09:21 30/09/2015

Những người ươm hạt mầm tri thức vùng cao

Rất nhiều tấm gương sáng đã được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945-2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 6. Trong đó, đa phần là những thầy giáo, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo đang ngày đêm âm thầm truyền lửa, gieo khát vọng cho trẻ em nghèo bằng tri thức.

Thầy giáo mang quân hàm xanh

Tén Tần là một xã vùng cao biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, chiếm 94% và 1 bản dân tộc Khơ Mú. Đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao, (chiếm trên 34%), trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán còn lạc hậu. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo đến vấn đề học tập chưa được chú trọng, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ còn cao, nhất là đối với phụ nữ. 



Nhận thấy tình trạng mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn lớn, đối tượng mù chữ và tái mù chữ chủ yếu là phụ nữ, tập trung ở độ tuổi từ 30 đến 45, Thiếu uý Nguyễn Sỹ Tiến của Đồn Biên phòng Tén Tần đã báo cáo với Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn để bàn biện pháp tổ chức các lớp xóa mù chữ cho chị em ở các thôn, bản. Anh đã trực tiếp đến từng gia đình để khảo sát, phân loại, từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy xóa mù chữ ngay tại thôn, bản. Từ năm 2012 đến nay, anh đã trực tiếp mở và giảng dạy được 3 lớp với 176 học viên, trong đó chủ yếu là hội viên trong các chi hội phụ nữ. Từ lớp học của Thiếu uý Tiến, phong trào học tập đã lan ra toàn xã, thu hút đông đảo người dân quan tâm tham gia. Nhờ đó, từ chỗ là một xã có học sinh đến tuổi mà không đến trường chiếm tỷ lệ cao và học sinh bỏ học nhiều, thì đến nay tình trạng trên đã được chấm dứt.

Tấm lòng cô giáo trẻ người dân tộc Lô Lô

Cô giáo Lò Thị Dinh, người dân tộc Lô Lô, đến từ huyện vùng cao phía Bắc của Tổ quốc, giáo viên trường mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tâm sự: Từ tuổi mẫu giáo, Dinh đã thấm thía cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông vùng cao qua đôi chân trần và chiếc áo mỏng đến trường. Cũng từ đó, ước mơ trở thành cô giáo để thoát khỏi đói nghèo và giúp đỡ những trẻ em nghèo khó như mình ngày càng cháy bỏng và mãnh liệt.


Lò Thị Dinh kể: Gia đình Dinh rất nghèo lại, đông con, miếng ăn còn khó khăn, huống chi lo cho đi học. Từ năm lớp 3, Dinh đã phải dậy từ sớm để ra chợ bán cơm. Quãng đời sinh viên tại trường cao đẳng sư phạm tỉnh của cô gái người dân tộc Lô Lô cũng rất vất vả, khi hàng ngày phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng làm vệ sinh trường lớp và dạy thêm để có tiền ăn học. “Bởi vậy, khi chính thức biết quyết định trúng tuyển giáo viên mầm non, tôi đã khóc ngay trước thềm ủy ban xã”, Dinh nghẹn ngào kể lại.

Dạy trẻ mầm non vốn đã khó, nhưng với trẻ em dân tộc lại càng khó bội phần. Các em đều con nhà nghèo, tiếng Việt rất kém, hạn chế về nhận thức, đường đến trường lại xa xôi, cách trở. Vì vậy, để dạy dỗ các em, đòi hỏi không chỉ là chuyên môn, mà trên hết là tình cảm thương yêu thực sự của các giáo viên. Dinh kể: Để trẻ thực sự thích đến trường, giáo viên phải hàng ngày, hàng giờ tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tuyên dương các con kịp thời và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện. Khi các con ngủ trưa, các giáo viên lại tranh thủ làm đồ dùng dạy học; nhiều khi trả trẻ về hết, các cô vẫn cặm cụi với hoa giấy, đồ chơi để ngày mai các con có thêm niềm vui mới. Vào mỗi dịp nghỉ hè, các thầy cô còn xây dựng những lớp bồi dưỡng năng khiếu tình nguyện, để học sinh có thêm sân chơi, với mong muốn các con bớt đi thiệt thòi vì không có điều kiện như trẻ thành phố.
Việt Hà, Ảnh: Quý Trung - TTXVN