09:09 25/09/2017

Những lựa chọn quân sự nào Mỹ có thể áp dụng với Triều Tiên?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/9 đã đe dọa “hủy diệt” CHDCND Triều Tiên và từ trước đến nay Washington cũng nhiều lần đánh tiếng cảnh báo về hành động quân sự với Bình Nhưỡng. Vậy trước mắt Mỹ có những lựa chọn nào?

Trong thời gian "nóng bỏng" vừa qua, Tổng thống Mỹ đã nói về “hủy diệt”, “lửa cháy và thịnh nộ”, khẳng định “mọi lựa chọn đã sẵn sàng” tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng không nêu chi tiết như thế nào và bao giờ thì hiện thực hóa những tuyên bố đầy cứng rắn này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng đe dọa về “phản ứng quân sự quy mô” sau khi Triều Tiên thực hiện thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 3/9.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa).

Ông Mattis cũng thừa nhận rằng chiến tranh có thể gây thảm họa đối với con người tại cả Triều Tiên và những nước lân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng dường như Washington đang ngày càng bất mãn với việc Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis còn cho biết nước này có giải pháp quân sự với Triều Tiên mà không gây ảnh hưởng tới Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhà phân tích Graham Ong-Webb tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cảnh báo rằng tất cả các giải pháp quân sự đều có chung kết cục là Triều Tiên trả đũa Hàn Quốc.

Dưới đây là những giải pháp quân sự mà Mỹ có thể áp dụng do tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) liệt kê.

Tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực

Mỹ có thể đẩy mạnh triển khai quân đội tại khu vực để đáp ứng tốt hơn việc phản công trong trường hợp Triều Tiên tấn công. Từ lựa chọn này, Mỹ cần cân nhắc về hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, củng cố hiện diện quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc và ủng hộ chương trình vũ khí hạt nhân tại hai quốc gia đồng minh ở Đông Á này.

“Mỹ có thể đặt thêm nhiều quân trên bàn cờ. Mục đích rất rõ ràng là gây nhụt chí cho Triều Tiên”, ông Ong-Webb nói.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Hàn Quốc. Ảnh: AP

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Justin Bronk tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh ở London nhận xét rằng những động thái này sẽ khiến Triều Tiên coi là khiêu khích và không mang lại hiệu quả trong việc ngừng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhắm trực tiếp đến ông Kim Jong-un

Mặc dù thông tin về khả năng quân sự của Triều Tiên chưa được đánh giá rõ ràng nhưng một giải pháp khác với Mỹ là cử đặc nhiệm tới Bình Nhưỡng và hạ sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Giải pháp này được cho sẽ làm mất ổn định chính quyền Triều Tiên và buộc nước này từ bỏ mục đích hạt nhân.

Ngày 12/9, tờ New York Times (Mỹ) đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã công khai về đơn vị “cắt ngọn” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên đây được đánh giá là phương thức nhiều rủi ro với các yếu tố khó đoán bao gồm vòng bảo vệ chặt chẽ quanh ông Kim Jong-un.

Máy bay ném bom B-1B, chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và phi cơ quân sự Hàn Quốc bay trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP

Nhắm vào cơ sở hạt nhân và tên lửa

Mỹ có khả năng sử dụng tên lửa hoặc bom để tiến hành tấn công nhằm vào cơ sở chứa tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng đây được coi là nhiệm vụ phức tạp liên quan tới bí ẩn về tiềm lực quân sự Triều Tiên và cuộc trả đũa từ Bình Nhưỡng. Và với lựa chọn này, tuy Mỹ có thể phá hủy thiết bị hạt nhân và tên lửa Triều Tiên nhưng chưa chắc đã đảm bảo vô hiệu hóa được hỏa lực của nước này.

Tấn công phủ đầu


Các nhà phân tích lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu dân thường và tạo tổn thất quy mô lớn. Trong trường hợp Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân, khả năng về mưa phóng xạ có thể xảy ra.

Ngay cả khi Mỹ có thể loại bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì Bình Nhưỡng vẫn có thể chống trả lại với số bộ binh và vũ khí phi hạt nhân.

Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ đánh giá trên tờ Politico rằng tấn công phủ đầu có khả năng nhưng rủi ro cao.

Hà Linh/Báo Tin Tức