04:06 28/04/2018

Những người già biết giải phóng cho mình

Thay vì trách cứ con gái mải miết làm không hỏi thăm đến mình, trách cứ con trai không ở chung mà xây nhà riêng... nhiều người già đã tìm cho mình nguồn vui sống riêng.

Khi “lời nói đọi máu”

Chị Thu Phương (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Với mọi người, cứ thứ bảy là bắt đầu ngày nghỉ ngơi, nhưng tôi sợ nhất sáng thứ bảy bởi khi đó sẽ vang lên tiếng chuông điện thoại. Không cần nhìn màn hình cũng biết đó là của bố hoặc mẹ chồng tôi. Câu đầu tiên ông bà sẽ hỏi là: “Mấy giờ Phương về?”. Tiếp đó là lịch đi chợ, thu gói đồ để về quê với những bữa cơm và dọn dẹp không lúc nào ngơi tay”.


Chị Phương lập gia đình đến nay đã được 20 năm. Chẵn thời gian ấy chị đã trải qua những tháng ngày làm dâu mà như đến nay mỗi lần kể lại chị vẫn không rùng mình. Chị lấy chồng khi còn đang là sinh viên năm cuối đại học. Sau đó về nhà chồng ở Thái Nguyên làm dâu. Nhưng do tính chất công việc và cũng mong muốn được con cái học hành ở nơi có điều kiện tốt, chị Phương bàn với chồng xin phép ông bà về Hà Nội. Nhưng ý định này vừa mới đưa ra chị Phương đã nhận được sự phản đối gay gắt từ phía bố mẹ chồng, các chị chồng. Họ thay phiên nhau chì chiết chị là chỉ lo nghĩ cho mình mà không trọn đạo làm dâu, chăm sóc bố mẹ chồng. Ngày chị cùng con xuống Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới, bố chồng chị nói: “Phương mà bước qua cánh cửa này thì đừng về nữa”. Chị chồng của chị ngồi ngay trước cửa nhà nước mắt ngắn nước mắt dài kêu than: “Thế là chị mất em trai rồi em trai ơi”.


Thời gian sau đó, dù gia đình không tiếp đón nhưng giữ đạo làm con, hai ngày cuối tuần chị vẫn về nhà chồng. Mỗi lần nhìn vào mâm cơm, ông nói: “Canh mặn thế này thì chị mong tôi bệnh thận à!”. Có lần vì những đợt đi giảng ở tỉnh vào những dịp cuối tuần, chị Phương cả tháng không về được, đến khi vừa về tới nơi, bố chồng chị gọi cháu nội đến hỏi: “Cháu ơi, cháu có mấy bố hả cháu”. Chị Phương ngỡ ngàng trước “lời nói đọi máu” và nhìn đứa con còn thơ dại của mình rồi bỗng thấy bất lực.

Niềm vui của các ông bà khi tham gia môn Yoga cười mỗi sáng tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là dịp để mọi người cùng gặp gỡ, chia sẻ với nhau về cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Lê Phú.


Niềm vui ở đâu


Khác hẳn với gia đình chị Phương, ông bà Hà, Trung (ở Thành phố Vinh, Nghệ An) sinh được 4 người con thì cả 4 đều rời quê đi lập nghiệp. Con trai đầu của gia đình ông là thủy thủ. Các con sau đều công tác tại Hà Nội rồi lập gia đình nơi đó.


Vợ ông Trung vốn là giáo viên tiểu học nghỉ hưu nhưng sau đó bà đột quỵ, ông Trung còn mẹ già nhưng ông cũng thuê thêm người giúp để bản thân mình cũng như con cái được giải tỏa tâm lý. Rồi ông Trung đăng ký cho vợ tham gia câu lạc bộ thể dục thể thao dành cho những người khuyết tật vận động trong thành phố. Hàng tuần, hai vợ chồng ông đến tham gia bất kể ngày nắng hay ngày mưa.


Ông bà cũng nhận được nhiều lời bàn ra tán vào kiểu như: “Con trai ông bà mải làm giàu quá để ông bà bê nhau lên taxi à?, hay “Đẻ lắm con cũng như không ông bà nhỉ, chúng đi hết rồi, ốm cũng chả thèm ở cạnh”. Mỗi lần như vậy ông Trung phản pháo: “Chúng còn trẻ, còn khỏe như đôi cánh chim, bay được đến đâu thì hãy để chúng bay. Làm những công việc lương thiện, hơn bố mẹ chúng là nhà có phúc rồi. Chúng tôi tuy đã 70 nhưng chân vẫn đi được, đầu vẫn còn minh mẫn thì cớ gì lại làm khó con cái”.


Ông Trung cũng cho biết: “Lương hưu của hai vợ chồng tôi được 8 triệu đồng/tháng. Các con trai, con gái hàng tháng đều gửi tiền để chúng tôi mua thuốc hoặc taxi đi lại… Lúc rảnh, tôi đến nhà thuốc của người anh em để phụ giúp bốc thuốc nam. Đây vốn là nghề gia truyền của gia đình nhưng vì không theo được nên tôi vẫn đi giúp sau khi nghỉ hưu. Tôi cảm thấy lúc nào cũng bận cô ạ”.


Bà Hà nói: “Ban đầu bị đột quỵ tôi không nói được, nói không rõ chữ, nhưng sau 5 năm giờ đã nói được bình thường. Tham gia câu lạc bộ tôi có thêm bạn bè, được giao lưu, chia sẻ tinh thần phấn chấn hơn nhiều. Sắp tới tôi cũng là thành viên của đội múa quạt dưỡng sinh của phường đấy”.


Nhìn sự vui vẻ của ông bà trung, bà Hà, chúng tôi không nghĩ ông bà đã qua tuổi bảy mươi và đã từng trải qua bạo bệnh. Dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 thấy các con gọi điện không về được ông Trung cười: “Chúng không về được thì ta ra thăm chúng, thăm cháu mình. Tiện thể được đi thủ đô du lịch”. Được biết, cứ mỗi năm, ông bà Hà, Trung đều đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đây là dịp ông bà đến nhà từng đứa con.


Ông Trung chia sẻ: “Giờ một bước chân là xe tốt đưa đi. Không phải xe riêng của con mình thì cũng là taxi. Con trai, con gái đều có nhà riêng rộng rãi, chúng đều sẵn phòng để chúng tôi ở nhưng chỉ đến chơi dăm tuần thôi lại về quê. Ở chung với chúng cũng rất bất tiện. Khi nào một trong hai người ra đi, người kia chân chậm, mắt mờ, chúng khiêng đi đâu thì đi. Giờ phải vui với bạn già nơi ta sống đã”.


Khi xã hội phát triển đi kèm với những gia đình hạt nhân- một thế hệ- thì người già thay vì “trông mong” sự giúp đỡ khi chưa thực già thì họ tự tạo cho mình một lối sống vui, sống khỏe là giải pháp tối ưu. Cũng từ niềm vui ấy, nhiều ông bà hạnh phúc với con cháu, với những gì đang có mà không hề so sánh thiệt hơn.

HA/Báo Tin tức