11:11 19/11/2019

Những nhà giáo truyền cảm hứng cho học sinh bằng 'lửa' nghề

"Nếu cứ vững một tâm trong sáng, đầy tâm huyết với nghề thì vẫn nhận được tình yêu và sự kính trọng của nghề", nhà giáo Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy Văn trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP Hồ Chí Minh) khẳng định.

Cô giáo “dụ” học sinh đọc sách bằng trà sữa, bánh tráng trộn

Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thu Hà nhìn thấy các học trò của mình ngày càng “chúi đầu” vào các thiết bị điện tử, các trang mạng xã hội mà quên đi thói quen đọc sách. Trong một lần làm khảo sát về thói quen đọc sách của học sinh, khi được hỏi: “Bạn nào đọc một ngày 5 trang sách” thì cô chỉ nhận được 3 cánh tay đưa lên trong một lớp hơn 40 học sinh. Tiếp tục với câu hỏi: “Bạn nào đọc 10 trang sách mỗi ngày” thì duy nhất chỉ có một cánh tay được đưa lên.

Chú thích ảnh
Cô Hà luôn tìm nhiều cách để kích thích học sinh của mình đọc nhiều hơn và yêu sách hơn.

Với trăn trở làm sao để học sinh của mình thích đọc sách, có thói quen tìm đến một quyển sách và yêu sách, xem sách như một món ăn tinh thần cần thiết, cô Nguyễn Thu Hà đã mở một quán cà phê sách nho nhỏ tại nhà với rất nhiều thể loại sách, từ truyện tranh, hạt giống tâm hồn cho đến những tác phẩm văn học kinh điển... Để học sinh đến đọc sách, cô Hà đã “dụ” học sinh của mình bằng "giải thưởng": Khi mỗi em đọc và tóm tắt được một quyển sách, cô sẽ thưởng miễn phí một ly thức uống tự chọn của quán.

Những ngày đầu đến cà phê sách là để uống nước, nhưng về sau. học sinh của cô đến là để được đọc sách, để chia sẻ với nhau về nội dung và ý nghĩa của cuốn sách. Hạnh phúc khi nói về việc làm của mình đã góp phần tạo động lực để học sinh say mê độc sách, cô Hà chia sẻ: “Lúc đầu các em đến với cà phê sách của tôi chỉ là được uống nước miễn phí, chỉ cần cố đọc xong một quyển sách, nhưng về sau dần dần các em thấy “nghiện” nơi đây, “nghiện” đọc sách và các em đã chủ động tìm những quyển sách đem đến góp vào thư viện nho nhỏ của tôi".

Không ít lần những quyển sách để trong quán cà phê của cô bị “lấy trộm”, nhưng cô lại không thấy tiếc, hay phải “truy tìm” người lấy trộm sách để mang trả lại, mà cô còn cảm thấy vui hơn, bởi cô tâm niệm rằng, những người “trộm sách” vì họ rất thích quyển sách đó chứ không phải vì họ tham. “Cuốn sách đó không ở chỗ này thì có thể ở chỗ khác, miễn sao người lấy sách quý và trân trọng quyển sách đó như tôi quý và trân trọng”, cô Hà tâm sự.

Từ thành công của quán cà phê sách được mở tại nhà đã tạo thói quen đọc sách cho học trò, tiếp theo đó là những “trà sữa sách”, “bánh tráng trộn sách”, “tủ sách trong lớp”, cô đã tổ chức cho các học sinh ở lớp, ở sân trường trong giờ ra chơi. Trong những giờ lên lớp, cô Hà cũng luôn nhắn nhủ với học sinh của mình rằng: “Đọc chính là học, hãy đọc mỗi ngày và mỗi giờ”.

"Nếu cứ vững một tâm trong sáng, đầy tâm huyết với nghề thì vẫn nhận được tình yêu và sự kính trọng của nghề, cho nên không lấy một cái chuẩn nào cho một thời đại nào. Vấn đề chính vẫn là người thầy khi đứng lớp cũng cần đầu tư chuyên môn cần thiết để phù hợp với sự thay đổi của thời đại", cô Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Người thầy làm học sinh “mê” môn Lịch sử

Nhận thấy học sinh “ngán ngẩm” khi phải học môn Lịch sử và đa số học sinh cho rằng đây là môn học phụ, chỉ đơn thuần thầy đọc trò chép, một môn học khô khan... nên trong suốt 30 năm làm giáo viên dạy môn Lịch sử, thầy Tôn Thất Minh - giáo viên trường THCS Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã luôn tìm kiếm phương pháp để học sinh yêu mến môn Lịch sử nhiều hơn. Bởi theo thầy Minh, giảng dạy lịch sử, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn giáo dục các giá trị truyền thống cho các em thêm yêu, tự hào về truyền thống dân tộc, quê hương đất nước và qua đó rút ra những bài học vận dụng vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Hơn 30 năm đứng lớp giảng dạy, thầy Minh luôn truyền “lửa” để học sinh yêu quý môn Lịch sử.

Để giờ dạy của mình thêm sinh động, thầy Tôn Thất Minh cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin… thông qua hình thức học theo nhóm, thuyết trình và trao đổi kiến thức trên lớp, qua đó cũng rèn luyện cho các em thêm nhiều kỹ năng. Thầy Minh chia sẻ: “Để không khí tiết học nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, trong mỗi giờ lên lớp, tôi đều kể cho học sinh nghe những câu chuyện về lịch sử mà tôi tích lũy tìm đọc từ sách báo, tư liệu cũ, giới thiệu cho các em những hình ảnh tư liệu mà mình thu thập được…”.

Bên cạnh đó, thầy Minh còn đề xuất nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học ngoài nhà trường, đến thăm các địa điểm lịch sử, văn hóa để các em tìm hiểu. Thầy còn cùng giáo viên bộ môn Lịch sử cùng xây dựng các bảng thông tin về các nhân vật, sự kiện lịch sử đặt khắp sân trường, để các em học sinh có thể tiếp cận mọi lúc, cả khi ra chơi.

“Để học sinh đam mê lịch sử, trước tiên giáo viên phải có lòng nhiệt huyết với lịch sử. Chủ động đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu đặt ra với mỗi giáo viên, tuy nhiên điều cần thiết là phải đổi mới việc dạy và học bộ môn này một cách đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, cách đánh giá...”, thầy Tôn Thất Minh tâm tư.

Với lối sống giản dị, gương mẫu, tận tụy với nghề trong suốt gần 30 năm, thầy Tôn Thất Minh luôn được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh yêu quý và kính trọng. Cùng với tinh thần không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Tôn Thất Minh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và giải thưởng của Thành phố trao tặng, như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Người tuyên truyền pháp luật Giỏi cấp Thành phố 2018"... Không những thế, từ năm 2010 đến nay, thầy còn là giáo viên mạng lưới bộ môn Lịch sử của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức