01:08 23/01/2022

Những ngày giáp Tết

Đã là những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu. Tiếp tục là một năm khó khăn bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cũng là một năm thử thách sự nỗ lực cố gắng của tất thảy mọi người; không khí Tết có vẻ trầm hơn, nhưng đất trời thì đã có những tín hiệu của một mùa Xuân đang về.

Chú thích ảnh
Nhiều cây đào nở hoa sớm phục vụ khách có nhu cầu chơi đào sớm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Mấy hôm nay, tiết trời lạnh hơn, mưa bụi phủ mờ các con đường, hàng cây, góc phố. Bầu trời có ngày trắng đục, ủ một màu nước. Nhưng như thế lại làm cho sắc đào xuống phố thắm hơn, sắc hoa tươi hơn. Những cây quất cảnh cũng như rực rỡ hơn. Rồi lan, ly, violet, cúc… và bao loài hoa khác nổi bật hơn lên. Có trong giá lạnh, mới thấy sắc hoa mang theo hơi ấm rót vào lòng người!

Trước cổng chung cư nhà tôi, một chàng trai còn trẻ tuổi kiên nhẫn bên xe cây cảnh, với hai cành đào phai rất to, bông nở đã kha khá, đẹp đến mềm lòng người. Không biết cả ngày có bán hết bằng ấy cây hoa, để có một mùa Tết bớt khó khăn, nhất là với những lao động tự do, làm những công việc thời vụ như người bán hàng rong này. 

Chú thích ảnh
Tại khu vực chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ), nhiều hộ đã bán đào phục vụ khách. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trên các con phố, các cửa hàng chộn rộn bày bán hàng Tết, những giỏ quà bọc trong giấy bóng kính lấp lánh. Chợ hoa Hàng Lược đã khai mạc, phố Hàng Mã nhiều ngày trước đó đã rực rỡ sắc màu những món đồ trang trí Tết. Trừ sự thưa vắng khách hơn so với nhiều năm, còn lại, vẫn một màu thắm đỏ thể như không gì làm cho những màu sắc ấy nhạt phai đi được. 

Trước ngày Ông Công ông Táo, ở nhiều chợ dân sinh và cả chợ cóc, người ta đã bán đào, quất. Không ít nhà mua cành đào nhỏ trưng chơi hoặc đào răm để lên ban thờ thắp hương. Tôi không biết Tết với mọi người thường bắt đầu thế nào, nhưng với tôi, cứ nhìn thấy đào, quất xuống phố, ấy là Tết đã gần lắm rồi.

Chú thích ảnh
Chợ hoa Hàng Lược đã khai mạc từ ngày 20/1. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Năm nay dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi ngành nghề, lĩnh vực, đời sống. Ngay như với dịp Tết Nguyên đán, nếu như mọi năm, chỉ dọc tuyến phố nhỏ chừng năm trăm mét khu nhà tôi đang ở đã có khoảng năm, sáu nhà lấy quất về bán. Có nhà chuyên quất vườn, loại quất quả nhỏ nhưng nhiều chi chít, lộc xanh mơn mởn, hoa nở thơm ngát. Có nhà chuyên quất bonsai, trồng trong bình gốm, mỗi gốc giá vài triệu, thậm chí là chục triệu đồng. Nhưng năm nay chỉ duy nhất một nhà bán quất cảnh. Một sự thay đổi to lớn, thể hiện rõ sức ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ lo sức tiêu thụ giảm, cũng giống như nhiều nhà vườn hoa cảnh Tết lo ế ẩm. Một tiên liệu không phải không có căn cứ.

Dịch bệnh cũng làm thay đổi không ít thói quen của mỗi người, mỗi gia đình. Thậm chí nó len lỏi vào từng gian bếp của các bà nội trợ. Mẹ tôi đi chợ sắm Tết tiết giảm số lượng thực phẩm, đồ ăn. Dịch bệnh thế này, chỉ có con cháu trong gia đình sang chúc Tết, ăn bữa cơm gia đình. Khách khứa ít vì mọi người phòng chống dịch, bảo vệ mình cũng là bảo vệ những người xung quanh (những ngày gần Tết, thành phố Hà Nội ghi nhận trên dưới 3.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày). 

Chú thích ảnh
Sắc đỏ chủ đạo trong một của hàng bán đồ trang trí trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cả nhà tôi dự định về quê trước Tết để ra mộ thắp hương cho bố mẹ chồng, ông bà, anh trai cũng bảo, năm nay sẽ làm thịt con lợn (tất nhiên là vừa vừa), bữa cơm gia đình chỉ có anh em trong nhà chứ không mời thêm họ hàng như các năm trước nữa. Cần phải cẩn thận nhất là khi mình ở ngoài đường về. Đó là thay đổi rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Hành trang để về quê ngoài tình cảm với quê hương, quà Tết, còn là khẩu trang, nước sát khuẩn, nước súc họng, nhỏ mắt, mũi. “Thích ứng linh hoạt” để phòng chống dịch hiệu quả, quan trọng nhất vẫn ý thức phòng, chống dịch COVID-19, để có một cái Tết vui và an toàn.

Hoàng Linh/Báo Tin tức