01:22 03/01/2016

Những ông bố “siêu nhân”

Một buổi sáng như thường lệ, ông bố Chung Sang-hoo giúp hai con nhỏ mặc quần áo, đi tất để chuẩn bị tới trường. Ông bố 34 tuổi này cũng phải “đau đầu” phân xử khi hai đứa con khóc mếu tranh giành đồ chơi. Một năm trước, Chung Sang-hoon đã nghỉ việc ở một công ty nước ngoài tiếng tăm để ở nhà chăm con.

Những trường hợp đàn ông nghỉ việc ở nhà làm nội trợ như Sang-hoon từng rất hiếm gặp ở Hàn Quốc, nơi mà nam giới có vai trò thống trị trong xã hội, tới mức họ được gọi là “những ông bố siêu nhân”. Tuy nhiên, số lượng những “siêu nhân” như Sang-hoon đang dần tăng lên.

Hình ảnh những “ông bố siêu nhân” đang tăng lên tại Hàn Quốc.

Mọi thứ đều có giá của nó, từ việc chuẩn bị bữa sáng cho bọn trẻ cho tới nấu ăn, bởi tôi có thể sống vì những giá trị mà mình cho là quan trọng. Tôi muốn mình khác với thế hệ của cha tôi”, Sang-hoon, người đàn ông có vợ là một giáo viên, chia sẻ.

Trong văn hóa Hàn Quốc, đàn ông vẫn được cho là có vị trí quan trọng, giữ trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình. Phụ nữ ít có tiếng nói hơn và ít khi nhận được sự giúp đỡ của nam giới trong công việc gia đình. Ngoài ra, phụ nữ Hàn Quốc từ lâu đã tin rằng nếu nghỉ sinh và chăm con lâu, chủ lao động sẽ giảm lương và không dành cho họ cơ hội thăng tiến. Mối lo ngại này góp phần khiến Hàn Quốc trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhóm các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ngoài ra, theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số cân bằng giới của Hàn Quốc xếp thứ 115/145 nước.

Khuyến khích đàn ông nội trợ

Để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp và thúc đẩy sự nghiệp của phụ nữ, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đưa ra chính sách ưu tiên nam giới nghỉ phép chăm con. Vừa qua, bà còn công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ USD để thay đổi triển vọng kém tươi sáng của cấu trúc nhân khẩu học. Báo Korea Times dẫn lời bà Park Geun-hye cho rằng nam giới và phụ nữ phải cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, trong đó người cha cũng phải chủ động chăm sóc gia đình như người mẹ.

Luật lao động Hàn Quốc cho phép nam giới và phụ nữ được hưởng số ngày nghỉ chăm con tương đương nhau, tuy nhiên số lượng những ông bố nghỉ làm chăm con chỉ chiếm 5% trong tổng số cha mẹ nghỉ làm chăm con. Theo số liệu của Bộ Lao động, trong nửa đầu năm nay, có khoảng 2.212 nam giới nghỉ làm chăm con, tăng 40% so với năm ngoái. Năm 2014, có 3.421 nam giới nghỉ phép chăm con nhỏ, tăng gấp đôi con số 1.790 người năm 2012. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ nam giới nghỉ chăm con lên 30% vào năm 2030, thay đổi văn hóa ở đất nước nơi đàn ông hầu như không đụng tới việc nhà hay chăm sóc con cái.

Chính phủ Hàn Quốc dự định mở rộng các sáng kiến hỗ trợ các ông bố ở nhà chăm con và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng cho phép nam giới nghỉ làm phụ giúp vợ chăm lo việc nhà. Về mặt văn hóa, các chương trình truyền hình thực tế của “xứ kim chi” như “Sự trở lại của siêu nhân” có sự xuất hiện của những người nổi tiếng chăm sóc con nhỏ cũng góp phần thúc đẩy nam giới tham gia giúp đỡ vợ nhiều hơn trong công việc nhà cửa và chăm lo cho con cái.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải nhìn nhận xem liệu những sáng kiến trên có đủ để thay đổi văn hóa làm việc nhiều giờ của nam giới, trong đó có cả phần “chè chén” sau giờ làm việc.

Bà Na Yeong-don, một quan chức cấp cao Bộ Lao động Hàn Quốc, nói với Reuters: “Toàn bộ nền kinh tế đã mất cân bằng. Phụ nữ có bằng cấp cao, làm việc hiệu quả nhưng lại gánh toàn bộ việc nhà cửa và chăm sóc con cái trong khi nam giới làm việc kéo dài nhiều tiếng”.

Trong khi đó, chuyên gia Hong Seung-ah của Học viện phát triển phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) tại thủ đô Seoul, nhấn mạnh: “Văn hóa làm thêm giờ cần được cải thiện để cho phép nam giới có nhiều thời gian hơn tham gia chăm sóc con cái và gia đình”. Theo số liệu của Học viện trên, 64% nam giới sẵn sàng nghỉ chăm con tuy nhiên trên thực tế chỉ có 2% làm vậy.

Hạnh Nhân (theo Reuters)