12:08 25/12/2013

Những nữ lãnh đạo nổi dậy danh tiếng (tiếp theo)

Leymah Gbowee


Leymah Gbowee, cùng với phụ nữ ở Liberia, đã tổ chức thành công một phong trào hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến đã làm thiệt mạng hơn 250.000 trong 14 năm. Tổng thống Charles Taylor lên nắm quyền sau một cuộc cách mạng đẫm máu diễn ra từ năm 1980 đến 1995. Không lâu sau khi đắc cử, Taylor bắt đầu ủng hộ việc giết chóc sắc tộc và tham ô. Điều này đã dẫn tới mâu thuẫn sâu sắc hơn nữa ở đất nước này, gây ra cuộc nội chiến Liberia thứ 2 bắt đầu vào năm 1999, một cuộc chiến tàn khốc với những binh sĩ trẻ em.

 

Leymah Gbowee.


Sinh năm 1972 tại miền trung Liberia, Laymah nhanh chóng bị cuốn vào các cuộc bạo lực đã chia rẽ đất nước. Bà được đào tạo làm một nhà tư vấn tâm lý cho các cô gái và phụ nữ bị quân lính cưỡng hiếp. Năm 2002, Laymah tổ chức phong trào Hành động tập thể vì hòa bình của phụ nữ Liberia. Họ đã tập hợp phụ nữ từ nhiều hoàn cảnh khác nhau để cầu nguyện, hát ở nơi công cộng và đòi hòa bình. Biểu tình ngồi, nhịn ăn hoặc đe dọa “bãi công tình dục”, những phụ nữ này mạo hiểm cuộc sống của họ, phản kháng ở thủ đô để đòi Taylor làm gì đó nhằm chấm dứt cuộc xung đột.


Sau sức ép từ phụ nữ trong nước và sự lên án của quốc tế, vị tổng thống tàn bạo cuối cùng đã chịu lắng nghe và bay tới nước Ghana trung lập để đàm phán hòa bình. Những người phụ nữ đi theo ông tới Ghana để tiếp tục những nỗ lực của họ. Bạo lực chấm dứt năm 2003, Taylor bị buộc phải từ chức và ngồi tù vì tội ác chống lại loài người. Cuộc bầu cử dân chủ năm 2005 chứng kiến bà Ellen Johnson Sirleaf được nhân dân bầu làm nữ tổng thống đầu tiên ở một đất nước châu Phi.


Laymah Gbowee đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2011.


Nữ bá tước Emilia Plater


Nữ bá tước Emilia Plater là con gái của những người Ba Lan yêu nước, lớn lên trong bối cảnh người Nga đang cai trị phần lớn Ba Lan. Sinh ra ở Wilno ngày 13/11/1806, cha mẹ của Emilia chia tay khi bà còn nhỏ tuổi. Bà học cách chiến đấu từ người anh họ và trở thành một võ sĩ đấu kiếm giỏi. Năm 1831, tin tức về cuộc Khởi nghĩa Warsaw vào tháng 2/1830 đã tới Wilno. Những người Ba Lan yêu nước ở Wilno bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc nổi dậy của riêng mình, nhưng không cho phép Emilia tham gia các cuộc họp vì bà là nữ giới.

 

Emilia Plater chỉ đạo binh sĩ.


Plater cắt tóc ngắn và chuẩn bị một bộ đồng phục để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng. Bà đã tự bắt tay vào việc và gây dựng một đội ngũ gồm 500 chiến binh Lithuania. Ngày 30/3/1831, quân của bà đã giao chiến với đội tuần tra của Nga. Sau đó, ngày 2/4, bà đã buộc một sư đoàn bộ binh Nga phải rút lui.


Trong chiến công lớn nhất của mình, Emilia và đội quân của bà đã chiếm thị trấn Jeziorosy. Sau đó, bà kết hợp cùng đội quân cách mạng của Karol Zaluski và đã chứng tỏ được khả năng của mình tại các trận Kowno và Szawle, được thăng hàm đại úy trên chiến trường. Ngày 23/12/1831, nữ bá tước Emilia qua đời sau khi bị thương nặng trong một cuộc nổi dậy bất thành.


Nanny của người Maroon


Nanny, được in hình trên tờ 500 đôla của Jamaica, là lãnh đạo của một nhóm nô lệ nổi dậy chống lại ách thống trị của Anh. Nanny sinh ra trong kiếp nô lệ vào khoảng những năm 1680 và được cho là mang trong mình dòng máu hoàng gia. Vào một thời điểm chưa được xác định, bà đã dẫn đầu một nhóm nô lệ vào vùng núi sâu trong đảo và thành lập một cộng đồng nô lệ, tự gọi mình là Maroon. Thị trấn Nanny, thành lập năm 1723, là thị trấn đầu tiên và lớn nhất của các cộng đồng này. Từ đây, Nanny đã có thể lãnh đạo các cuộc đột kích nhằm giành lấy tự do cho người nô lệ.

 

Chân dung Nanny.


Cuộc cách mạng của bà nhanh chóng thu hút sự chú ý của người Anh. Một loạt chiến dịch chống lại người Maroon đã được khởi động, và Nanny đã chỉ huy người của bà thực hiện một chiến dịch phòng ngự kiểu du kích. Để khai thác tính dễ phòng thủ của đảo Jamaica, Nanny đảm bảo chắc chắn rằng nhà của người Maroon phải được xây trên núi cao. Thông thường chỉ có một con đường để tới đó, có nghĩa là binh lính Anh dễ dàng bị một nhóm nhỏ người Maroon, những người đã được Nanny dạy nghệ thuật ngụy trang, chặn đánh.


Bản thân thị trấn Nanny đã bị tấn công nhiều lần vào các năm 1730 - 1734. Một cuộc công kích của Anh năm 1734 đã thành công khi chiếm được khu vực này, buộc Nanny và người của bà phải bỏ chạy và lập một căn cứ mới. Mặc dù Nanny và người của bà phải đối mặt với các cuộc tấn công và nạn đói ăn thường xuyên, họ vẫn đoàn kết chống lại ách cai trị của Anh. Từ năm 1739 - 1740, người Anh đã ký kết hiệp ước hòa bình với người Maroon, cho họ 500 dặm đất đai. Nanny, một người anh hùng Jamaica, được ca ngợi đã bảo tồn văn hóa và sự tự do của người dân nước mình và trở thành một biểu tượng cuộc chiến chống ách nô lệ.(Còn nữa)


Trần Anh