11:11 25/11/2011

Những nước đứng đầu thế giới về nạn phá rừng và khí thải

Trong tổng số 180 nước được khảo sát của tổ chức FAO, Nigiêria, Inđônêxia và CHDCND Triều Tiên có tỷ lệ rừng bị phá cao nhất thế giới, trong khi Trung Quốc và Mỹ là hai nước đứng đầu về thải khí gây hiệu ứng nhà kính.


Công ty đồ bản Maplecroft vừa công bố kết quả nghiên cứu về sự thay đổi độ che phủ rừng tổng thể, rừng nguyên sinh và rừng tái tạo, dựa trên cơ sở các dữ liệu mới nhất trong giai đoạn 2005-2010 của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), theo đó, trong tổng số 180 nước được khảo sát, Nigiêria, Inđônêxia và CHDCND Triều Tiên có tỷ lệ rừng bị phá cao nhất thế giới, trong khi Trung Quốc và Mỹ là hai nước đứng đầu về thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố chủ yếu khiến tình trạng phá rừng gia tăng như nhu cầu lương thực và nhiên liệu sinh học tăng cao, gia tăng dân số, nghèo đói và tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhà phân tích Arianna Granziera của Maplecroft nhấn mạnh nạn phá rừng cũng cản trở các nỗ lực của mỗi quốc gia trong giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), trong khi rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Phá rừng là phá vỡ chu kỳ “làm lá phổi xanh” của rừng và chịu trách nhiệm ít nhất 10% lượng khí ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính hàng năm của nhân loại.

Chuyên gia cho biết, Maplecroft đã xếp hạng các nước theo chỉ số rủi ro, được xây dựng trên nhiều tiêu chí, trong đó có mức độ phá rừng, lượng khí thải … Những nước xếp ở vị trí càng cao trong danh sách càng có nguy cơ cao hơn mất đi các loài động, thực vật giúp cung cấp không khí sạch từ rừng, lưu vực cho các con sông, rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển, và nhiều lợi ích khác có thể góp phần củng cố nền kinh tế.

Theo xếp hạng, Braxin ở vị trí thứ tám, Ôxtrâylia thứ mười, đều thuộc nhóm nước có nguy cơ cao, trong khi Ấn Độ, Việt Nam và Tây Ban Nha nằm phía dưới bảng và cùng thuộc nhóm có rủi ro thấp. Inđônêxia mất khoảng 1 triệu ha (2,5 triệu mẫu Anh) rừng/năm - một diện tích lớn gấp khoảng 13 lần Xingapo, trong đó 16% là để trồng cây cọ dầu. Con số tương ứng của Nigiêria là trên 2 triệu ha/năm, chủ yếu do mở rộng sản xuất nông nghiệp, khai thác gỗ và phát triển cơ sở hạ tầng. Tình trạng phá rừng của Braxin tuy được cải thiện, song diện tích rừng bị phá vẫn còn tới 2,2 triệu ha/năm trong giai đoạn 2005-2010.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù Trung Quốc được đánh giá cao về những nỗ lực và kết quả bảo vệ rừng, song chính nhu cầu gỗ gia tăng của nước này là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tình trạng chặt phá rừng ở nhiều nước khác cũng như buôn bán gỗ bất hợp pháp trên thế giới.


Việt Tú (P/V TTXVN tại Giacácta)