04:10 19/04/2013

Những người “chỉ điểm” nổi tiếng thế giới

Họ có thể là một nhân viên cấp cao nắm những thông tin tối mật, cũng có thể là một người lính bình thường, nhưng có điểm chung là các bí mật mà họ tiết lộ đã tạo ra những tác động nhất định tới dòng chảy lịch sử, hoặc chí ít đã “giúp thế giới này an toàn hơn” như một nhận định ...

Họ có thể là một nhân viên cấp cao nắm những thông tin tối mật, cũng có thể là một người lính bình thường, nhưng có điểm chung là các bí mật mà họ tiết lộ đã tạo ra những tác động nhất định tới dòng chảy lịch sử, hoặc chí ít đã “giúp thế giới này an toàn hơn” như một nhận định trên tạp chí New Stateman (Anh). Dưới đây là một số nhân vật “chỉ điểm” tiêu biểu trong vài thập kỷ gần đây, những người thậm chí phải mang cả tính mạng của mình để đổi lấy sự thật.

 

Joe Darby


Năm 2004, một quân nhân Mỹ đã bí mật tuồn cho một thành viên ban điều tra tội phạm quốc phòng một đĩa CD chứa những bức ảnh gây sốc. Chúng được chụp ở nhà tù Abu Ghraib ở thủ đô Bátđa (Irắc), trong đó là cảnh lính Mỹ đang tra tấn, làm nhục và lạm dụng nhiều tù nhân địa phương. Sau khi được tiết lộ, những bức ảnh này đã gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy lính Mỹ còn thực hiện những vụ hiếp dâm và giết người tại nhà tù này, mặc dù các bằng chứng bằng hình ảnh đều bị chính quyền ỉm đi. Kết quả, 11 lính Mỹ đã bị kết tội do liên quan đến các sự việc nhơ nhuốc tại nhà tù Abu Ghraib.


 

Năm 2005, Darby được trao tặng giải thưởng Dũng cảm của quỹ John F Kennedy. Tuy nhiên không phải người Mỹ nào cũng tán dương hành động của anh. Một số người, bao gồm cả những người thân của Darby còn gọi anh là kẻ phản bội. Sau khi giải ngũ, Darby sống ở một nơi không được tiết lộ.

 

Daniel Ellsberg


Cuối những năm 1960, một bộ tài liệu tối mật đã được Daniel Ellsberg - khi đó 38 tuổi - sao chép lại khi ông đang làm nhân viên phân tích quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nội dung của tập tài liệu này là về sự can dự chính trị và quân sự của Mỹ vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ năm 1945 đến 1967, và theo lời của Ellsberg, chúng chứng minh “hành vi trái với hiến pháp của nhiều vị tổng thống Mỹ kế tiếp, vi phạm lời tuyên thệ của chính họ, vi phạm lời tuyên thệ của tất cả những người thuộc cấp của họ”.

 

Sau khi được công khai trên tờ New Yorks Times vào năm 1971, tập tài liệu có tên “Pentagon Papers” (Hồ sơ Lầu Năm Góc) đã tạo ra một sự phẫn nộ trong dư luận Mỹ và thế giới, bởi nó đã phơi bày cách mà bốn vị tổng thống Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson cố ý đánh lừa công chúng về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tổng thống đương nhiệm khi đó - Richard Nixon đã tìm cách truy tố Ellsberg theo Luật Gián điệp, tuy nhiên mọi cáo buộc cuối cùng đã bị tòa án bác bỏ. Hiện nay dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng Ellsberg vẫn là người rất có uy tín và được nhiều người khác coi là nguồn khích lệ khi họ muốn phanh phui một sự thật nào đó. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ những tiết lộ chấn động thời gian qua của trang web Wikileaks.

 

Mark Felt


Khi năm người đàn ông bị bắt do đột nhập vào văn phòng của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (Mỹ) tại khách sạn Watergate vào năm 1972, ít ai ngờ đây sẽ là một vụ bê bối chính trị cực lớn.

 

Nhờ thông tin do một nhân vật bí ẩn tiết lộ cho hai phóng viên của tờ Bưu điện Washington, một cuộc điều tra được tiến hành cho thấy Chính phủ, Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dường như đã “biết trước” vụ đột nhập này. Mấu chốt quan trọng nhất đó là cuốn băng ghi âm những cuộc hội thoại giữa Tổng thống Nixon và các cộng sự gần gũi cho thấy chính ông ta đã trực tiếp tìm cách che đậy mối liên hệ giữa chính phủ với những kẻ đột nhập. Kết quả là Tổng thống Nixon phải từ chức trong cay đắng.


Trong suốt hơn 30 năm, nhân vật bí ẩn nói trên chỉ được người đời biết đến với cái tên Deep Throat. Cho mãi đến năm 2008, Mark Felt, một nhân viên điều tra đã nghỉ hưu của FBI mới thừa nhận mình chính là nguồn cung cấp thông tin động trời nói trên. Ông chỉ quyết định việc này sau khi có sự thuyết phục của gia đình, không lâu trước khi ông qua đời và được mệnh danh là “nguồn tin giấu tên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

 

Katherin Gun


Katherin Gun- cựu biên dịch viên của Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ - một cơ quan tình báo Anh), đã trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tiết lộ nội dung một thư điện tử tối mật gửi từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ vào năm 2003.

 

Email này chứa đựng kế hoạch đặt máy ghi âm nghe trộm tại các văn phòng của sáu nước tại Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm sự chuẩn bị cho quân đồng minh tấn công vào Irắc. Việc nghe lén này vi phạm các Công ước Vienna về ngoại giao quốc tế và Công ước 1946 về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc.


Gun, khi đó 29 tuổi, nhận thấy bức thư nói trên chính là một vi phạm trực tiếp vào tiến trình dân chủ trước khi diễn ra cuộc chiến tranh tại Irắc. Trong email này, Mỹ đề nghị Anh giúp đỡ để khai thác những thông tin có lợi, nhằm mục đích dọn đường dư luận một khi phe đồng minh khai mào cuộc chiến. Sau khi tờ Observer đăng tải nội dung của bức thư lên trang nhất, chỉ 2 tuần trước khi phương Tây nhấn cò cuộc chiến tranh xâm lược Irắc, Gun đã bị bắt và bị buộc tội theo Luật Bí mật Công vụ. Sự nổi tiếng của vụ án khiến cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những tên tuổi lớn như Daniel Ellsberge và nam tài tử điện ảnh Sean Penn. Rốt cuộc, các cáo buộc chống lại cô đã bị bãi bỏ sau khi bên công tố từ chối cung cấp chứng cứ.

 

Clive Poiting


Clive Poiting, một cựu viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Anh, đã tiết lộ thông tin về vụ đắm tàu chiến General Belgrano của Áchentina vào năm 1984. Sự kiện này có một ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến tranh giữa Anh và Áchentina liên quan đến quần đảo Malvinas.

 

Những thông tin tối mật do Poiting cung cấp cho thấy, trái ngược với những báo cáo chính thức, con tàu trên đã ở bên ngoài vùng đặc quyền quốc gia và đang tìm cách tránh va chạm với lực lượng đặc nhiệm của hải quân Anh thì bị chiếc tàu ngầm HMS Conqueror của Anh đánh chìm, khiến 323 người bỏ mạng. Sau khi tiết lộ thông tin, Poiting bị buộc tội vi phạm Đạo luật 1911 về Bí mật Công vụ, nhưng sau đó được tuyên trắng án do bồi thẩm đoàn quyết định chống lại chủ tọa phiên tòa và cho rằng việc tiết lộ thông tin này vì “lợi ích cộng đồng”. Vài năm sau trường hợp của Poiting, chính phủ của bà Margaret Thatcher đã sửa luật nhằm kết tội cả những trường hợp tiết lộ thông tin tối mật dù với bất cứ mục đích gì. Kể từ đó đến nay, Poiting đã viết 13 cuốn sách. Cuốn sách mới nhất có tựa đề “Một trang lịch sử màu xanh mới cho thế giới: Môi trường và sự sụp đổ của nền văn minh vĩ đại” do nhà xuất bản Penguin phát hành vào năm 2007.

 

Frank Serpico

 

Câu chuyện về Frank Serpico đã trở thành bất tử vào năm 1973 sau khi bộ phim về cuộc đời ông - một cảnh sát ở New York - được ra mắt công chúng.

 

Bộ phim có tựa đề đơn giản “Serpico” do diễn viên Al Pacino thủ vai chính có nội dung dựa trên câu chuyện có thật về một viên cảnh sát trẻ tuổi đã dũng cảm đấu tranh chống lại nạn tham nhũng trong bộ máy cảnh sát New York. Làm cảnh sát, Serpico được chứng kiến một thế giới đầy bẩn thỉu: Buôn bán ma túy, hối lộ và những phi vụ phạm pháp khác có sự tham gia của những đồng nghiệp ở cấp cao nhất. Không còn cách nào khác, cuối cùng Serpico đã phải tố cáo những sự việc này cho phóng viên của tờ New York Times. Những tuần tiếp sau đó, Serpico trở thành đối tượng liên tục bị các nhân viên Sở Cảnh sát New York, từ cấp thấp đến cấp cao, hăm dọa. Thậm chí, một lần ông bị bắn súng vào mặt trong một sự vụ được cho là nhằm “xử lý” ông. Mặc dù được trao tặng huân chương danh dự của Sở Cảnh sát New York vào năm 1972, nhưng Serpico vẫn tiếp tục bị đồng nghiệp xa lánh. Ông hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ tương đối biệt lập gần New York. Dù đã ở tuổi 74 nhưng Serpico vẫn là người đi tiên phong trong việc lên án nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát.

 

Mordechai Vanunu


Từ năm 1975 đến 1985, Mordechai Vanunu làm công việc của một kĩ thuật viên hạt nhân cho chính phủ Ixraen. Trong quãng thời gian này, Ixraen vẫn chối họ không phải là nước đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Trung Đông.

 

Tuy nhiên, theo thông tin do Vanunu tiết lộ với báo chí Anh vào năm 1986, trên thực tế Ixraen đã sản xuất 150 - 200 quả bom nguyên tử và họ cũng đang cố gắng để sản xuất một quả bom hidro - loại bom có sức tàn phá khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Những thông tin này được công bố trên tờ Sunday Times ngay lập tức gây chấn động dư luận thế giới. Sau đó, Vanunu từ Anh bay sang Italia do mắc bẫy của một nữ công dân Mỹ nhưng là điệp viên tình báo của Ixraen. Ông được đưa trở về Ixraen và bị kết án 18 năm tù, trong đó 11 năm biệt giam. Hiện nay Vanunu đã được trả tự do sau 16 năm ngồi tù, tuy nhiên ông vẫn phải chịu đựng những điều kiện nghiêm ngặt như cấm rời khỏi đất nước, sử dụng Internet hoặc điện thoại. Ông từng được đề cử giải Nobel hơn 16 lần, làm hiệu trưởng danh dự Đại học Glasgow (Anh) từ năm 2004 - 2007 khi đang bị giam giữ. Trong thời gian này, ông đã mạo hiểm cả mạng sống để có thể giữ liên lạc thường xuyên với các sinh viên của mình.


Dương Tố Quỳnh