12:16 18/12/2015

Những người bảo vệ “biên giới mềm” trên biển

Nhắc đến Vùng 4 Hải quân, tôi lại nhớ đến bài thơ đã được phổ nhạc của Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, nguyên Chính ủy Vùng 4 và trở thành bài hát truyền thống của con tàu HQ 996 kể từ chuyến đi biển trung tuần tháng 4/2011: “Khi những con tàu vào khu neo tránh bão, thì tàu tôi lao ra biển khơi, có chuyến đi nào vất vả hơn thế…”.


Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân kể lại: Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, ở đảo Sinh Tồn Đông, khi lực lượng trực phát hiện hàng chục tàu cá nước ngoài có tàu chiến bảo vệ, xâm phạm chủ quyền của ta, lập tức toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo cấp trên… triển khai lực lượng, tập trung tuyên truyền xua đuổi. Mặc dù, tàu nước ngoài thách thức, răn đe, khiêu khích, nhưng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 sử dụng tổng hợp các biện pháp, đúng đối sách, buộc các tàu nước ngoài phải rời khỏi vùng biển của ta.

Diễu binh trên đảo Trường Sa Lớn.Ảnh: Phương Lan

Đây chỉ là một trong vô vàn tình huống phức tạp trên biển mà bộ đội Trường Sa thường phải xử trí. 30 Tết năm ấy, mặc dù bữa cơm tất niên bỏ dở, bụng đói, nhưng ai cũng thấy vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

“Mỗi khi chủ quyền biển, đảo của ta có dấu hiệu bị xâm phạm, đối mặt với những hiểm nguy, có thể hy sinh, mất mát; cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 luôn vững vàng; ai cũng muốn nhận về mình phần khó khăn, gian khổ; ai cũng muốn ra biển. Dù bị ốm, bị thương cũng không chịu vào bờ; có lệnh là lập tức lên đường, dù vẫn biết còn nhiều khó khăn, gian khổ đang ở phía trước”, đại tá Nguyễn Công Sơn chia sẻ.

Những năm gần đây, tình hình biển, đảo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, "nóng lên" bởi những mưu đồ hòng tranh đoạt chủ quyền biển, đảo của nước ta. Tình hình đó đặt ra cho Vùng 4 Hải quân những nhiệm vụ mới, yêu cầu đòi hỏi cao hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, khi làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo, nếu thiếu kiềm chế, chỉ cần một hành động sai, một phát súng nổ không đúng chỉ đạo, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, có thể xảy ra xung đột. Để cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Vùng tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; thực hiện nghiêm phương châm chỉ đạo 8K, là "kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không nổ súng trước, không để xảy ra xung đột, không để mất chủ quyền".

Bộ Tư lệnh Vùng 4 luôn giáo dục niềm tự hào là người chiến sỹ nơi tuyến đầu Tổ quốc; giáo dục tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết keo sơn, gắn bó; tàu, đảo là nhà, cán bộ, chiến sỹ là anh em; toàn đơn vị nhận thức thống nhất, hành động thống nhất theo nghị quyết của Đảng, nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy; đồng sức, đồng lòng, nên dù là một tập thể nhỏ, quân số ít nhưng lại có sức mạnh lớn, sức mạnh của lòng yêu nước, của tình đoàn kết và ý thức kỷ luật nghiêm minh.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến; nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh kiên cường, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt, giữ vững đối sách; sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Điển hình là Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc, dù bị thương nặng, trên người 8 vết thương, mất nhiều máu, nhưng vẫn giữ vững vị trí chỉ huy, động viên anh em siết chặt đội ngũ, vững vàng ý chí, thực hiện đúng phương châm, phương án đấu tranh, quyết không để đối phương kích động, lợi dụng sơ hở của ta, làm phức tạp thêm tình hình.

Với nhiệm vụ chính trị số một là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sỹ toàn Vùng luôn quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực nghiệp vụ ở các cấp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư thường xuyên nắm chắc tình hình, tổ chức thông báo, báo động kịp thời, thực hiện 3 sẵn sàng "người sẵn sàng, vũ khí thiết bị sẵn sàng, phương án sẵn sàng" và được luyện tập thuần thục.

Trong phong trào thi đua sẵn sàng chiến đấu cao, bộ đội Vùng 4 thường ít quan tâm đến trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, ngày thường hay lễ Tết. Trong ý thức của mọi người, điều thường trực là tinh thần cảnh giác cao độ, mất cảnh giác, lỡ thời cơ chiến đấu là đồng nghĩa với thất bại, là có tội với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Cảnh giác sẵn sàng chiến đấu nhưng trước tiên là sự ứng biến để có lợi nhất, không để đối phương tạo cớ gây xung đột, đại tá Nguyễn Công Sơn cho biết.
T.V