09:06 20/09/2012

Những người tự quản rạn san hô Hòn Đỏ

Được thành lập từ tháng 8/2003, Đội bảo vệ tự quản rạn san hô Hòn Đỏ (bãi biển thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) ngày đêm thay phiên nhau canh gác bãi rạn san hô.

Được thành lập từ tháng 8/2003, Đội bảo vệ tự quản rạn san hô Hòn Đỏ (bãi biển thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) ngày đêm thay phiên nhau canh gác bãi rạn san hô.

 

Người dân thôn Mỹ Hiệp bảo vệ san hô.

 

Họ là những ngư dân địa phương đã qua cái tuổi 50 nhưng vẫn đầy nhiệt huyết tình nguyện tham gia vào đội bảo vệ tự quản với tinh thần, trách nhiệm của những người đi trước vì thế hệ trẻ mai sau, đặc biệt là bảo vệ những rạn san hô đẹp tuyệt đang ngự trị trên vùng biển mà họ sinh sống.


Ngư dân Diệp Nghĩa Hùng, Đội trưởng của Đội bảo vệ tự quản Hòn Đỏ cho biết, bãi rạn san hô Hòn Đỏ rộng hàng trăm ha, nhưng khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 18 ha. Đội có 6 người chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm thay phiên nhau trực một tuần. Nhiệm vụ của các thành viên trong đội là ngày đêm canh gác, tuần tra kiểm soát không cho người dân ra khai thác san hô, không cho tàu, thuyền neo đậu trên san hô, thả lưới hay dùng chất nổ đánh bắt hải sản xung quanh khu vực bãi san hô.

 

 

Khi phát hiện có thuyền lạ vào rạn, đội bảo vệ sẽ phất cờ hiệu và đèn ra lệnh cấm vào neo đậu. Nếu có bất cứ tình huống nào xảy ra, đội sẽ liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý. “Trước đây, việc bảo vệ rạn san hô có nhiều khó khăn do gặp phải sự phản đối của người dân. Người dân chỉ biết việc này ảnh hưởng đến chuyện cơm áo của họ chứ chưa hiểu được việc làm của mình là sai trái. Các thành viên trong đội đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc bảo vệ san hô. Mưa dầm thấm lâu, giờ thì người dân không chỉ hiểu mà còn ủng hộ và phối hợp với chúng tôi kịp thời ngăn chặn, xử lý các tường hợp vi phạm các qui định về bảo vệ san hô. Chính vì vậy, rạn san hô Hòn Đỏ giờ đây được bảo vệ rất tốt, tình trạng khai thác san hô không còn xảy ra” - Đội trưởng Hùng nói.


Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, ông Lê Thành Nhựt cho biết, trước đây người dân thường lén lút khai thác san hô để bán cho các thương nhân phục vụ nhu cầu làm cảnh và xây dựng hòn non bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đó đã làm cho các loài hải sản quý như tôm hùm, cá, mực không có nơi trú ngụ phải di dời đến nơi khác, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của những người dân sống dựa vào vùng biển này. Từ khi Đội bảo vệ tự quản rạn san hô Hòn Đỏ được thành lập đến nay, tình trạng khai thác san hô không còn nữa, rạn san hô dần được phục hồi, các loài hải sản quý cũng đã dồi dào, phong phú hơn. Đời sống của người dân vùng biển cũng đỡ vất vả hơn nhờ khai thác con giống ven bờ.


Khi được hỏi về chế độ hỗ trợ, ông Hùng xua tay nói: “Chúng tôi làm tình nguyện mà! Trước đây, khi mới thành lập đội, mỗi người được cơ quan chức năng cấp phụ cấp sinh hoạt 200.000 đồng/tháng, giờ thì không còn phụ cấp nhưng chúng tôi vẫn làm, không hề nản chí”. Vì canh gác suốt ngày đêm nên các thành viên trong đội phải tự mang gạo và thức ăn ra trạm nấu cơm. Thế nên, các thành viên trong đội đã quá quen với cái câu “vác tù và hàng tổng” mà nhiều người vẫn nói, nhưng điều đó không làm lung lay tinh thần của các thành viên trong đội. “Bãi rạn san hô là nơi sinh sống của các loài hải sản quý, vì vậy chúng tôi phải canh gác bảo vệ san hô”, ông Hùng chia sẻ.


Việc khai thác trái phép san hô ở Hòn Đỏ hiện không còn, nhưng những “người lính không quân hàm” này vẫn âm thầm, lặng lẽ bảo vệ chốn đi về của cá tôm, bảo vệ vốn quý của địa phương mình.

 


Bài và ảnh: Đức Ánh