05:13 19/05/2020

Những lời khuyên của Bác Hồ còn nguyên giá trị đối với cách mạng Lào

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào, xem “giúp bạn là tự giúp mình” và “thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhiều thập niên đã trôi qua, mỗi khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, các lãnh đạo Lào đều đánh giá rất cao những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những kinh nghiệm và bài học mà Bác đã chia sẻ trong quá trình giúp đỡ cách mạng Lào, khẳng định những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Là thư ký cho cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane từ năm 1964, dù đã hơn 70 tuổi, nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath vẫn nhớ rất rõ những câu chuyện mà cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là cách thức mà Bác đã hỗ trợ cho cách mạng Lào phát triển.

Theo ông Somsavat, ngay từ cuối những năm 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên Chủ tịch Kaysone rằng muốn cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng căn cứ địa, muốn xây dựng căn cứ địa, thì phải xuống cơ sở gặp nhân dân, cùng ăn cùng ở với nhân dân. Bác cũng chia sẻ với đồng chí Kaysone về kinh nghiệm xây dựng chiến khu của Việt Nam, đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu và cũng là lý do tại sao cố Chủ tịch Kaysone chọn tỉnh Hua Phan, giáp giới với Việt Nam làm căn cứ địa của cách mạng Lào. 

Ông Somsavat cho biết sau khi căn cứ địa trên được thành lập, Bác Hồ đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp phối hợp với Chủ tịch Kaysone nhằm hỗ trợ Lào xây dựng quân đội. Nhờ có căn cứ địa, sự hỗ trợ tận tình và những lời khuyên vô cùng sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Lào Itsala đã ra đời vào ngày 20/1/1949. Để đoàn kết nhân dân Lào đi theo ngọn cờ của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khuyên đồng chí Kaysone phải hết sức coi trọng công tác mặt trận, bởi Lào là nước có “nhiều bộ tộc,  nhiều tầng lớp, nhiều tôn giáo, nhiều lực lượng”. Và năm 1950, Neo Lao Itsala (Mặt trận Lào tự do) do Hoàng thân Suphanouvong làm Chủ tịch đã ra đời. Theo ông Somsavat, những lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “rất chính xác, phù hợp với tình hình đặc điểm của đất nước Lào” và đã giúp cho cách mạng Lào ngày càng trưởng thành và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước cho tới ngày nay.

Nói về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cách mạng Lào, đặc biệt là trong công tác mặt trận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, đồng chí Saysomphone Phomvihane, cho biết “Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng mặt trận đại đoàn kết toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bác luôn khuyên các lãnh đạo Lào rằng, muốn đánh thắng bọn đế quốc phải dựa vào nhân dân, lấy dân làm gốc, sức mạnh chiến thắng là sức mạnh của nhân dân. Từ lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Neo Lao Itsala đã ra đời vào năm 1950. Sau khi Neo Lao Itsala ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyên lãnh đạo Lào phải tập trung, chú trọng vào sự đoàn kết, vì có đoàn kết mới có thắng lợi. Người cũng chỉ ra rằng: "muốn cứu nước, phải dựa vào nhân dân, vận động nhân dân, lấy người dân làm sức mạnh, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải giành lại quyền lợi cho nhân dân, Lào và Việt Nam có chung một kẻ thù, vì vậy, Lào và Việt Nam phải đoàn kết chiến đấu, vì một mục đích chung là độc lập dân tộc ở mỗi nước”.

Theo đồng chí Saysomphone Phomvihane, lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào những năm 1950 là di sản vô giá và vẫn còn nguyên giá trị đối với tổ chức mặt trận quốc gia của Lào cho tới hôm nay. Từ lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng của Lào đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Mặt trận Lào Tự do đã vận động được nhân dân Lào trên cả nước, cùng đoàn kết chiến đấu. Kết quả là, Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam và Mặt trận phối hợp Lào-Việt Nam-Campuchia đã đánh thắng thực dân Pháp. 

Sau này, khi đổi thành Neo Lao Hak Sat (Mặt trận Lào Yêu nước) vào năm 1956, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào tiếp tục thực hiện vai trò tập trung đoàn kết toàn dân Lào cùng với Việt Nam, Campuchia, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, để đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước. Nhờ vậy mà Việt Nam đã thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, trong khi Lào lập nên nước CHDCND Lào vào ngày 2/12/1975.

Đối với đồng chí Kikeo Khaykhamphithoun, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo và hiện là Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, “Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người bạn thân thiết gắn bó với nhân dân Lào, Người có vai trò rất lớn và đã có những cống hiến to lớn cho Cách mạng Lào”.

Theo đồng chí Kikeo, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo và dẫn đường chỉ lối cho cách mạng Lào, Bác thường nhắc nhở “Phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường”, chỉ có làm được như vậy, phong trào cách mạng mới phát triển nhanh chóng và đoàn kết chắc chắn. Đặc biệt Người rất chú trọng tới công tác xây dựng lực lượng của cách mạng Lào, coi đây là yếu tố quyết định của cách mạng Lào, lúc nào Người cũng lo lắng và thường xuyên hỏi về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ của Lào, quân đội Lào đã phát triển lớn mạnh thế nào rồi. Rõ ràng, Người coi đây là mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam phải giúp Lào bởi theo Người: “Nếu cách mạng Lào không giành được thắng lợi, bọn thực dân không bị đánh đuổi khỏi Lào, nghĩa là cách mạng Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng không thể tồn tại được”.

Đồng chí Kikeo cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên căn dặn Chủ tịch Kaysone Phomvihane rằng: “Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào là phải gần dân, hiểu dân, phải coi trọng việc giáo dục, vận động và tổ chức con người, làm cách mạng là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng và phải luôn quan tâm, coi trọng đoàn kết toàn dân”.

Trong công tác đào tạo cán bộ chủ chốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Rừng trúc nếu vào thì chọn lấy cây trúc, cây bạch đàn không có vì đó là rừng trúc. Trong rừng trúc đó, nhìn xem cây nào có lá nào dài nhất, không có sâu, không bị sâu cắn, chắc chắn đó là chủ chốt…”. Theo đồng chí Kikeo, lời dạy đó mặc dù Bác đã nói từ nhiều năm trước, nhưng vẫn còn nguyên giá trị trong công tác đào tạo cán bộ của Lào hiện nay. 

Đồng chí Kikeo nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng Lào, tư tưởng và tinh thần cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, là ngọn nguồn tập trung sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân Lào, giúp cho cách mạng Lào có những bước phát triển vững chắc, ngày càng lớn mạnh và liên tiếp giành thắng lợi, để đến năm 1975, chúng tôi đã giành thắng lợi cuối cùng, lập nên nước CHDCND Lào. Chúng tôi, thế hệ con cháu cùng tất cả người dân Lào trên cả nước luôn ghi tạc công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện sẽ tiếp tục thực hiện và vận dụng lời khuyên của Bác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là trong việc gìn giữ và phát huy quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, mối quan hệ có một không hai trên thế giới, làm sao để mối quan hệ này mãi trường tồn với thời gian”.

Phạm Kiên (Pv TTXVN tại CHDCND Lào)