02:07 12/02/2013

Những kênh đầu tư lạ của nhà giàu Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ ảm đạm, chính trong thời điểm đó, một thị trường mới nổi lên và ngày càng chứng tỏ sức hút cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, đó là ngành kinh doanh "những thú chơi văn hóa".

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ ảm đạm, trong khi nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát bong bóng bất động sản đã khiến nhiều người giàu Trung Quốc không còn nhiều lựa chọn để đầu tư tiền bạc. Chính trong thời điểm đó, một thị trường mới nổi lên và ngày càng chứng tỏ sức hút cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, đó là ngành kinh doanh "những thú chơi văn hóa".


Dưới đây là 8 thứ khác thường mà giới nhà giàu Trung Quốc đam mê đầu tư.


Quả óc chó


Quả óc chó (ảnh) từng là một trong những trò chơi được yêu thích của các “ông vua, bà hoàng” Trung Quốc. Theo sử sách, xoay tròn quả óc chó trong lòng bàn tay sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, thú vui quý tộc này đã bị xóa bỏ trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Mặc dù vậy, gần đây, quả óc chó đã trở thành một kênh đầu tư gây sốt, dĩ nhiên không dành cho dân thường. Chỉ có giới nhà giàu mới đủ tiền và độ chịu chơi để không chỉ xem quả óc chó như một món đầu tư hời mà còn là một biểu tượng địa vị.



Nếu như cách đây 10 năm, một cặp quả óc chó chỉ có giá 350 tệ (56 USD), thì nay có giá tới hàng chục ngàn USD. Kou Baojun, một nhà sưu tập có tiếng ở Bắc Kinh, cho biết, quả óc chó càng già, càng lớn, càng có hình dạng đối xứng nhau, càng có giá trị. Hiện Baojun sở hữu hơn 30 cặp óc chó, phần lớn trong số đó đều trên 1.000 năm tuổi và chuyển sang màu hơi đỏ do trải qua nhiều năm liền chà xát với lòng bàn tay con người.


Thú vui và niềm đam mê đặc biệt từ những nhà sưu tập như Kou đã giúp quả óc chó trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận đối với những lái buôn như Hu Zhenyuan - người chuyên mua nguyên cả vườn óc chó từ các nông dân vào trước mỗi vụ thu hoạch để đảm bảo nguồn cung cho chuỗi cửa hiệu của ông ta ở Bắc Kinh.


Bồ câu đua


Người giàu Trung Quốc dám chi tới 320.000 USD cho mỗi con bồ câu đua (ảnh) và giá của chúng có thể còn lên tới 650.000 USD, một phần do bị giới đầu cơ làm giá.



Những con bồ câu đua giống tốt từ Bỉ hoặc Hà Lan là đắt nhất. Hồi đầu năm 2012, đại gia ngành đóng tàu Hun Zhen Yu đã tới châu Âu và chi mức giá kỷ lục - 250.000 euro - để có được chú chim bồ câu có tên “Special Blue” tại Hà Lan. Từ người điều hành tập đoàn đầu tư Zhenyu ở Ôn Châu, ông Hun cho biết, ông muốn "tập trung hơn vào hoạt động thể thao liên quan tới chim câu". Năm 2011, Hun Zhen Yu từng bỏ ra gần 1 triệu USD để tổ chức một cuộc thi đua chim bồ câu quy mô lớn.


Người chủ cũ của “Special Blue”, ông Pieter Veenstra, đã bán được 245 con chim bồ câu trong vài năm qua với giá hơn 2 triệu euro. Trang web PIPA chuyên đấu giá chim bồ câu của Bỉ khẳng định, một nửa khách hàng của họ là từ Trung Quốc.


Ngọc bích


Trong suốt lịch sử nghệ thuật và văn hóa của Trung Quốc, ngọc bích (ảnh) có tầm quan trọng đặc biệt, giá trị tương đương vàng và kim cương. Ngọc bích không chỉ được sử dụng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà còn được dùng làm đồ tùy táng cho những nhân vật quý tộc. Ngày nay, ngọc bích vẫn được coi là biểu tượng của vẻ đẹp và sự cao quý. Ngoài ra, theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, ngọc bích mang lại hạnh phúc và may mắn cho người sở hữu và có tác dụng xua đuổi tà ác.



Năm 2010, đá ngọc bích có giá 3.000 USD/ounce ở Trung Quốc, gấp 10 lần mức giá vào năm 2000, thậm chí đắt hơn cả vàng. Những chiếc vòng tay hay tượng nhỏ bằng ngọc bích có thể có giá tới hàng trăm ngàn USD.


Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đầu cơ bất động sản và không còn nhiều chỗ để cất giấu những đồng tiền bị coi là phi pháp, giới nhà giàu Trung Quốc đã lựa chọn các tài sản khác, điển hình là đá ngọc bích, làm tài sản đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, giá đã bắt đầu giảm xuống và nhiều người lo ngại rằng bong bóng này sẽ vỡ trong tương lai gần.


Rượu


Mặc dù tiêu thụ rượu bình quân đầu người còn tương đối thấp, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của rượu vang Bordeaux. Trong năm 2011, 58 triệu chai rượu vang Bordeaux trị giá hơn 300 triệu euro đã được xuất khẩu sang nước này, tăng gấp đôi so với năm 2010.



Các đại gia Trung Quốc đã bắt đầu quen với thú đầu tư vào rượu và các vườn nho. Trong 4 năm qua, ước tính có khoảng 30 xưởng tại khu vực sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp đã bị các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm. Dự kiến sẽ có khoảng 20 thương vụ tương tự được hoàn tất trong thời gian tới.


Tại các phiên đấu giá của hãng Sotheby’s (ảnh), khách Trung Quốc đã nhiều lần trả giá hàng trăm ngàn USD cho một chai rượu. Các ngân hàng lớn cũng chào mời nhiều khoản vay phục vụ đầu tư rượu của người Trung Quốc. Thậm chí, một quỹ đầu tư rượu có tên Dinghong đã ra đời cách đây 5 năm và có tăng trưởng lợi nhuận hàng năm khá ổn định là 15%. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát lo ngại, bong bóng rượu vang đã bắt đầu hình thành và một lúc nào đó sẽ nổ tung.


Tranh và đồ cổ


Những năm gần đây, giới đầu tư Trung Quốc trở thành một thế lực đáng gờm trên thị trường chuyển nhượng nghệ thuật quốc tế, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đấu giá như Sotheby’s.


Các quỹ đầu tư cho nghệ thuật cũng đã tăng vọt về quy mô cùng với sự phát triển của thị trường nghệ thuật. Doanh số đầu tư vào các quỹ nghệ thuật được cho là đã vượt quá 5,7 tỉ tệ (900 triệu USD), theo báo cáo công bố hồi tháng 7/2012 của Eastmoney.


Tuy nhiên, làn sóng ồn ào gần đây trong lĩnh vực đầu tư nghệ thuật đã gây lo ngại rằng, các quỹ sẽ bị rút tiền ra nhanh chóng, dẫn đến việc bán ra ồ ạt một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật. Do hầu hết các quỹ này là ngắn hạn, nên rủi ro là sẽ không thể bán được các tác phẩm nghệ thuật với giá cao hơn so với hai hoặc ba năm trước đó.


Tem


Một bộ bốn con tem (ảnh) từ thời Cách mạng Văn hóa đã bán được 1,1 triệu USD trong một buổi đấu giá tại Hồng Công năm 2011. Những con tem này cực kỳ quý hiếm bởi chúng không bao giờ được phát hành trở lại.



Tem, cũng giống như rượu vang và các tác phẩm nghệ thuật, có xu hướng tăng giá đáng kể do giới giàu Trung Quốc tìm kiếm những kênh đầu tư thay thế trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn.


Tem thư trở thành sản phẩm gây sốt từ trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo, hầu hết những gì nằm trong cơn sốt là không đáng giá quá lớn, ngoại trừ một số ít các con tem từ thời Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976) hoặc đời nhà Thanh (1644 - 1911) mới thực sự có giá trị.


Trà cổ


Thú thưởng trà của người Trung Quốc có thể sánh với thói quen thưởng thức rượu vang ở phương Tây. Một bánh trà cổ Phổ Nhĩ (ảnh), nặng 345 gram, có tuổi lên tới 100 năm, có thể có giá trên 250.000 USD. Chè được hái từ các cây chè cổ thụ hoặc từ một vùng núi đặc biệt, được bảo quản qua nhiều năm thì càng có giá cao. Giá trà còn liên quan đến nhiều yếu tố đánh giá như mức độ ôxy hóa hoặc quá trình lên men, tã lá và ép lá và việc trà được thu hoạch vào mùa xuân hay mùa hè.



Trong cơn sốt đầu tư trà, một nông dân ở Vân Nam thậm chí đã dùng phân gấu trúc để bón cho đồi chè và bán ra loại trà hảo hạng có giá tới 3.500 USD/50 gram.


Bánh trung thu


Bánh trung thu bằng vàng và bạc (ảnh) đã trở thành những lựa chọn quà biếu xa xỉ cho giới nhà giàu Trung Quốc trong dịp Tết Trung thu. Trong mùa Trung thu 2012, một loạt “đại gia” ngân hàng Trung Quốc đã đổ xô vào thị trường bánh trung thu siêu cấp. Ngân hàng Viễn thông Trung Quốc tung ra hộp bánh trung thu bằng vàng nặng 500 gram, có giá 21.000 tệ (3.340 USD), trong khi Ngân hàng Công thương thì giới thiệu hộp quà “Kingee Gold” với hai chiếc bánh nặng 50 gram, có khắc các mô típ cảnh vật truyền thống và ký tự Trung Quốc, với giá 47.620 tệ (6.820 USD). Dòng bánh trung thu rẻ nhất của ngân hàng này là bánh bằng bạc, cũng có giá tới 850 tệ (135 USD)/chiếc.



Thu Hằng(st)