09:11 22/09/2014

Những khu vực có thể 'theo chân' Scotland đòi độc lập

Kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Scotland đã được công bố, với hơn 55% cử tri vùng này bày tỏ nguyện vọng tiếp tục sống dưới “mái nhà chung” của Vương quốc Anh. Mặc dù vậy, nhiều khu vực ở châu Âu có thể vẫn "theo chân" Scotland đòi độc lập.

Kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Scotland đã được công bố, với hơn 55% cử tri vùng này bày tỏ nguyện vọng tiếp tục sống dưới “mái nhà chung” của Vương quốc Anh. Mặc dù vậy, nhiều khu vực ở châu Âu có thể vẫn "theo chân" Scotland đòi độc lập.

Những người Scotland ủng hộ nền độc lập.

Veneto (Italy)

89% người dân Veneto đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập trong một cuộc trưng cầu ý dân trực tuyến.

Hồi tháng 3 vừa qua, trong một cuộc trưng cầu ý dân trực tuyến, 89% người dân vùng Veneto ở Italy đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Cuộc trưng cầu trực tuyến ra đời với mục đích hướng đến tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân chính thức.

Trước đó, hàng chục người đã bị bắt giữ vì có âm mưu bạo lực tách khu vực này khỏi Italy. Đám đông ủng hộ li khai thậm chí còn biến một chiếc xe ủi đất thành một chiếc xe tăng tự chế.

Trong khi một số khu vực khác viện tới sự khác biệt về văn hóa, người Veneto lại đưa ra những lý do về mặt kinh tế cho động thái đòi độc lập. Họ cho rằng Veneto đủ tiềm lực kinh tế để “ra riêng”, với những thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt là du lịch trong những năm gần đây.

Catalonia
(Tây Ban Nha)

Rừng cờ độc lập của người Catalonia trong lễ kỷ niệm ngày dân tộc Catalonia ở Barcelona hôm 11/9 vừa qua.


Catalonia, nằm ở Đông Bắc Tây Ban Nha, là nơi sinh sống của 7,5 triệu dân và là khu vực có ngôn ngữ và văn hóa riêng. Sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco năm 1977, Catalonia đã giành được quyền tự trị giới hạn. Kể từ đó, xứ này đã mơ về ngày giành độc lập hoàn toàn.

Catalonia được coi là đầu tàu kinh tế của Tây Ban Nha khi đóng góp hàng tỷ euro cho doanh thu quốc gia hàng năm của nước này, nhiều hơn so với nguồn thu nhập xứ này nhận từ chính quyền trung ương.

Thất vọng vì sự phân bổ không cân xứng trên cùng với suy thoái kinh tế của Tây Ban Nha những năm vừa qua, chính quyền Catalonia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, Madrid đã tuyên bố rằng bước đi này có thể vi phạm hiến pháp của Tây Ban Nha.

Quần đảo Faroe (Đan Mạch)

Quần đảo Faroe, có diện tích khoảng 550 dặm vuông (khu vực đất liền), thuộc về Đan Mạch và đã độc lập ở rất nhiều mặt. Ý muốn tách hoàn toàn khỏi Đan Mạch vẫn tồn tại trong dân cư quần đảo này.

Corsica (Pháp)

Đảo Corsica


Hòn đảo Corsica nằm ở Biển Địa Trung Hải và thuộc về Pháp từ năm 1769.

Bất chấp những dự định ly khai, một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Corsica năm 2003 đã thất bại.Chiến dịch không thành công gần như đã làm cho các phần tử khủng bố thuộc nhóm Mặt trận giải phóng quốc gia Corsica, hoạt động trong những thập kỷ trước đây, phải “nín lặng”.

South Tyrol
(Italy)

Trước Đại chiến thế giới I, South Tyrol thuộc về nước láng giềng Áo, nhưng sau đó lại trở thành một phần của Italy sau khi trận chiến kết thúc.

70% người dân sống ở South Tyrol nói tiếng Đức và gần gũi với văn hóa Áo (cũng nói tiếng Đức), hơn là Italy. Khu vực này có quyền tự trị và có kinh tế phát triển đa phần nhờ phát triển nông nghiệp và thu hút du khách do địa thế nằm trên dãy Alps.

Những lời kêu gọi độc lập đã luôn xuất hiện trong lịch sử của South Tyrol, nhưng các đảng địa phương cho đến nay đã thất bại trong biến niềm mơ ước này thành hành động chính trị có sức ảnh hưởng.

Basque
(Tây Ban Nha)

Khu vực tự trị Basque phần lớn nằm ở Tây Ban Nha, nhưng kéo dài cả vào Pháp. Mặc dù rất khó xác định các biên giới thực sự của khu vực này, giấc mơ độc lập là điểm đặc biệt dễ nhận ra tại đây.

Tương tự như Catalonia, khu vực này đối mặt với những thách thức trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập. Ngoài ra, Basque vẫn phải giải quyết những vấn đề trong quá khứ, đó là tổ chức khủng bố Eta đã tấn công bạo lực chính quyền trung ương ở Madrid trong gần một thế kỷ. Dù mọi sự chưa phải đã được giải quyết hoàn toàn, năm 2011, tổ chức khủng bố Eta đã tuyên bố ngừng bắn vĩnh viễn.

Flanders (Bỉ)

Người dân tuần hành kêu gọi độc lập cho Flanders.


Bỉ bị chia tách giữa Wallonia và Flanders, hai cộng đồng không có cùng ngôn ngữ. Trong khi vùng Flanders ở miền Bắc nói tiếng Hà Lan, người Wallonia ở miền Nam lại nói tiếng Pháp ( Bỉ giáp với Pháp). Vùng Flanders giàu có hơn vùng Wallonia, cùng với sự khác biệt về ngôn ngữ là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vùng này. Vùng Flanders cũng nhiều lần bóng gió về ý muốn thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Bavaria (Đức)

Thật khó tưởng tượng nước Đức mà không có Bavaria, nhưng nhiều người Bavaria mong muốn có quyền tự trị lớn hơn. Nhà nước liên bang vốn có vị trí đặc biệt khi là nhà nước duy nhất với đảng khu vực nằm trong Quốc hội Đức. Đảng Liên minh xã hội cơ đốc giáo (CSU) của Bavaria và Đảng liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel tạo thành một liên minh trong Quốc hội Liên bang Đức, và đồng tâm nhất trí trong quốc hội.

Đảng CSU không chủ trương độc lập và rất ít khả năng sẽ thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy một phần ít người Bavaria (hơn 20%) cho rằng khu vực này sẽ trở nên tốt hơn nếu độc lập vào năm 2009.


Hạnh Nhân (Theo Washington Post)