08:11 20/08/2014

Những người lính bất tử - Kỳ 2: Máu nhuộm đỏ dưới chân cờ Tổ quốc

Dù tổn thất lớn lao và sự hi sinh không gì bù đắp được, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải Quân ngày ấy đã khẳng định một chân lý: Trường Sa là của Việt Nam. Một tấc đảo cũng phải gìn giữ, dù phải hi sinh.

Dù tổn thất lớn lao và sự hi sinh không gì bù đắp được, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải Quân ngày ấy đã khẳng định một chân lý: Trường Sa là của Việt Nam. Một tấc đảo cũng phải gìn giữ, dù phải hi sinh. Bảo vệ biển, đảo là sứ mệnh của những người lính Hải quân dù thời bình hay thời chiến trận.

Tàu HQ -604 trong trận chiến Gạc Ma -1988. Ảnh tư liệu


Hồi ức từ người “giỗ sống”

Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) của Việt Nam, lại tiếp tục dã tâm ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao với mục đích nhằm kiểm soát cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14/3/1988.

“Trước đó, ngày 11/3/1988, chúng tôi xuất phát từ Cam Ranh. Đến chiều tối 13/3, tàu đến sát bãi Gạc Ma. Khi tàu HQ-604 vừa thả neo, phía địch đã cho tàu quần thảo xung quanh, bắc loa kêu gọi tàu ta phải nhổ neo. Trung tá Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (người chỉ huy cao nhất ở khu vực này) kêu gọi anh em bình tĩnh, tổ chức cắm cờ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Nhóm cắm cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương dẫn đầu đã hoàn thành việc cắm cờ ngay trong đêm”, Thiếu tá chuyên nghiệp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, nguyên là chiến sĩ trên tàu HQ-604 trong trận hải chiến Trường Sa 1988- người được coi là sống sót trở về và nhiều lần gia đình tổ chức làm giỗ sống bồi cách đây 26 năm trước bồi hồi kể lại.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 14/3, phía Trung Quốc cho xuồng nhỏ áp sát bãi Gạc Ma, lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ. “Trước tình thế nguy cấp, Trung tá Trần Đức Thông đã ra lệnh anh em bơi vào đảo để hỗ trợ nhóm Thiếu úy Phương giữ cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh và 3 chiến sĩ khác lập tức nhảy khỏi tàu HQ- 604 bơi vào đảo Gạc Ma. Lúc đó có 9 người trên đảo. Anh em cầm tay nhau kết thành vòng tròn bất tử. Phía trước đối mặt với quân thù, sau lưng là cờ Tổ quốc.

“Lúc đó lính Trung Quốc rất đông. Chúng lăm lăm súng AK, dương lên sáng quắc hoăm dọa. Chúng nói tiếng Trung Quốc, dù không hiểu nhưng chúng tôi hiểu chúng muốn hạ cờ. Chúng tôi lúc đó không có vũ khí gì ngoài quốc chim công binh và xà beng đào san hô”, Thiếu tá Lanh nhớ lại.

Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (phải) và đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp


Trong khi hai bên giằng co nhau cắm cờ, một tên lính Trung Quốc bất ngờ nhằm đầu Thiếu úy Phương nổ súng. Anh Phương gục xuống, nhưng rồi anh vẫn cố ngoi lên mặt nước, hai tay giữ chặt lá cờ và hô to “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân anh hùng”.

Một tên lính mặt đen xì Trung Quốc đưa tay định cướp lá cờ, nhanh như cắt, hạ sĩ Lanh gạt tay tên lính, giữ vững lá cờ đứng thẳng trên sóng. Bất ngờ, một tên chỉ huy của địch chĩa súng ngắn vào hạ sĩ Lanh uy hiếp. Không thể nhường nhịn, Lanh rướn người đá bay súng từ tay địch, một cầm cờ một tay cầm xà beng đánh trả. “Lúc đó, một tên địch đằng sau đã đâm lê vào bả vai tôi, sau đó nổ súng bắn thẳng vào người tôi. Tôi thấy vai mình đau nói, máu chảy dài theo cánh tay, chảy  xuống biển”, Thiếu tá Lanh xúc động kể lại.

Khi anh Phương, anh Lanh đổ gục vì loạt đạn của kẻ thù, các đồng đội của anh vẫn tiếp tục giữ cờ Tổ quốc. “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân anh hùng”, câu nói của anh Phương trước lúc hy sinh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. 

Sau trận giáp lá cà, phía Trung Quốc rút quân và cho tàu nã súng đại liên, pháo tầm xa về phía những chiến sĩ giữ cờ trên rạn đá san hô Gạc Ma. Cùng lúc đó, tàu chiến của Trung Quốc dùng pháo bắn dồn dập vào tàu HQ-604, đồng thời Trung Quốc cho các xuồng nhôm chạy quanh tàu HQ-604 chĩa súng vào tàu và đe dọa, uy hiếp, buộc tàu phải rời khỏi khu vực. Ngay sau đó, hàng loạt đạn cối 100 mm từ tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả về phía tàu HQ-604. Tàu HQ-604 thủng nhiều chỗ bên mạn và đài chỉ  huy. Ba chiến sĩ hi sinh tại chỗ, nhiều chiến sĩ cũng tử thương sau đó.

Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị trúng đạn khi đang vào hầm tàu, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông bị đạn bắn ở đầu khi đang chỉ huy chiến đấu. Tàu HQ-604 chìm nhanh xuống biển mang theo thi thể của thuyền trưởng cùng nhiều chiến sĩ trên tàu. Một số chiến sĩ nhảy ra khỏi tàu bơi trên biển, liền bị xuồng nhôm của Trung Quốc vây ép chạy quanh, dùng súng bắn vào các chiến sĩ. Có chiến sĩ bám vào thành tàu liền bị lính Trung Quốc dùng móc câu móc vào người dìm xuống biển.


Mai Thắng