06:07 20/06/2020

Những người trở thành 'phóng viên' giữa ổ dịch

Khi bệnh viện trong trạng thái “nội bất xuất ngoại bất nhập” do phong toả vì xuất hiện ổ dịch COVID-19, cán bộ của Phòng Công tác xã hội (bệnh viện Bạch Mai) đã trở thành những “phóng viên” thực thụ, ngày đêm cung cấp cho những người làm báo những hình ảnh, thông tin chân thực, chất lượng.

Chú thích ảnh
Các "phóng viên bệnh viện" đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian phong toả vì dịch COVID-19.

Những dòng tin nhanh, liên tục, chất lượng 

Với những nhân viên Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai), quãng thời gian bệnh viện bị phong toả phòng dịch COVID-19 không chỉ như một dấu ấn lịch sử của bệnh viện, mà thực sự là những ngày tháng vô cùng gian nan, vừa phải cách ly, vừa lo nhiễm bệnh lại làm thay công việc của phóng viên. Khi Bệnh viện Bạch Mai bỗng trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do xuất hiện ổ dịch COVID-19, những cái tên Mai Thanh, Đỗ Hằng… đã thực sự là những phóng viên “chiến trường” ngay tại chỗ.

Những dòng tin nóng hổi về bệnh viện trong dịch bệnh được cập nhật không ngừng, những ca bệnh đặc biệt, công tác điều trị cũng đều đặn “lên sóng”, cung cấp cho các báo, đài giúp người dân yên tâm hơn, tin tưởng vào bệnh viện tuyến đầu của cả nước. Họ được anh chị em phóng viên theo dõi mảng y tế gọi một cách thân thương bằng cái tên “phóng viên bệnh viện”.

Quãng thời gian ấy, chưa bao giờ giới báo chí lại mong thông tin từ các “phóng viên bệnh viện” như thế. Nhóm chat trao đổi thông tin giữa bệnh viện và phóng viên liên tục “nóng” lên. Có những ngày đã gần về đêm, các “phóng viên bệnh viện” vẫn miệt mài viết và update thông tin.

Theo sát hoạt động của từng khoa, nắm từng hoàn cảnh, số phận bệnh nhân ở giữa nơi phong toả, thông tin về hoạt động chung của bệnh viện và các ca bệnh nguy kịch với những giờ phút căng thẳng giành sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, những giây phút chào đón những thiên thần nhỏ ở nơi cách ly, hay bữa tiệc sinh nhật ấm áp cho bệnh nhi… Những bài viết cung cấp thông tin của họ đã toát lên tinh thần vững vàng của các chiến sĩ áo trắng cùng bệnh nhân trong tâm dịch, là tiền đề cho những bài báo gây tiếng vang của các toà soạn báo.

Có những ngày, đã hơn 23 giờ đêm, chị Mai Thanh vẫn nhắn nhóm phóng viên nội dung bài, ảnh về một câu chuyện cảm động ở khoa Hồi sức tích cực. Đó là bữa tiệc sinh nhật đặc biệt, ấm áp dành cho một bệnh nhi nặng giữa lúc dịch đang nóng nhất, không có người thân bên cạnh vì tất cả đã đi cách ly. Trong điều kiện chẳng thể mua sắm thứ gì từ bên ngoài, các bác sĩ của khoa vẫn lo cho em một buổi tối vui vẻ với bánh kem, hoa và những lời chúc tốt đẹp. Những bức ảnh, những lời chia sẻ trong khoảnh khắc ấy đã được ghi lại cảm động dưới ngòi bút “phóng viên” Mai Thanh và đến tay báo chí để lan toả tới cộng đồng.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp thông tin, cập nhật tình hình trong khu vực cách ly một cách trung thực, kịp thời, để dư luận xã hội yên tâm hơn về bệnh viện tuyến đầu đang vững vàng vượt qua dịch bệnh. Những ngày ở lại bệnh viện cách ly và tham gia làm thông tin, chúng tôi khá áp lực, lo lắng, nhưng chính việc chứng kiến tình cảm mà y bác sĩ, bệnh nhân dành cho nhau trong lúc nguy khốn, sự quan tâm từ bên ngoài dành cho bệnh viện…, chúng tôi được tiếp thêm động lực để vượt qua, cũng như có những góc nhìn hay để truyền tải thông tin ra ngoài”, “phóng viên” Mai Thanh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Đỗ Hằng "tác nghiệp" tại bệnh viện dã chiến thành lập ngay trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai.

Vững vàng trong sóng gió 

Ngày Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả vì dịch COVID-19, chị Đỗ Hằng, nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, quyết định khăn gói vào “định cư” trong bệnh viện cùng các đồng nghiệp.

Theo dõi trang Facebook cá nhân của chị, bạn bè, người thân vẫn thấy một phong thái điềm tĩnh giữa công việc “ngập đầu” và áp lực thông tin lớn. Những chia sẻ nhật ký cách ly cập nhật đều đặn hàng ngày trên facebook và những bài viết về cuộc sống ở trong khu vực phong toả khiến người đọc có cảm giác nơi tâm dịch vẫn an yên trong sóng gió, tinh thần cán bộ, nhân viên của bệnh viện vẫn vững vàng.

Cách “tác nghiệp” trong những ngày cách ly của chị Đỗ Hằng cũng thật đặc biệt, có khi là sáng tinh mơ vừa duy trì chạy bộ, thể dục nâng cao sức khoẻ, chị vừa mang theo điện thoại, giấy bút, và vòng chạy là tới các khoa, phòng, để ghi lại những khoảnh khắc thức dậy của bệnh viện. Mỗi góc ghi nhận đều rất đặc biệt ở nơi cả nước đang hướng về.

Cũng có khi, chị vừa online để giao dịch với các đầu mối ủng hộ vật lực cho bệnh viện, vừa thức đêm chụp ảnh, truyền tin về kíp phẫu thuật ca bệnh đặc biệt…

“Ngày thứ 12 ở nơi cách ly, vào 10 giờ sáng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu A9 tác nghiệp ghi hình về kỳ tích cứu sống sản phụ ngừng tim suốt 2 tiếng, 2 lần cận cửa tử. Đến 18 giờ có mặt tại khu hậu phẫu ghi hình về nhân viên y tế của Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai vượt cạn thành công sau 21 ngày cách ly. Cô bé chào đời trong mùa COVID-19 nên mẹ đã đặt tên cho bé là Hạ Vy với mong muốn sớm hạ gục dịch bệnh khủng khiếp này. 20 giờ, tôi có mặt tại phòng mổ, hỗ trợ kíp truyền hình ghi hình cậu bé chào đời trong niềm vui của kíp mổ. Mẹ bé là bác sĩ tim mạch của bệnh viện. Mãi 22 giờ 30 phút tôi mới kết thúc công việc và lúc bấy giờ mới thấy ngấm đói. Lúc bấy giờ mới có chút thảnh thơi để nhớ nhà, để thoáng buồn vì lệnh phong toả bệnh viện đến tận 24/4, tức là dự kiến vẫn còn 16 ngày nữa tôi mới có thể được về với gia đình...”, chị Đỗ Hằng ghi lại “lịch trình” một ngày làm thông tin trong thời gian cách ly.

Công việc bận rộn là vậy, nhưng không thiếu niềm vui. Với chị Đỗ Hằng và cán bộ nhân viên trong thời điểm ấy, đó là khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tất cả đều thở phào vì đã an toàn. Và ngay khi vừa nhận thông tin cùng với sự mừng rỡ, những “phóng viên bệnh viện” lại vội vàng đi làm thông tin, để kịp thời cung cấp cho các báo. Hay những giây phút chứng kiến các ca bệnh nguy kịch đã vượt qua cửa tử, những ca điều trị thành công ngoài mong đợi… cũng là những niềm vui, niềm an ủi quá lớn.

“Một kỷ niệm rất vui với tôi là sự kiện tối 9/4, tôi nhận nhiệm vụ tác nghiệp ghi lại khoảnh khắc dỡ lệnh phong toả cho kíp nhân viên y tế đầu tiên có liên quan đến BN 86 và 87. Lần đầu tiên sau hơn 10 ngày cách ly, tôi có cơ hội được đứng trên đường tàu nhìn ra đường Giải Phóng. Lúc đó, trong tôi là một thứ cảm xúc khó tả, vẫn con đường đó, mới cách đây hơn chục hôm chỉ là con đường đi về. Vậy mà sao lúc đó, nó trở nên bồi hồi, thân thương đến vậy. Sau 21 giờ, hơn 100 nhân viên y tế với đồ đạc lỉnh kỉnh rời khỏi khu cách ly là toà nhà 9 tầng để lên xe trở về nhà. Nhìn những cánh tay vẫy chào, những giọt nước mắt vui mừng, hẹn một tuần sau sẽ trở lại làm việc cùng đồng đội. Vừa xúc động vừa phải nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc đó, ngồi khẩn trương làm tin mà tôi vẫn còn rưng rưng”, chị Đỗ Hằng kể lại.

May mắn, Bệnh viện Bạch Mai đã kết thúc những ngày cách ly, chiến đấu với dịch bệnh như dự kiến nhờ sự nỗ lực kiểm soát.

Trở về với môi trường bình thường mới, những “phóng viên bệnh viện” lại tiếp tục công việc thường nhật của mình, và còn là cầu nối giữa bệnh nhân và cộng đồng để kêu gọi hỗ trợ những mảnh đời không may mắn đang điều trị tại bệnh viện, hỗ trợ khâu đón tiếp bệnh nhân mỗi ngày… Đặc biệt, họ vẫn duy trì kết nối, làm thông tin về các hoạt động của bệnh viện, thông tin cảnh báo ca bệnh, điều trị người bệnh… đưa những bản tin đa dạng, bổ ích đến báo chí và người dân.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp thông tin, cập nhật tình hình trong khu vực cách ly một cách trung thực, kịp thời, để dư luận xã hội yên tâm hơn về bệnh viện tuyến đầu đang vững vàng vượt qua dịch bệnh", “Phóng viên” Mai Thanh chia sẻ.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức