06:11 11/06/2020

Những kỳ tích của trái tim!

Sự sống của những ca bệnh nặng này, không chỉ là kỳ tích của y học, mà hơn thế, là kỳ tích của những trái tim, những trái tim đã hết mình cứu chữa người bệnh; những trái tim đã sẵn sàng đùm bọc, lo lắng, yêu thương và dõi theo mỗi ca bệnh như thể việc “trong nhà”.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 sau khi được ngưng ECMO chiều 3/6. Ảnh: TTXVN phát

Ở thời điểm Việt Nam bước sang ngày thứ 56 không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng; cũng là lúc chúng ta tiếp tục ghi thêm một kỳ tích trong công tác chống dịch: Cứu chữa thành công cho ca bệnh mắc COVID-19 nặng nhất, phi công người Anh.

Là “khởi nguồn” cho ổ dịch bar Buddha, bệnh nhân COVID số 91, phi công người Anh, đã trải qua gần 90 ngày điều trị, bắt đầu từ ngày 18/3, “kỷ lục” về thời gian điều trị dài nhất ở nước ta.

Có những thời điểm, tưởng chừng không thể giữ được tính mạng cho ca bệnh quá nặng này. Những tiên lượng xấu liên tục được đưa ra. Nhưng rồi ngày 3/6, bệnh nhân được ngưng ECMO (máy thở), sau đó hồi phục nhanh chóng; từ chỗ có phản ứng với y bác sĩ khi được hỏi, tới chỗ có thể đung đưa chân…

Và chiều ngày 10/6, bệnh nhân đã tỉnh táo, nhanh chóng hồi phục trí nhớ, có thể biết mật mã điện thoại, máy tính bảng của mình. Hiện tại, phổi của bệnh nhân cải thiện nhiều, chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Bệnh nhân đã ngưng lọc máu được 2 tuần. Phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân trước đây cũng đã trở thành phương án dự phòng.

Với ngay những người trong ngành y, sự hồi phục của bệnh nhân 91 cũng được xem là “đáng ngỡ ngàng”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID từng chia sẻ: Khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra, không chỉ cá nhân ông, mà các thầy, các chuyên gia trong Hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy.

Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường, nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn, cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ. Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay, những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Kỳ tích của bệnh nhân 91 là kết quả một hành trình dài của “biệt đội” giải cứu bao gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị - Bộ Y tế được thành lập, liên tục theo dõi, hội chẩn không kể ngày đêm nhằm ứng phó với tình trạng của bệnh nhân cũng như đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp. “Tất cả các kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu ở Việt Nam đều được áp dụng cho bệnh nhân số 91, có những loại thuốc chưa từng sử dụng ở Việt Nam nhưng cũng được mua về nhằm đảm bảo giữ mạng sống cho bệnh nhân. Chúng tôi gần như không ăn, không ngủ, túc trực 24/24 giờ theo dõi mọi tình hình, sự biến chuyển của bệnh nhân”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Chú thích ảnh
Bệnh nhân số 19 được công bố khỏi bệnh sáng 27/5. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong tổng số 332 bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam, có không ít ca nặng. Trong đó, hai ca “sát cửa tử” là ca số 19 tại Hà Nội và 91 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là hai ca bệnh khiến các bác sĩ và cả cộng đồng đều “thót tim” từng ngày. Những y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đã có những ngày quên ăn quên ngủ, những ca trực ròng rã bên cạnh giường bệnh để giành giật sự sống cho mỗi bệnh nhân. Có những thời điểm, khi ra khỏi phòng bệnh, quần áo của y bác sĩ đã sũng đặc mồ hôi, đứng không vững. Có những lúc, các bác sĩ ép tim cho bệnh nhân tới mức rã rời tay… Nhưng không một ai vì thế mà nản lòng, lui bước. Còn nước còn tát, không còn nước cũng “tát”, quả thật đúng là tinh thần như vậy, “giằng” bệnh nhân trở về từ tay Thần Chết!

Một “biệt đội” giải cứu bao gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị - Bộ Y tế được thành lập, liên tục theo dõi, hội chẩn không kể ngày đêm nhằm ứng phó với tình trạng của bệnh nhân cũng như đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp. “Tất cả các kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu ở Việt Nam đều được áp dụng cho bệnh nhân số 91, có những loại thuốc chưa từng sử dụng ở Việt Nam nhưng cũng được mua về nhằm đảm bảo giữ mạng sống cho bệnh nhân. Chúng tôi gần như không ăn, không ngủ, túc trực 24/24 giờ theo dõi mọi tình hình, sự biến chuyển của bệnh nhân”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong kể.  

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bùi Thị Tặng chuẩn bị đồ bảo hộ vào phòng bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Và giờ đây, bệnh nhân 19 đã ra viện, khỏe mạnh hoàn toàn. Sự hồi phục hoàn toàn của bệnh nhân 91 cũng chỉ còn tính bằng ngày. Thật sự là những tin vui hơn cả tưởng tưởng, khiến thế giới một lần nữa phải ngả mũ trước công cuộc chống dịch COVID-19 của đất nước chúng ta!

Không có sự ghi nhận nào lớn hơn đối với đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam trong cuộc chống dịch COVID-19, bằng sự hồi phục 100% của các bệnh nhân, dù thời gian ngắn hay dài. Nó minh chứng cho trình độ, năng lực, cũng như tấm lòng “lương y như từ mẫu” của những chiến sĩ áo trắng. Họ đã vượt qua những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, khi khả năng lây nhiễm rất cao, thậm chí nhiều y bác sĩ tuyến đầu đã mắc bệnh, họ đã trải qua cả tháng xa gia đình, cách ly xã hội… để có thể giữ mạng sống cho bệnh nhân, giữ bình yên cho đất nước trong bối cảnh dịch bệnh quá là nguy hiểm và nặng nề trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) hiện đang theo dõi và điều trị cho 5 bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong suốt quá trình ấy, không ai lùi bước, không có chuyện nản lòng, không có chuyện vì đây là bệnh nhân nước ngoài mà lơ là hơn. "Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân số 91, tất cả đội ngũ y, bác sỹ nỗ lực tối đa, toàn bộ ê-kíp không còn khái niệm thời gian, không phân biệt ngày và đêm, chỉ tâm niệm một điều duy nhất là phải điều trị thành công cho ca bệnh đặc biệt này. Khoảnh khắc bệnh nhân số 91 mỉm cười sau khi cai ECMO cũng là lúc tất cả chúng tôi cùng mỉm cười - đây là khoảnh khắc mà tôi và các đồng nghiệp không thể nào quên. Hy vọng sống của bệnh nhân số 91 đã rõ hơn bao giờ hết", bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, từng chia sẻ.

Và cũng không chỉ những người có trách nhiệm, bản thân mỗi người trong xã hội cũng đều thể hiện truyền thống quý báu “thương người như thể thương thân” của dân tộc. Khi nghe tin bệnh nhân 91 phải ghép phổi, hàng chục người đã tình nguyện hiến. Khi biết tin bệnh nhân hồi phục, những niềm vui như lan trên mạng. Hàng ngày, người ta chờ thông tin về sức khỏe của ca bệnh này, như chờ thông tin về sức khỏe người thân của mình. Là như thế!

Bởi vậy, sự sống của những ca bệnh nặng này, không chỉ là kỳ tích của y học, mà hơn thế, là kỳ tích của những trái tim, những trái tim đã hết mình cứu chữa người bệnh; những trái tim đã sẵn sàng đùm bọc, lo lắng, yêu thương và dõi theo mỗi ca bệnh như thể việc “trong nhà”. Với một sự đồng lòng, nhất trí, với một tình cảm “như một” như vậy, bảo sao, con virus nguy hiểm SAR-CoV-2 đang hoành hành không ngừng nghỉ trên thế giới, đã phải “đầu hàng khuất phục” ở đất nước Việt Nam!

Phạm Tuyết