12:08 26/12/2013

Những nữ lãnh đạo nổi dậy danh tiếng (Tiếp theo và hết)

Toypurina


Toypurina là một nữ dược sĩ da đỏ chống lại cuộc thực dân hóa Tây Ban Nha các vùng đất bộ lạc của thổ dân châu Mỹ. Năm 1771, khi người Tây Ban Nha xuất hiện lần đầu tiên, Toypurina là một cô bé 10 tuổi chứng kiến sự chịu đựng của người dân Kizh dưới bàn tay những kẻ xâm chiếm nước ngoài. Chẳng hạn, sau khi những kẻ thực dân chiếm đất để xây nhà truyền giáo San Gabriel Arcangel, vợ của một tù trưởng đã bị các binh sĩ truyền giáo hãm hiếp. Khi tù trưởng phản đối, ông đã bị giết để làm gương.

 

Nhà truyền giáo San Gabriel.


Sau khi nhà truyền giáo được hoàn thành, Toypurina chứng kiến 1.000 thổ dân bị lùa vào mua chuộc và cải sang Thiên Chúa giáo. Họ bị giới hạn trong nhà truyền giáo và thường bị buộc trở thành nông dân.


Khi Toypurina lớn lên, bà trở thành một dược sĩ và pháp sư có tầm ảnh hưởng. Năm 1785, một thành viên bản địa của nhà truyền giáo, Nicolas Jose, đã liên hệ với Toypurina. Jose tức giận vì lệnh cấm điệu nhảy truyền thống. Cùng nhau, họ âm mưu một cuộc nổi dậy chống lại người Tây Ban Nha. Gia nhập với họ là anh em trai của Toypurina, một tù trưởng Kizh, và binh sĩ từ 8 ngôi làng mà bà đã thuyết phục họ cùng đứng lên.


Để có thể chống lại súng hỏa mai và pháo của quân địch, Toypurina dự định giết nhà lãnh đạo của Giáo hội Tây Ban Nha bằng ma thuật, cho phép binh sĩ bản địa dễ dàng vượt qua lực lượng phòng thủ. Leo tường với hàng tá binh sĩ trong một đêm không trăng, nhóm đột kích vội vàng tiến tới phòng của các vị linh mục. Có hai người đã nằm bất động trên sàn, tức là ma thuật của vị pháp sư đã có hiệu quả. Bất ngờ, hai cái xác tỉnh dậy, hai vị linh mục đã chết hóa ra là lính Tây Ban Nha ngụy trang, rồi họ hét to gọi cứu viện. Trong vài giây, những người da đỏ đã bị bao vây.


Người Tây Ban Nha đã biết về cuộc đột kích và ma thuật hóa ra không có tác dụng gì. Hai tháng sau, khi những người lãnh đạo nổi dậy bị xét xử, họ đã phản bội Toypurina, nói rằng bà là một mụ phù thủ đã kiểm soát họ. Toypurina đã tận dụng vụ xét xử để nói với người dân hãy chiến đấu chống lại người da trắng xâm chiếm đất đai và phá hoại truyền thống của họ, và đừng sợ những cây gậy biết phóng lửa của Tây Ban Nha. Toypurina bị lưu đày và buộc phải rửa tội trong một nhà truyền giáo, nơi bà sống đến cuối đời.


Margarita Neri


Cuộc cách mạng Mexico diễn ra vào ngày 20/11/1910, và tiếp diễn trong hơn 10 năm sau. Đó là một nỗ lực của những người cách mạng muốn lật đổ nhà độc tài Porfirio Diaz Mori và ban hành một hiến pháp, để giúp bảo đảm một cuộc sống công bằng hơn cho tầng lớp nông dân. Cuộc xung đột đầy đẫm máu này đã dẫn đến cái chết của khoảng 900.000 người. Số người chết khổng lồ như thế có nghĩa là cả hai bên sẵn sàng đưa cả trẻ em lẫn phụ nữ vào cuộc chiến.

 

Những nữ soldaderas của Neri.


Một đội quân 5.369 nhà cách mạng bao gồm 1.256 phụ nữ và 554 trẻ em. Trong khi trẻ em chủ yếu đi cắt cỏ và nấu ăn, phụ nữ thường được vũ trang và chiến đấu bên cạnh đàn ông. Bất chất thường xuyên gặp khó khăn về bất bình đẳng và thành kiến về giới tính, phụ nữ vẫn sẵn sàng đóng một vai trò lớn, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Mori. Những nữ binh sĩ được phe cách mạng đưa vào chiến trận như vậy được gọi là soldaderas.


Có lẽ soldaderas nổi tiếng nhất là Margarita Neri, người không chỉ chiến đấu mà còn đóng vai trò là một nhà chỉ huy. Là một người Maya có gốc gác Hà Lan đến từ Quintana Roo, từ năm 1900, bà đã lãnh đạo một lực lượng hơn 1.000 người quét qua Tabasco và Chiapas. Neri rất thành công trong việc hành quyết các đội quân chống cách mạng đến mức Thống đốc của Guerrero đã phải trốn trong một cái thùng và bỏ chạy khỏi thị trấn khi nghe thấy quân của bà đang tới gần. Việc Neri có chiến đấu trực tiếp hay không cho cách mạng hay đơn vị của bà hoạt động độc lập vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là bà và binh sĩ của mình đã là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền. Neri đã thề sẽ tự mình chặt đầu Diaz Mori.

Không phải cái tên nào trong số những nhân vật này cũng đạt được thành công. Nhiều người đã phải trả giá bằng sinh mạng và hàng chục năm quý báu của cuộc đời người phụ nữ. Thế nhưng chắc chắn người đời sau vẫn nhớ đến họ với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp độc lập, giải phóng con người, cải cách xã hội hay quyền lợi của nữ giới.


Trần Anh