08:11 08/08/2017

Những ngôi nhà ấm tình đồng bào dưới chân núi Kà Đay

Về thăm lại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vào những ngày tháng 8, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay ở nơi đây.

Sáu ngôi nhà xây ngói mới đỏ tươi vừa được trao tặng bà con dân tộc Chứt bằng sự chung sức của cả cộng đồng đã trở thành những món quà vô giá giúp đồng nào phần nào vượt qua khó khăn, vững vàng trước mùa mưa bão về.

Bản Rào Tre có tổng diện tích đất tự nhiên gần 40 ha với 41 hộ, 145 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt đang sinh sống. Người Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê cách đây khoảng 40 năm. Từ năm 2001, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà mái ngói kiên cố vừa được bàn giao của gia đình mình, bà Hồ Nam hồ hởi: “Sống đến nay đã hơn 50 năm rồi, trong mơ tôi cũng không nghĩ cuộc đời mình lại được ở trong ngôi nhà xây đẹp đẽ như thế này. Gia đình tôi biết ơn Đảng, Mặt trận và các chú Biên phòng nhiều lắm...”.

Nói rồi bà Hồ Nam chỉ tay về phía ngôi nhà cũ đã rách nát, xập xệ bên cạnh, đó là ngôi nhà được Bộ đội Biên phòng dựng cho gia đình bà từ năm 2004 khi mà người Chứt vừa được đưa về định cư tại bản Rào Tre sau hơn 40 năm sống du canh, du cư. Ngôi nhà cũ được dựng lên bằng gỗ, tranh nứa và lợp lá cọ đó là nơi sinh sống của hai hộ trong gia đình bà. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, cả gia đình lại thấp thỏm lo âu, chỉ một trận gió to cũng có thể cuốn bay ngôi nhà, có năm lũ vào nhà cửa ngập hết.

Một góc bản Rào Tre xưa kia. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhà mới của gia đình bà Hồ Nam là một trong 6 ngôi nhà được xây mới lần này ở bản Rào Tre do kinh phí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh vận động quyên góp 50% và sự hỗ trợ bằng vật chất và ngày công của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh.

Trung tá Nguyễn Quốc Phú, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng 575, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Tháng 2/2017, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Bản Giàng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê, Ủy ban nhân dân xã Hương Liên và bà con bản Rào Tre tổ chức khởi công xây dựng 6 ngôi nhà mới cho người dân.

Đồn Biên phòng Bản Giàng đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đội công trình của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng 6 căn nhà tại bản Rào Tre. Sau bốn tháng khẩn trương, tích cực xây dựng, 6 ngôi nhà xây kiên cố đã được hoàn thành và bàn giao cho 6 hộ dân bản Rào Tre có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa bị xuống cấp sử dụng.

Những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) đến năm 2020”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình tại bản Rào Tre có kinh tế vườn hộ, bình quân mỗi hộ có 1 - 2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh, có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dân bản tự tổ chức sản xuất và tự túc được lương thực. Tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm xuống bằng mức bình quân chung của tỉnh. 100% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống (điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi…). Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 10%. Chi bộ và các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, cùng với sự nỗ lực của toàn cộng đồng, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là sự “cầm tay chỉ việc” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, mục tiêu đề ra của Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt đang ngày một hoàn thiện.

UBND xã Hương Liên đã cấp 108 ha đất trồng rừng cho các hộ dân trong bản, đảm bảo bình quân mỗi hộ sẽ được nhận 2 ha rừng. Khu tái định cư mới của bản Rào Tre cũng đang được khẩn trương xây dựng với con đường dài 2,7 km nối từ bản cũ vào đã được hoàn thành và 11 ngôi nhà đang chuẩn bị xây mới cho người dân.

Người dân bản Rào Tre bây giờ 100% đã biết nói tiếng Kinh, biết học con chữ và biết tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe cho bản thân, lao động chân chính để phục vụ cuộc sống.

Hoàng Ngà (TTXVN)