05:00 16/05/2013

Những người gắn bó với “ngôi nhà” trên biển - Bài cuối: Những người nắm giữ “nhịp đập” con tàu

Con tàu được vận hành luôn có sự góp sức của tất cả các chiến sỹ trên tàu; Trong đó quan trọng nhất người chỉ huy, được xem là “đầu tàu” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường và người nắm giữ “nhịp đập” để máy tàu luôn hoạt động suôn sẻ là trưởng ngành cơ điện - Nguyễn Văn Tuấn.

Con tàu được vận hành luôn có sự góp sức của tất cả các chiến sỹ trên tàu; Trong đó quan trọng nhất người chỉ huy, được xem là “đầu tàu” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường và người nắm giữ “nhịp đập” để máy tàu luôn hoạt động suôn sẻ là trưởng ngành cơ điện - Nguyễn Văn Tuấn.


Trong hành trình tới quần đảo Trường Sa, phóng viên Tin Tức đã có dịp được lắng nghe tâm tư về cuộc sống, công việc của các anh trên tàu HQ-561.


Thuyền trưởng tàu HQ-561: Với tôi, chuyến đi nào cũng chất chứa nhiều cảm xúc

 

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường.

 

Thưa thuyền trưởng, cảm xúc của anh như thế nào khi chuyến đi đưa đoàn công tác của cán bộ công nhân viên chức Việt Nam (Đoàn công tác số 4) tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa thành công tốt đẹp?


+ Chỉ khi đoàn dừng chân tới cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, gần 200 đại biểu đều khỏe mạnh, an toàn tôi thực sự mới cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng. Tàu HQ-561 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Bất kỳ một chuyến đi nào đối với tôi cũng chất chứa nhiều cảm xúc, đặc biệt là chuyến công tác này. HQ-561 là tàu quân y đầu tiên của Hải quân Việt Nam, được trang bị hiện đại với chức năng khám chữa bệnh, cấp cứu cho ngư dân, quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ngoài ra, tàu còn có nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho tàu trực, điểm đảo, nhà giàn.

 

Kỷ niệm nào trong các chuyến đi biển khiến thuyền trưởng nhớ nhất, thưa anh?


+ Tôi gắn bó với những con tàu từ năm 2002 và đến nay đã có rất nhiều kỷ niệm trong các chuyến đi biển. Tuy nhiên, hành trình khiến tôi nhớ mãi là năm 2009, tôi mới được nhận nhiệm vụ thuyền trưởng của một con tàu và có lần chở 3 người dân, trong đó là một phụ nữ mang thai từ đảo Song Tử Tây trở về đất liền. Vào một hôm sóng to, người phụ nữ kêu đau bụng, cả đoàn lo lắng vô cùng vì lo chị sắp chuyển dạ sinh nở. Mặc dù trên tàu có một y sỹ nhưng lại không phải chuyên ngành sản khoa. Ban chỉ huy tàu thực sự vô cùng bối rối. Tuy nhiên khi sóng yên, biển lặng, chị kể là có ăn một chút đồ lạ bụng mang theo, lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Thưa anh, theo lịch trình, Đoàn công tác số 4 sẽ tới thăm 2 nhà giàn. Tuy nhiên, do biển động mạnh nên chỉ có một số người lên thăm Nhà giàn DK1-19. Không ít người đã phải rơi nước mắt vì nhìn thấy các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn ngay trước mặt mà không thể vào gặp các anh được. Tôi thấy anh đã phải giằng co giữa tình cảm và lý trí để đưa ra quyết định hủy chuyến thăm nhà giàn thứ 2?


+ Tôi hiểu rất rõ về ý nghĩa của các chuyến công tác ra Trường Sơn. Đó là tình cảm của đoàn đối với các chiến sỹ ngoài đảo, sự gắn kết giữa đất liền với biển khơi, nơi những người lính đang làm nhiệm vụ với bao khó khăn. Và “khách” cũng như “chủ” đều muốn gặp gỡ nhau, để trao cho nhau những cái bắt tay chứa chan tình cảm. Tuy nhiên chuyến công tác này, tôi đã phải ra một quyết định hủy chuyến thăm nhà giàn thứ hai. Lúc đó quả là không hề dễ dàng đối với tôi. Hôm đó, biển động rất mạnh, sóng lớn nên việc để đoàn di chuyển bằng canô ra nhà giàn rất nguy hiểm.


* Trưởng ngành cơ điện tàu HQ-561: Tình cảm của đất liền là động lực giúp chúng tôi vượt mọi khó khăn

 

Trưởng ngành cơ điện Nguyễn Văn Tuấn.

 

“Cơ duyên” nào đưa anh đến với con tàu quân y đầu tiên của Việt Nam?


+ Tôi sinh ra tại Hà Tĩnh và yêu thích biển đảo, hải quân từ lúc nào không hay. Khi còn là học sinh tôi rất thích thú những bài học về biển đảo Việt Nam; lớn hơn một chút, tôi hiểu được vai trò và trách nhiệm tham gia giữ vững chủ quyền. Sau khi kết thúc 5 năm học tại Học viện Hải quân, tôi ra trường năm 2007 và về công tác tại hệ tàu chiến Lữ đoàn 162, sang tháng 3/2012 về tàu HQ-561. Được công tác tại con tàu này là niềm mơ ước của tôi. Hiện nay, tôi phụ trách chính thiết bị hệ động lực, bảo đảm hệ thống kỹ thuật của con tàu.


Trước khi công tác tại HQ-561, tôi làm việc tập sự tại tàu HQ-381 (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) trong 6 tháng. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn thử thách, tôi đã được cơ quan cấp chứng chỉ. Lúc này về chuyên môn tôi đã bớt bỡ ngỡ và làm việc một thời gian tại tàu HQ-263, tới tháng 3/2012 thì chính thức làm tại tàu HQ-561 với nhiệm vụ là trưởng ngành cơ điện.

 

Được làm việc tại con tàu quân y hiện đại đầu tiên vừa là vinh dự nhưng cũng là áp lực đối với một người trẻ tuổi như anh?


+ Tàu được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Nếu không làm chủ được các công nghệ này thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong công tác. Vì vậy, anh em chúng tôi luôn trau dồi kiến thức, không ngừng học các kiến thức về chuyên môn và nâng cao vốn ngoại ngữ để có thể tham khảo các tài liệu của nước ngoài.


Khi con tàu được đưa vào vận hành, giữa lý thuyết và thực hành đều có khoảng cách. Một bài học đáng nhớ mà tôi đã từng trải qua là trong lúc vận hành tàu thì máy ngừng hoạt động. Lúc đó, tôi đã chỉ đạo anh em trong tổ máy phải bình tĩnh để xem xét các nguyên nhân. Nếu không tự xử lý được, chúng tôi xin trợ giúp thông qua hệ thống vệ tinh từ đất liền.

 

Là người lính lênh đênh trên biển, gia đình vợ con của anh có thông cảm?

 

+ Tôi cũng như nhiều anh em khác luôn được gia đình, vợ con hậu thuẫn và động viên để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vợ tôi là giáo viên Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) và chúng tôi đã có một bé gái 8 tháng tuổi. Vợ tôi rất thông cảm cho công việc của tôi và luôn tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Xin cảm ơn các anh về buổi trò chuyện đầy xúc động này!


Minh Phương (thực hiện)