi một số chi tiết, các tướng lĩnh đã nhất trí với bản thảo thiết kế của Maunsell. Theo bản thiết kế này, hai tháp bê tông cốt thép rỗng giữa, mỗi chiếc có đường kính 7 mét được xây dựng trên một chiếc cầu phao có thể di chuyển được. Những chiếc tháp có 7 tầng này có thể chứa được 120 người với đầy đủ trang thiết bị để chiến đấu và sinh hoạt. Tầng trên cùng là một ụ pháo với 2 khẩu súng 94 mm và 2 khẩu pháo loại Bofors có đường kính 40 mm.

Từ tháng 2 tới tháng 6/1942, bốn pháo đài nặng 4.500 tấn và cao 33 m này đã được kéo tới vị trí của chúng, nằm cách bờ biển từ 6 tới 12 hải lý. Sau khi đổ đầy nước vào cầu phao, chân pháo đài chìm xuống đáy biển và mọi người có thể tiến hành công việc của mình ở các tầng phía trên.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ 2: Di tích của Chiến tranh Thế giới thứ Hai