03:16 18/03/2020

Những ngày trọn vẹn nghĩa tình trong khu cách ly

Ngày hôm ấy có người đi, người ở lại. Người đi ngồi trên ô tô, đưa tay vẫy chào người ở lại, nụ cười trên môi mà nước mắt rưng rưng. Hình ảnh chia tay tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) khiến ai chứng kiến cũng xúc động nghẹn ngào.

Chú thích ảnh
Trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly cho các công dân. Ảnh: TTXVN phát

Cầm tấm giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly trên tay, em Trần Thị Hồng Nhung quê ở Hải Dương, du học sinh Hàn Quốc tươi cười cho biết, em về nước từ ngày 25/2, sau đó thực hiện cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong 14 ngày. Trong thời gian cách ly, em và mọi người được các cán bộ, chiến sĩ của nhà trường quan tâm, chăm sóc, thăm khám sức khỏe hàng ngày.

"Các cán bộ nhà trường và học viên đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Ấn tượng nhất đối với tôi là được sống trong không gian rộng rãi, sạch sẽ, đồ dùng sinh hoạt được cung cấp nhanh và đầy đủ. Bữa ăn được giao tận cửa phòng để mọi người không phải đi lại nhiều", Hồng Nhung chia sẻ.

Còn đối với Phạm Thị Trang, du học sinh tại Hàn Quốc thì lại ngỡ ngàng khi nhận được sự quan tâm ân cần, chu đáo từ lãnh đạo nhà trường, hàng ngày được ăn đủ 3 bữa vào các khung giờ cố định, đo nhiệt độ 3 lần/ngày.

"Chúng tôi gọi những ngày cách ly là 14 ngày an lành. Thật sự không như những gì chúng tôi tưởng tượng. Ngay từ khi quyết định về nước, tôi đã biết mình phải thực hiện cách ly nên có sự chuẩn bị tâm lý. Tôi sợ bị kỳ thị, bị đối xử lạnh nhạt, sợ phải sống tại một nơi không ổn. Nhưng những gì đã trải qua thật khác. Phòng ở sạch sẽ, thoáng mát, khu vệ sinh cũng sạch, được dọn dẹp thường xuyên", Phạm Thị Trang tâm sự.

Trong cuốn sổ của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nhiều công dân hết thời hạn cách ly, trước khi rời đi đã kịp lưu lại cảm xúc bằng những dòng chữ. "Ra đi cánh gió phương trời lạ/Vẫn nhớ non sông một mái nhà. Bởi khi khó khăn, nơi đó luôn dang rộng vòng tay để ôm chúng ta vào lòng. Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Nơi đất khách quê người, nếu vấp ngã không thể thoát ra, thì là lúc Tổ quốc giúp ta tìm ra những con đường thoát… Mới đó mà đã 14 ngày. Nơi giúp đỡ tôi là Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Các chú bộ đội, ban lãnh đạo đã tận tình chăm sóc như những người cha, người mẹ…".

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ giúp công dân vận chuyển hành lý. Ảnh: TTXVN phát

Kể từ khi ca mắc COVID-19 thứ 17 được xác định, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tính đến hết ngày 17/3, toàn quốc có ca nhiễm thứ 66, đã chữa khỏi 16 ca và chưa có ca tử vong. Việt Nam đang đứng trước những thời khắc hết sức quan trọng, đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 có quy mô toàn cầu. Trong hơn 2 tháng qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có.

Xác định nhiệm vụ lo cho dân là nhiệm vụ của quân đội, vì dân không tiếc gì, thời gian qua, toàn quân đã tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân phòng, chống dịch giai đoạn đầu hiệu quả.

Lực lượng Biên phòng thực hiện tốt việc kiểm soát các đường mòn, lối mở, góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Các đơn vị, quân khu đảm bảo tốt vai trò Chính phủ giao là thực hiện cách ly người đến từ vùng dịch. Năm yêu cầu trong phòng, chống dịch đã được toàn quân nỗ lực thực hiện nghiêm, gồm: không để lây lan rộng, không để đội ngũ y tế lây nhiễm, không để có người tử vong, không gây tâm lý hoảng loạn và không để ảnh hưởng xấu tới kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế song phương cũng như đa phương.

Để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Trong cuộc chiến "chống giặc" đang diễn biến ngày càng phức tạp ấy, những việc làm tốt, có ý nghĩa ngày càng nhiều, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Có lẽ, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm lao động vất vả, hàng ngày chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, dọn vệ sinh hay bê những khay cơm lên tận phòng trao cho công dân đang thực hiện cách ly sẽ trở thành động lực, niềm tin để các công dân thực hiện việc cách ly nghiêm túc hơn. Sau thời gian cách ly, với kiến thức được phổ biến, chắc chắn họ cũng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực về phòng chống dịch. Cứ như thế, những việc làm tưởng như nhỏ bé ấy đã xây dựng nên một niềm tin lớn lao của nhân dân về một đất nước an bình, luôn đặt lợi ích vá sức khoẻ của người dân lên trên hết! 

Đó là niềm tin mạnh mẽ, sáng rực trong mỗi trái tim con người Việt Nam, như đoạn lưu bút của một công dân đã viết: "Đất nước Việt Nam ơi, phải chăng không có gì có thể ngăn chặn, cản bước được ta. Hãy cùng nhau vượt qua dịch bệnh này nhé".

Nhật Anh (TTXVN)