12:10 02/12/2011

Những nỗ lực cứu vãn

Đây đó, lực lượng kiểm lâm đã triển khai các chương trình bảo tồn một số loài bị cảnh báo tuyệt chủng. Những cố gắng đó đang cần được tiếp sức.

Đây đó, lực lượng kiểm lâm đã triển khai các chương trình bảo tồn một số loài bị cảnh báo tuyệt chủng. Những cố gắng đó đang cần được tiếp sức.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, nghiên cứu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho thấy kết quả ở khu vực này có khoảng 20 cá thể voọc đen má trắng - loài linh trưởng cỡ lớn được xếp loại nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam. Để bảo tồn các loài động vật hoang dã, trong đó có loài này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng. Qua tuần tra khu vực đã xác định sự phân bố của loài voọc đen má trắng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng. “Không còn các tụ điểm về buôn bán vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực”, ông Phạm Anh Tuấn - cán bộ kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên khẳng định.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng tăng cường truyền thông cho người dân sống trong và ven khu bảo tồn thiên nhiên. Năm 2010, chi cục đã mở 10 lớp tuyên truyền cho 10 xóm tại 5 xã trọng điểm. Cán bộ của khu bảo tồn còn lồng ghép tuyên truyền tại 41 xóm của 6 xã và 1 thị trấn trên địa bàn khu bảo tồn. Việc kiểm soát các hoạt động săn bắn cũng được lực lượng kiểm lâm Thái Nguyên phối hợp với công an, quân đội, trong đó có thu hồi súng săn tại các khu vực rừng, đặc biệt là khu vực có phát hiện sự sống của voọc đen má trắng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết đang xúc tiến mời gọi các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đầu tư các dự án bảo tồn cho Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng và phối hợp với Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu về các tài nguyên động thực vật rừng của khu bảo tồn.

Còn ở Đồng Nai, để bảo tồn voi trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này và các chủ rừng đã phối hợp nhiều biện pháp để bảo vệ đàn voi, và giảm tình trạng xung đột giữa voi với người.

Hiện nay, Kiểm lâm Đồng Nai đang triển khai kế hoạch bổ sung thức ăn cho voi, xây dựng biển báo tại những nơi voi thường xuất hiện, tuyên truyền, tăng cường kiểm tra giám sát bảo vệ đàn voi. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm tỉnh này đã thành lập đội phản ứng nhanh để giải quyết các tình huống nóng. Trước tình hình xung đột ngày càng phức tạp, đội phản ứng nhanh đã hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh xung đột, xua đuổi voi, giúp người dân khắc phục hậu quả.

Để hiệu quả hơn, Kiểm lâm Đồng Nai đề xuất Dự án bảo tồn voi khẩn cấp nhằm giải quyết xung đột voi - người, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời bảo vệ được số lượng voi hiện còn. Dự án này sẽ thực hiện nhóm giải pháp: Nghiên cứu cơ bản; giám sát; cải thiện điều kiện sống, nghiên cứu bổ sung thức ăn, nước, muối khoáng; bảo vệ và cải tạo sinh cảnh, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; nâng cao năng lực cán bộ; liên kết hợp tác quốc tế để bảo tồn quần thể voi sống trong điều kiện hoang dã...

Những chương trình đó cho thấy ít nhiều cố gắng của ngành kiểm lâm trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thú quý cho đa dạng sinh học của nước ta. Tuy nhiên, những cố gắng đó đang cần được tiếp sức. Theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu được các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đầu tư, hỗ trợ, tin chắc rằng việc bảo tồn các loài động vật rừng nói chung sẽ bền vững.