04:21 28/04/2015

Những người làm nên đại thắng trên mặt trận ngoại giao

Ngày 28/4, tại TP Hố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc gặp mặt đầy xúc động, ấm cúng giữa những người đồng chí, người bạn gắn bó với nhau một thời trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, trong cuộc đám phán 2 bên, rồi 4 bên ở Hội nghị Paris từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973.

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm những ngày tháng 4 lịch sử, ngày 28/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra một cuộc gặp mặt đầy xúc động, ấm cúng giữa những người đồng chí, người bạn gắn bó với nhau một thời trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, trong cuộc đám phán 2 bên, rồi 4 bên ở Hội nghị Paris từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973.


Cuộc họp mặt có tên giản dị "Gặp mặt anh chị em tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam" do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015).


38 "anh, chị, em", hầu hết đều đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", có người năm nay đã gần 100 tuổi như Đại sứ Hà Văn Lâu (97 tuổi) đã có những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm rồi cùng nhau ôn lại những khoảng khắc lịch sử trên bàn đàm phán rồi đến ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nói như bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam: "Tuy đầu mọi người đều bạc, dáng người không còn phong độ như xưa nhưng vẫn giữ được nụ cười nồng hậu, những nụ cười đã từng thu hút được bạn bè từ khắp năm châu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta".

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp lại các đồng chí cùng hoạt động tại buổi họp mặt. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN



Cả khán phòng chăm chú hồi tưởng theo những chia sẻ của Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam, Nguyễn Thị Bình: "Tôi nhớ những ngày dài đằng đẵng trên bàn đàm phán mà chúng ta phải lặp đi lặp lại "lập trường bất di bất dịch"; " Mỹ xâm lược Việt Nam, thì Mỹ phải rút đi vô điều kiện". Nhưng chúng ta luôn luôn nhớ đến lời chúc Tết của Bác Hồ năm 1969, trước lúc Bác đi xa "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Chúng ta hiểu đó là quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, vì vậy không một giờ, một phút nào chúng ta nghĩ đến thất bại. Mọi người đều tâm niệm: "Cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và thống nhất đất nước dù kéo dài bao lâu, nhất định sẽ thắng lợi".

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, niềm tin tuyệt đối đó ở tất cả chúng ta, tại cuộc đám phán ở Paris, trên chiến trường miền Nam, ngoài hậu phương ở miền Bắc, cả trong ngục tù... tạo nên sức mạnh vô biên. Chúng ta tin ở chính nghĩa, tin ở các đồng chí lãnh đạo, tin ở quân đội, ở nhân dân nên chúng ta vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng. Với chiến lược, sách lược khôn khéo về chính trị ngoại giao của ta, Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/1/1973), đã mở đường cho nửa triệu quân Mỹ và các nước chư hầu rút đi "có trật tự". Theo bà Nguyễn Thị Bình, sự việc quan trọng này đã mở ra một cục diện mới cho chiến trường miền Nam, góp phần dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đánh giá về kết quả đạt được của đất nước sau 40 năm, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã hết sức nỗ lực và đã giành được những thành tựu đáng kể. Mỗi chúng ta, trong điều kiện của mình, cũng đã đi vào cuộc chiến đấu mới. Nhưng những sự tiến bộ đó chưa đủ để đảm bảo cho nhân dân ta có cuộc sống tốt như mong muốn, chúng ta còn thua kém nhiều nước xung quanh, chúng ta cũng chưa có một nền kinh tế vững mạnh để đất nước phát triển nhanh chóng. "Trước mắt nhân dân ta, con đường còn quanh co, khúc khuỷu nhưng với truyền thống của dân tộc, với thắng lợi trọng đại của hai cuộc kháng chiến mà cả thế giới khâm phục, chúng ta tin ở tiền đồ của đất nước, tương lai của dân tộc", bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 đã trân trọng gọi những chứng nhân lịch sử tham gia Hội nghị Paris là những "trang sách, cuốn sách" lưu trữ những giá trị lớn của lịch sử dân tộc. Theo Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý "đại nghĩa thắng hung tài, chí nhân thay cường bạo”; là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Bày tỏ sự xúc động và tình cảm sâu sắc với các thế hệ đi trước có mặt tại cuộc gặp mặt hôm nay, những người đã góp phần cho chiến thắng 30/4 lịch sử của dân tộc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bộc bạch: Nhắc lại nhiều về ý nghĩa của chiến thắng 30/4 lịch sử, trong đó có sự đóng góp của các cô, các chú trên mặt trận ngoại giao, chúng ta thấy giá trị càng cao, càng quý của chiến thắng này. Chúng ta đã làm được nhiều việc sau giải phóng nhưng trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng ta phải tiếp tục, với tất cả khả năng của mình phát triển sự nghiệp cách mạng sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.


Cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa này được tổ chức vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử đã góp phần tri ân những đóng góp to lớn của những con người đã kiên trì chiến đấu trên mặt trận ngoại giao, góp phần tạo tiền đề cho những chiến thắng vĩ đại của dân tộc và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tạo nên ngày 30/4 bất diệt.

Anh Tuấn