07:11 25/07/2020

Những người lính Cụ Hồ giữa đời thường

Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đã vượt qua khó khăn, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ; cần cù lao động, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và trở thành những tấm gương “Bộ đội cụ Hồ” gương mẫu, đi đầu.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Trần Văn Bảo ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trong cuộc sống đời thường ở tuổi 80. 

Chúng tôi men theo những con đường ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành – một trong những nơi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được gọi là “vùng căn cứ chữ V” (hay “lõm chữ V”) để gặp ông Trần Văn Bảo (tự Tư Bảo) – nguyên là cán bộ quân y ở “lõm chữ V” trong thời kỳ kháng chiến.

Ông Tư Bảo sinh năm 1941, ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc. Ông Tư kể, năm 1959, ông trở thành y sĩ cứu thương của phòng mổ quân y tỉnh Vĩnh Long, sau đó đảm nhiệm nhiều chức vụ như Trưởng quân y thị xã Vĩnh Long, Phó ban Quân y tỉnh Vĩnh Long...

Tháng 6/1984, ông về hưu tại xã Phú Hựu. Thời điểm đó, ông là thương binh với thương tật 26%. Lúc đó, xã hội còn trong thời kỳ bao cấp, kinh tế gia đình rất chật vật với 8 nhân khẩu, trong đó 4 người con còn nhỏ. Không khuất phục trước cái nghèo, bằng ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, hai vợ chồng người cựu chiến binh bắt tay vào sản xuất nông nghiệp.

Trên mảnh đất còn hoang hóa xứ cù lao, đôi bàn tay chăm sóc thương bệnh binh quen dần với công việc cải tạo những mảnh đất hoang mọc đầy cỏ dại, thay bằng những giống cây mới. Lúc đầu, ông vận dụng chiến thuật “lấy ngắn nuôi dài” trong chiến đấu, trong thời gian 8 tháng chờ thu hoạch ổi xá lị nghệ, ông đã xuống giống các loại hoa màu ngắn ngày, cân đối chi tiêu để tích lũy mua đất mở rộng sản xuất.

Thời gian đó, ông còn “hợp thời” nắm bắt xu hướng thị trường, tiên phong thay đổi từng loại cây trồng phù hợp. Đồng thời, ông tích lũy vốn kiến thức, nắm bắt cách chăm sóc, chọn giống và áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cho từng loại cây ăn trái từ nhãn long, nhãn da bò, nhãn xuồng cơm vàng...  Giờ đây, ở tuổi gần 80, niềm vui lớn nhất của người lính già là đã có trong tay 23.000 m2 đất vườn để giúp 4 người con (trong đó có 3 đảng viên) sinh kế làm ăn…

Đặc biệt, với uy tín của mình, ông Tư còn vận động nhân dân hiến đất làm đường, kéo điện, bắc cầu, xây nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội. Năm 2009, ông được Tỉnh ủy Đồng Tháp biểu dương là cá nhân điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh phục viên trở về và sinh sống tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông đã vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng đất Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, tháng 2/1972, ông Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1955) nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau 7 năm gắn bó với quân ngũ, năm 1977, ông phục viên trở về và sinh sống tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông. Cuộc sống nghèo “không cục đất chọi chim”, khiến gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2006, gia đình ông “nghèo vẫn hoàn nghèo”, dưới mái nhà cất tạm bên bờ sông, ông phải “chạy gạo ăn từng bữa” cho gia đình 5 nhân khẩu.

Vào thời điểm đó, ở tuổi 51, ông vẫn không đầu hàng. Thấy có thương lái bắt đầu mua lục bình khô nên ông và người con trai chèo xuồng xuống tận Cần Thơ để cắt. Ông Hạnh nói, có tuổi nhưng đôi tay và sức khỏe vẫn còn nên vẫn cố gắng làm để vươn lên, không thể trông chờ vào sự cưu mang của xã hội. Nghĩ vậy, cuộc bôn ba “lấy công làm lời” của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh rong ruổi dọc theo các bờ sông cắt từng cọng lục bình trôi nổi.

Mỗi hành trình, người lính chiến đấu với chính mình để đủ chỉ tiêu “1 ngày 1 đêm” có 3 tấn lục bình tươi mang về. Nhận thấy nguồn thu nhập ổn định, ông Hạnh đã chủ động “rủ rê” những đồng chí trong chi hội đi cùng để cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, khi nguồn cung ổn định, ông còn kết nối với các công ty thu mua thành phẩm cho nông dân, giúp cọng lục bình thô trở nên “có giá”.

Minh chứng cho điều này, ông Hạnh nói, hiện tại một ký lục bình khô có giá 15.000 đồng. Tuy nhiên, khi tranh thủ thì giờ rảnh rỗi, bà con đan thành bím theo yêu cầu của công ty như múi xuôi, múi nổi, múi ngang…, giá sẽ được nâng lên rất nhiều. Trung bình, một người có thể thu nhập từ 110.000 – 130.000 đồng/ngày.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh (bên phải) phục viên trở về và sinh sống tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng. 

Ông Lê Văn Tám, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông nhận xét, tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Hạnh đã cho thấy ý chí phấn đấu, sự vươn lên của một người lính Cụ Hồ. Tuy nghèo khó nhưng không đầu hàng trước số phận. Bản thân làm giàu chính đáng còn tạo điều kiện cho các lao động nhàn rỗi, nhất là các hội viên tại địa phương có việc làm, có thu nhập, góp phần ổn định an ninh trật tự.

Từ hộ nghèo, cuộc sống gia đình ông Hạnh đã ổn định, nhà cửa xây dựng khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, nuôi dạy các con nên người. Điều đáng trân quý là ngoài phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, ông Hạnh cũng là người có uy tín tại địa phương, tích cực tham gia hoạt động xã hội; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp hội viên, nhân dân địa phương phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền, ông luôn tiên phong giúp những hội viên khó khăn cho mượn vốn để đầu tư sản xuất, chủ yếu là buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc mua phân bón, vật tư nông nghiệp; ủng hộ xây dựng 7 cây cầu giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành chia sẻ, tính đến tháng 7/2020, toàn huyện có 1.814 hội viên cựu chiến binh, trong đó có 26 hội viên tham gia Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đồng Tháp. Hầu hết các cựu chiến binh khi rời quân ngũ về với đời thường sống bằng nghề nông nhưng điều khó khăn nhất là thiếu vốn và tư liệu sản xuất, thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng trong lao động sản xuất… Đến năm 2014, vẫn còn 118 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo; 116 hội viên vẫn phải sống trong căn nhà xiêu vẹo...

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, điều đáng mừng là trong những năm gần đây, với những hỗ trợ thiết thực và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân, nhiều hội viên đã làm ăn kinh tế có hiệu quả, thoát nghèo và vươn lên khá giả. Theo đó, đến năm 2020, đời sống các cựu chiến binh được nâng lên, không còn cựu chiến binh nghèo, xóa được nhà tạm; đồng thời đã có 1.043 hộ khá giàu, chiếm 57,2%; 756 hộ trung bình chiếm 41,72%; chỉ còn 12 hộ cận nghèo chiếm 0,66% tổng số hộ cựu chiến binh trên địa bàn.

Trong thời gian tới, để giảm nghèo bền vững, Hội Cựu chiến binh huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Mặt khác, Hội thắt chặt liên kết với Ngân hàng Chính sách-Xã hội để tạo điều kiện cho các hội viên được tiếp cận các nguồn vốn. Ngoài ra, Hội tiếp tục vận động các mạnh thường quân, đồng đội làm kinh tế hiệu quả xây dựng nguồn quỹ Hội cho hội viên mượn sản xuất kinh doanh.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)